loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Phố biển Quy Nhơn đã mở hội trong ngày bóng đá Bình Định trở lại V-League sau 12 năm chờ đợi khắc khoải. Chiến thắng trước Phố Hiến đã giúp bóng đá đất Võ nâng cao ngôi vô địch hạng Nhất QG – LS 2020 cùng tấm vé chính thức lên chơi giải đấu chuyên nghiệp kể từ mùa sau.
Ở lượt trận 5 giai đoạn 2 nhóm A hạng nhất quốc gia, Bình Định vượt qua Phố Hiến với tỉ số 1-0. Chiến thắng này giúp thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng lên ngôi vô địch và giành vé lên chơi V League 2021.
12 năm là quá dài cho những thăng trầm, chờ mong và binh biến của bóng đá xứ này, để rồi hôm nay được sống trong hạnh phúc.
Quá khứ hào hùng và 6 năm đậm nét
Sau sự cố “đình công” tại VCK ngược năm 1995, Bình Định xuống hạng để khép lại một chu kỳ thành công với những hảo thủ Nguyễn Ngọc Thái, Phan Tôn Quyền, Lê Ngọc Dũng, Nguyễn Xuân Hoánh, Nguyễn Văn Cường, Trần Kim Đức, Nguyễn Công Long, Nguyễn Hoàng Anh Dũng. Sau khi giành được suất thăng hạng, với mùa bóng 1998 không thành công, đội lại bị xuống hạng và chỉ trở lại giải đấu cao nhất tại mùa giải 2001-2002.
Cũng giống như chiều 31/10/2020, sân Quy Nhơn vào cuối tháng 5/2001, Bình Định thắng An Giang 9-2, vô địch hạng Nhất và giành quyền lên V-League. Đó là trận đấu khán giả đến kín sân và ngồi tràn xuống cả đường piste, thậm chí leo trèo trên những ngôi nhà cao tầng xung quanh. Đã có một thời sân Quy Nhơn vui như hội với những thành tích của đội bóng quê hương.
6 năm góp mặt ở V-League giai đoạn 2002-2008, Bình Định đã kịp để lại những dấu ấn đậm nét của mình. Dấu ấn gắn liền và làm sống lại đúng nghĩa biệt danh “Ngựa ô” của xứ nẫu miền Trung. 2 năm liền vô địch Cúp QG 2003, 2004 cùng ngôi vị hạng 3 V-League năm 2007 đủ để người Bình Định có được niềm vui.
Giai đoạn đó, với những cầu thủ chủ yếu của địa phương, kết hợp với những ngoại binh người Thái Lan như Issawa, Pipat hay Sarayoot Chaikamdee, đội bóng đất Võ đã kịp ghi dấu rồi tạo dựng được màu sắc rất riêng.
12 năm chờ đợi…
Nhưng rồi, cuộc đời “bãi biển nương dâu”. Giai đoạn thành công của Bình Định không dài lâu. Mùa 2008, gần như toàn bộ thế hệ vàng của đội bóng tan rã hoặc chuyển sang đội bóng khác, cộng với lùm xùm với nhà tài trợ, đội bóng sa sút không phanh, xuống hạng cuối mùa bóng năm đó.
Để rồi, ngày 28/08/2008, sau thất bại trong trận tranh vé vớt với Đồng Tháp trên sân Thống Nhất, “Ngựa ô” xuống hạng. Tính từ cái mốc đó, chính xác đã 12 năm 3 tháng trôi qua, người Bình Định vẫn luôn chờ ngày đội bóng đá của mình trở lại với sân chơi cao nhất bóng đá Việt Nam. Trong 12 năm thăng trầm đó, có lúc đích đến của Bình Định chỉ cách chừng tầm với nhưng rồi có tháng ngày tưởng chừng đã ngược luôn xuống hạng Nhì (mới chỉ mùa giải 2019 mà thôi).
Ngậm ngùi thay, cột mốc không đáng quên này lại bắt đầu chu kỳ đi xuống rồi suy sụp của đội bóng đất Võ. Buồn hơn cả, họ từng trôi dạt xuống hạng Nhì vào năm 2015. Không tiềm lực, chẳng mấy mục tiêu, rồi cũng chẳng thấy sản sinh ra được lứa cầu thủ tài năng kế cận như các thế hệ đàn anh trong quá khứ. Rất dễ hiểu, bóng đá Bình Định giai đoạn này chơi cho có phong trào.
