(Thethaovanhoa.vn) - Trên quan điểm của người đứng đầu Hội CĐV Bóng đá Việt Nam, với tâm huyết của một “ông già gân”, ông Trần Hữu Nghĩa đau đáu về một hội nghị nhằm kết nối các CLB với Hội CĐV và giữa các Hội CĐV với nhau để khán đài giải chuyên nghệp thực sự hút được khán giả.
Ở vòng 8 vừa qua, các khán đài ở V.League đón lượng lớn CĐV đến đón xem; đặc biệt là ở sân Lạch Tray và Thanh Hóa. “Sở dĩ hai sân Lạch Tray và Thanh Hóa khán giả đến đông bởi đó là những đội bóng mang nặng bản sắc địa phương, gắn lên trách nhiệm của từng cá thể và đội bóng thể hiện danh dự của địa phương. Điều tất yếu, dân chúng đến xem không chỉ để giải trí mà còn ủng hộ tinh thần cho đội bóng. Đây là tín hiệu đáng mừng và nhiều đội bóng ở V-League nên học hỏi bởi có nhiều đội bóng mang tiếng địa phương đó nhưng người dân không cảm nhận là đội bóng tỉnh nhà, nên khán giả nguội lạnh”, ông Nghĩa bày tỏ.
Theo cảm nhận của một người theo sát bóng đá Việt Nam ở góc độ của một CĐV lâu năm, với ông Nghĩa, khán giả đến đông chưa chắc do chất lượng giải đấu nâng lên, khi ở vòng 8 vừa qua, thực sự chỉ có trận đấu FLC Thanh Hóa và HAGL có chất lượng chuyên môn tương đối tốt.
Chúng ta đều biết, vấn đề nan giải đối với bóng đá Việt Nam trong những năm qua vẫn là làm sao kéo khán giả đến sân một cách đều đặn, trở thành bản chất, chứ không phải là hiện tượng. Trên quan điểm của mình, ông Nghĩa thẳng thắn: “Để kéo CĐV đến sân đông và các sân bóng trở thành ngày hội thì phải có hẳn một hội nghị bàn về vấn đề này. Một hội nghị nghiêm túc, đàng hoàng và ở đó phải trả lời những câu hỏi tại sao sân này vắng, sân kia đông? Tại sao một đội bóng nhà giàu như B.Bình Dương mà nhìn trên khán đài trống hoác dù mở cửa tự do và đội bóng tập hợp toàn ngôi sao? Tại sao các CLB chưa chú trọng việc xây dựng Hội CĐV… Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và không chỉ một người nói mà tất cả cùng nhau lên tiếng nói.
“Không ngờ U19 Việt Nam lại thua đậm U19 Thái Lan như thế. Thua đậm và rất xứng đáng. Qúa thất vọng”, ông Trần Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam cảm thán, ngay sau khi trận chung kết giải U19 Đông Nam Á 2015 kết thúc.
Trong đó, vai trò chủ đạo phải nói đến giữa CLB và khán giả. Có một triết lý bất di bất dịch: “Khán giả là sản phẩm của bóng đá còn CĐV là tài sản của CLB”. Dựa trên triết lý đó các đội bóng phải có những hoạt động cụ thể để người dân tại đó cảm nhận đây là đội bóng của họ. Tất yếu, vấn đề muôn thuở trên sẽ phần nào được tháo gỡ”.
Kể từ khi chuyển “hộ khẩu” vào TPHCM, CLB Sài Gòn đã làm mọi cách để kéo khán giả đến với sân Thống Nhất. Họ mở cửa tự do, thậm chí phát áo miễn phí. Số lượng người xem đến với Sài Gòn tương đối đông. Thế nhưng, theo ông Nghĩa, điều quan trọng của một CLB phải làm là làm sao tạo ra những CĐV trung thành, xem đội bóng là một phần của cuộc sống để tạo tình yêu lâu dài. Đó mới là bài toán cần Sài Gòn giải trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Nghĩa cũng không đồng tình mà không ủng hộ chuyện xuất hiện nhóm CĐV tự tách ra tạo thành Ultras hay Contras. “Trong bối cảnh xã hội hiện tại thì điều này không nên bởi danh xưng của những cái tên không hợp. Thế nhưng, điều quan trọng ở các hội nhóm Ultras và Contras là tình yêu với đội bóng đá cùng sự cổ vũ nhiệt tình. Về vấn đề này, tôi nghĩ cái hay của các quan chức lãnh đạo là phải biết dụng nhân như dụng mộc; tức phải kéo họ trở về với Hội CĐV chính thức, phải biết giữa các nhóm CĐV mâu thuẫn những gì để giải quyết các mâu thuẫn đó”.
Ông Nghĩa không bình luận về nghịch lý Hội CĐV Hải Phòng đang bất mãn lãnh đạo đội nhà, muốn hoạt động độc lập, dù Hải Phòng đang thăng hoa. “Tôi nói ra mất hay”, ông Nghĩa thở dài!
Nam Giao
Thể thao & Văn hóa