loading...
Đầy tâm huyết và cũng rất thẳng thắn, chuyên gia Đoàn Minh Xương đã chia sẻ những góc nhìn của mình về bóng đá Việt Nam trong thời gian đến.
Tuần qua có 2 sự kiện tưởng như không liên quan mà thực ra lại rất có quan hệ với nhau, đấy là việc Viettel thông báo chia tay Nguyễn Trọng Đại và Nguyễn Quang Hải từ châu Âu trở về Việt Nam để thực hiện thủ tục xin visa lao động nhằm hiện thực hoá giấc mơ chơi bóng ở châu Âu
Xa và gần “Giấc mơ World Cup”
* Thể thao & Văn hóa: Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng thương hiệu đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam”, đã được Bộ VH-TT &DL tổ chức cuối tuần qua. Một nội dung quan trọng đưa ra là từ năm 2023 đến 2025, đội tuyển Việt Nam phấn đấu vào tốp 8 châu Á, năm 2026 đến 2030 tốp 7 châu Á và có mặt VCK World Cup. Ông nhìn nhận thế nào về mục tiêu này?
- Chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Giấc mơ World Cup” là cụm từ mà thời gian gần đây chúng ta đã nghe nhắc đến nhiều như một khát vọng của bóng đá Việt. Khát vọng không còn xa vời, đã có mục tiêu rõ ràng chứ chẳng phải nói cho vui nữa. Dẫu biết rằng còn lắm gian truân, phải trải qua rất nhiều gian lao mới đi đến cái đích đó. Nếu khoảng 5-7 về trước khi bàn đến việc hướng đến mục tiêu World Cup với bóng đá nước nhà sẽ bị coi là nói chuyện tiếu lâm nhưng bây giờ thì khác. Hẳn nhiên, chúng ta cũng không lạc quan, hồ hởi thái quá rằng cứ muốn là được. Tất cả phải chung tay để đi tới bởi “có đi mới sẽ thành đường”.
Cần biết rằng tiềm năng để chuyển hóa cơ hội thành tấm vé dự World Cup là có. Tuy nhiên, không phải chỉ lý thuyết suông, hô hào không là được. Ngay từ lúc này, đòi hỏi các nhà quản trị bóng đá nước nhà phải có tầm nhìn chiến lược, xác lập được những kế hoạch thật chi tiết.
Thời gian gần đây, bóng đá Việt Nam đang cho trái ngọt bởi được chăm chút một cách tương đối kỹ, có hệ thống. Các “lớp sóng” cầu thủ trẻ liên tục được bồi dưỡng, chăm lo với kế hoạch khá chuyên nghiệp của những nhà quản lý bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ mới tốt hơn so với chính chúng ta trước đó. So với yêu cầu phát triển rất cần một lộ trình đầu tư đúng đắn, cùng tầm nhìn dài rộng. Lộ trình đó không chỉ nằm ở VFF, các CLB, địa phương hay học viện. Mọi thứ phải được quan tâm, đầu tư ở tầm mức cao hơn từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chính phủ. Nói tóm lại phải có được một đề án tổng thể để dựa vào đó cho hành trình phát triển.
Một vấn đề khác được đặt ra, hành trình World Cup luôn song hành với câu chuyện về kinh phí. Mọi kế hoạch dù có bài bản đến đâu, nếu không có tiền, cũng sẽ không thể thực hiện được một cách hiệu quả. Trong mấy năm qua, dấu hiệu đáng mừng là VFF hoạt động tương đối hiệu quả nhờ hiệu ứng tích cực từ thành tích quốc tế của các đội tuyển. Tuy nhiên, con số vài trăm tỉ đồng/năm cũng chưa thể đủ bởi hoạt động bóng đá mà VFF phải chăm lo là rất nhiều. Công tác đào tạo trẻ hay nuôi dưỡng các lứa U cần thêm rất nhiều công sức và kinh phí. Muốn có được đội ngũ chuyên gia giỏi về thể lực, dinh dưỡng, y tế…, phải có chế độ đãi ngộ cao. Hiện tại, việc trả lương cho các HLV vẫn thông qua các đối tác chiến lược của VFF. Thời gian tới, VFF cần phải biết khai thác mạnh mẽ hơn các nguồn lực xã hội.
* Vậy trong tổng thể các nguồn lực để hiện thực hóa “giấc mơ World Cup”, rõ ràng công tác đào tạo trẻ như một thành tố quan trọng, thưa ông?
- Rõ ràng, thành công thời gian qua nhờ vào lứa cầu thủ trẻ chất lượng, gối đầu nhau. Lứa cầu thủ được ra lò ở các trung tâm, địa phương làm công tác đào tạo trẻ truyền thống, uy tín lâu nay. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Cần nhiều hơn nữa các trung tâm, lò đào tạo trẻ chứ không chỉ nhỏ lẻ như hiện nay.