Cũng chẳng mấy khá khẩm hơn cho dù họ đã tìm đường trở lại hạng Nhất năm 2017. Bình Định tiếp tục lao đao nhiều phen với khi thành tích thì èo uột còn chuyện tiền tiền nong gắn liền với cụm từ eo hẹp. Đầu mùa giải 2019, đội bóng giàu truyền thống này thậm chí suýt không tham dự giải vì không đáp ứng được điều kiện “đầu tiên” là “tiền đâu” mà chơi bóng.
12 năm trôi qua, cùng với những biến động về con người rồi cả thời cuộc, Bình Định hoạt động trong những chật vật theo kiểu “ăn đong”. Nói Bình Định không quyết tâm cũng không phải, cho rằng đất Võ thiếu khát khao cũng chẳng đúng.
Nhưng bóng đá chuyên nghiệp bây giờ, mọi thứ phải phụ thuộc, xoay vòng rồi trói buộc vào 2 chữ “Tiền đâu?”. Nhân tài thì vắng, tiềm lực chẳng mạnh, khát khao bị gò bó và đè nén trong cảnh thấp thỏm thì dễ hiểu cái cảnh chờ đợi ngày trở lại mái nhà xưa của bóng đá đất Võ ở những tháng ngày đó.
Chỉ số hạnh phúc
Trong niềm vui hôm nay, hẳn thầy trò Nguyễn Đức Thắng không quên trận đấu giao hữu của các thế hệ cầu thủ bóng đá nước nhà ở Quy Nhơn hồi đầu tháng 11 năm 2019. Ngày đó, cựu danh thủ Dương Ngọc Hùng đã tổ chức một cuộc hội ngộ tại Quy Nhơn với đông đảo danh thủ như Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng,Vũ Minh Hiếu ngay tại quê hương của ông.
Cái duyên cùng cơ hội của Bình Định đã khởi thủy từ cuộc gặp gỡ đó với những trải lòng đầy đau đáu của cựu danh thủ Dương Ngọc Hùng: “Ngoài việc mời anh em đến dự ngày hội ngộ hôm nay, tôi cũng mong sự kiện này sẽ làm người hâm mộ bóng đá nhớ đến Bình Định, đến một nơi từng có đội bóng chuyên nghiệp và sản sinh ra không ít những hảo thủ cho bóng đá Việt Nam.
Tôi chỉ mong một lần nữa được nhìn thấy đội bóng quê nhà thi đấu ở V-League”. Chính từ những trải lòng này đã tạo ra hiệu ứng tích cực để Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư cho bóng đá quê nhà với quyết tâm cùng với ước mong đưa CLB Bình Định góp mặt trở lại sân chơi V-League sau thời gian dài vắng bóng.
Ngay khi mùa giải này khởi tranh, dù có hy vọng nhưng không nhiều CĐV bóng đá Bình Định nghĩ đến khả năng đội nhà sẽ lên hạng. Cũng bởi thể thức thi đấu quá khắc nghiệt và chỉ có 1 suất lên hạng duy nhất.
Cho đến hết giai đoạn 1, mọi chuyện cũng chẳng có gì sáng sủa lắm. Khi giai đoạn 2 bắt đầu, mọi chuyện lại khác để dần dà cửa lên hạng rộng dần và mở toang ra với Bình Định. Thắng liên tiếp 6 trận cuối mùa cùng với sự chững lại của đối thủ cạnh tranh là Bà Rịa- Vũng Tàu và S.Khánh Hòa còn đang đối mặt với nhiều khó khăn đủ để Bình Định thỏa ước mơ.
45 năm trước sau ngày đất nước thống nhất, bóng đá Bình Định chào sân cỏ cả nước với cái tên đội bóng đá Thanh niên Bình Định. Những danh thủ Phan Kim Lân (Lân Vẽ), Đặng Gia Mẫn (Mẫn Lùn), Tống Anh Hoàng rồi đến Nguyễn Ngọc Thiện hay Dương Ngọc Hùng đã làm rạng danh bóng đá đất Võ một thời.
Sau nhiều thăng trầm dâu bể, sau 12 năm mòn mỏi thì “chỉ số hạnh phúc” đã đến với Bình Định trong buổi chiều cuối tháng 10/2020. Cùng chờ “Ngựa ô” lại sẵn sàng tung vó cho hành trình phía trước.
Trần Tuấn
loading...