loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi cả nước đang chung tay với Đà Nẵng, chung tay với Chính phủ để phòng chống dịch, và chờ ngày bóng đá trở lại, thì chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ đã nộp đơn xin rút khỏi V-League 2020, với lý do không đủ kinh phí duy trì đội.
Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ khẳng định sẽ vẫn bảo lưu quan điểm như nội dung của công văn xin rút không tham gia giải vô địch quốc gia LS V-League 2020 ngày hôm qua (5/8), nhưng nếu BTC sớm có phương án tối ưu và xác định được thời gian trở lại của giải đấu, đội bóng xứ Thanh sẽ vẫn tiếp tục thi đấu, hoàn thành mùa giải.
1. Trong lá đơn của mình, ông Đệ khẳng định rằng “Thanh Hóa rút lui vì không rõ bao giờ V-League trở lại, trong khi CLB đang gặp khó khăn về nguồn tài chính. Các cầu thủ và ban huấn luyện, thành viên đội bóng sẽ được cho về nhà nghỉ ngơi, phòng chống dịch”. Nhưng vị chủ tịch này cũng thòng thêm rằng “Thanh Hóa sẽ tiếp tục tham dự V-League 2020, nếu như VFF và VPF có kế hoạch hỗ trợ tài chính”, và khẳng định CLB vẫn hướng tới mùa giải 2021.
Ông Đệ lý giải rằng quyết định này để giải cứu đội bóng, giải cứu CLB. Nhưng nếu Thanh Hóa cố ý bỏ giải, mùa tới, họ có thể bị đánh tụt xuống giải hạng Ba, sẽ bị phạt tối thiểu 300 triệu đồng, và người đứng đầu CLB sẽ bị cấm tối thiểu 5 năm tham gia các hoạt động bóng đá. Khi đó, Thanh Hóa đã khốn càng thêm khó, thậm chí còn đứng trước nguy cơ biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam, như Sài Gòn Xuân Thành hay Vissai Ninh Bình năm xưa.
Trong quá khứ, Thanh Hóa đã hơn một lần dọa rút khỏi V-League. Năm 2012, bầu Đệ chỉ trích VPF “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, và dọa bỏ giải vì cách điều hành thiếu chuyên nghiệp. Mùa sau đó, vì uất ức với cách cầm còi của trọng tài, bầu Đệ cũng từng dọa sẽ bỏ giải. Nhưng không lần nào, đội bóng xứ Thanh bỏ giải hết.
2. Có thể hiểu được khó khăn của Thanh Hóa, vì CLB không có cớ giảm lương cầu thủ - đặc biệt là các ngoại binh, trong khi nguồn tài chính thì hạn chế vì bối cảnh Covid-19, các doanh nghiệp cũng bị sụt giảm doanh thu. Nhưng khó khăn ấy đâu phải riêng họ phải chịu.
Bóng đá Việt Nam có tổng cộng 26 CLB chuyên nghiệp (14 đội V League, 12 đội hạng Nhất), và tất cả đều đang phải đối mặt với khó khăn về tài chính do tác động của dịch Covid-19. Một số đội bóng như Hải Phòng, SLNA, hay Nam Định, Quảng Nam, cũng đề xuất V League nên kết thúc sớm để giảm thiểu gánh nặng tài chính cho các CLB, nhưng không đội nào đưa ra quyết định bỏ giải – một quyết định vì mỗi lợi ích của đội mình, thay vì chung tay cùng bóng đá Việt Nam.
Các ông bầu V-League hay có thói quen gây áp lực cho ban tổ chức giải bằng tuyên bố giải tán đội bóng hay bỏ giải. Còn trong trường hợp bầu Đệ, chắc gì ông đã đủ quyền tự quyết định Thanh Hóa bỏ giải hay không? Nên nhớ, ngoài nguồn tiền từ nhà tài trợ, đội bóng xứ Thanh còn được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Thế nhưng việc làm công văn đòi bỏ giải của bầu Đệ khiến nhiều người nghĩ đó là đội bóng của riêng ông.
V-League đã bước sang mùa thứ 20, nhưng sự chuyên nghiệp vẫn là điều xa xỉ, đặc biệt là trong cách phát ngôn và hành xử của các ông bầu.
Tuấn Cương
loading...