Cầu thủ giống như một “gói sản phẩm”, dứt khoát phải kinh qua quá trình hoàn thiện một cách nghiêm ngặt. Quá trình đó với đầu vào thế nào, vun xới, chăm bẵm bài bản, tử tế rồi chất lượng đầu ra có đáp ứng được hay không. Như tôi đã nói, hãy làm ngay những việc mà bấy lâu nay bóng đá Việt Nam chưa thực sự coi trọng. Như phải xây dựng được một đội ngũ chuyên gia về các lĩnh vực, bao gồm dinh dưỡng, kỹ thuật, tâm lý, thể lực. Những yếu tố này hợp cùng cơ sở vật chất, HLV giỏi, điều kiện đào tạo hiện đại mới đáp ứng được quá trình cho ra sản phẩm là những cầu thủ chất lượng.
Gần đây rõ ràng VFF đầu tư tốt và chuyên nghiệp cho các tuyến trẻ quốc gia nhưng vẫn ngắn hạn, mang tính giải quyết nhiệm vụ trước mắt chứ chưa có chiến lược lâu dài. Sắp tới, V-League sẽ thay đổi thể thức theo xu hướng chung của châu Âu và AFC, thì công tác đào tạo trẻ cũng phải thay đổi để các đội tuyển U17, U19, U23 tận dụng quỹ thời gian FIFA Days.
Năm 2014, khi tôi sang Đức, được biết mỗi tuyến trẻ của họ được đầu tư theo chu kỳ 4 năm dựa theo cột mốc World Cup, giải châu lục hay Olympic... Điều này giúp mỗi lứa trẻ được đầu tư đồng bộ, có kế hoạch dài hơi với chất lượng và số lượng “quân xanh” được tính toán khoa học, cụ thể. Trong khi chúng ta hầu như không thể khẳng định tương lai 1 - 2 năm tới về lứa U17 của HLV Hoàng Anh Tuấn hay U19 Việt Nam của HLV Đinh Thế Nam. VFF vừa qua phối hợp với Next Media đưa U17 Việt Nam sang Đức tập huấn là tín hiệu tốt.
Và cuối cùng, một băn khoăn là vị trí tốp 8 châu Á vào năm 2025. Vị trí ấy (hạng 72 thế giới) hiện đang do Iraq nắm giữ, còn Việt Nam là hạng 16 châu Á, 96 thế giới. Trên lý thuyết phải có một cuộc “đại nhảy vọt” để sau đây 3 năm, chúng ta phải cùng lúc qua mặt: Kyrgyzstan, Jordan, Bahrain, Syria, Uzbekistan, Trung Quốc và Oman.
V-League phải được “đánh thức”
* Để có được một ĐTQG mạnh phải bắt nguồn từ một giải VĐQG chuyên nghiệp, chất lượng, Thời gian gần đây, V-League cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, ông kỳ vọng gì về những thay đổi tiếp theo của các giải đấu trong nước?
- VFF cũng đã xúc tiến để có những thay đổi mang tính đột phá về thể thức thi đấu của V-League từ mùa giải 2023. Theo đó, để đồng bộ hóa lịch thi đấu của châu Á và toàn cầu, mùa giải thay vì diễn ra trong 1 năm sẽ được vắt sang 2 năm, bắt đầu từ mùa thu và kết thúc vào mùa hè năm sau, giống như châu Âu. Rõ ràng đây là tín hiệu tích cực, mang đến cái lợi là giúp đồng bộ hóa lịch thi đấu (và cả thị trường chuyển nhượng cầu thủ quốc tế) giữa bóng đá trong nước với các giải của AFC, FIFA ở cả cấp CLB lẫn ĐTQG. Để tránh những xung đột giữa ĐTQG với CLB, bóng đá nước nhà cũng phải đồng bộ hóa khâu huấn luyện từ cấp CLB đến các đội tuyển.
Đã đến lúc, V-League phải được “đánh thức” để trở thành giải đấu thật sự chuyên nghiệp, làm nền tảng, tạo ra động lực phát triển. Muốn thế, ít nhất phải thực hiện được những tiêu chí sau đây:
Trước hết, VFF và VPF phải có những cải tổ triệt để nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của mình. VPF phải hoạt động chuyên nghiệp, thực chất và hiệu quả hơn nữa chứ không chỉ là “cánh tay nối dài” của VFF như lâu nay. Với mô hình Công ty cổ phần, VPF có thể tính đến chuyện thu hút người tài, mời chuyên gia nước ngoài ngồi vào vị trí Tổng Giám đốc hoặc ghế Trưởng giải.
Mỗi CLB phải hoàn thiện đầy đủ các tiêu chí đúng nghĩa theo mô hình chuẩn chỉ của một CLB chuyên nghiệp. Phải đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào mô hình Công ty cổ phần như hiện nay. VFF, VPF phải kiểm tra, đánh giá, cấp phép nghiêm túc chứ không thể “du di”, xuề xòa như lâu nay. Nếu CLB nào không đáp ứng các tiêu chí theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp có thể xuống chơi ở hạng dưới.
V-League quá nhiều tiềm năng để phát triển cả chất lẫn lượng, mang lại lợi nhuận lớn. Đã đến lúc những người làm bóng đá cần ngồi lại với nhau, đưa ra lộ trình mới để phát triển công nghiệp bóng đá nước nhà theo xu thế bóng đá thế giới. Lúc này cần một “chiến lược” dài hơi chứ không chỉ “chiến thuật” ngắn hạn như lâu nay.
* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trần Tuấn (thực hiện)
loading...