A+ A A- Kiểu đọc sách

Chất lượng thiếu ổn định, V-League không bán được bản quyền truyền hình?

14:04 09/02/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi V-League vẫn chưa bán được bản quyền truyền hình thì ở một số nước Đông Nam Á khác, bản quyền truyền hình giải VĐQG đã trở thành sản phẩm đắt giá. Ở giai đoạn 2011-2013, hãng truyền hình True Visions là đơn vị sở hữu bản quyền hình ảnh của Thai-League với giá 200 triệu baht (tương đương 6,2 triệu USD), nhưng khi hợp đồng này hết hạn, True Visions đã chi tới 1,8 tỷ baht (tương đương 57 triệu USD) để tiếp tục nắm giữ bản quyền hình ảnh của Thai-League trong giai đoạn 2014-2016.

Chỉ sau một thời gian rất ngắn, bản quyền truyền hình của Thai-League đã được tăng lên gấp gần 10 lần, và theo ông Adisai Warinsirikul, GĐĐH Siam Sport, đơn vị chịu trách nhiệm kinh doanh của LĐBĐ Thái Lan, hợp đồng mới với True Visions sẽ giúp mỗi đội bóng ở Thai-League nhận được không dưới 20 triệu baht (tương đương 622.000 USD) cho mỗi mùa bóng.

Tương tự Thai-League, M-League ở Malaysia cũng trở thành một sản phầm đắt giá khi LĐBĐ Malaysia đạt được thỏa thuận với MP&Silva về việc ký kết bản hợp đồng bản quyền truyền hình bắt đầu từ năm 2016, kéo dài trong thời hạn 15 năm với tổng trị giá 1,26 tỷ ringgit (tương đương 355 triệu USD).

Điểm chung giữa 2 thương vụ của M-League và Thai-League là việc chủ sở hữu bản quyền truyền hình của 2 giải VĐQG này đều được quy về một mối, ở Malaysia là MP&Silva (và MP&Silva sẽ liên kết với các hãng truyền thông là Astro, Media Prima, Telekom Malaysia và Fox Sports để cùng tổ chức sản xuất), còn ở Thái Lan thì True Visions là đơn vị sở hữu độc quyền bản quyền hình ảnh Thai-League.

Trong khi đó, tại V-League, ngoài VTV và VTC còn có rất nhiều đài truyền hình địa phương tham gia sản xuất hình ảnh V-League, khiến cho chất lượng hình ảnh của V-League không được thống nhất, từ những chi tiết nhỏ như bảng chữ thông báo tỷ số, thời gian…, cho tới việc bảo đảm khung hình tường thuật nắm hết được diễn biến của trận đấu.

Nói một cách khác, hiện tại VPF vẫn chưa có đối tác nào chịu trách nhiệm đứng ra độc quyền sản xuất toàn bộ các trận đấu của 3 giải chuyên nghiệp để bảo đảm sự thống nhất về chất lượng và nội dung của các sản phẩm, mà mấy năm nay vẫn diễn ra cảnh “trăm nhà cùng làm” rồi dẫn tới tình trạng chất lượng hình ảnh lúc tốt lúc không tốt như hiện nay.

Chừng nào VPF giải được bài toán chuẩn hóa chất lượng truyền hình V-League thì lúc đấy mới có thể nghĩ tới chuyện thu được kinh phí từ việc bán bản quyền truyền hình, bởi bản quyền hình ảnh của bóng đá chuyên nghiệp bây giờ cũng là một sản phẩm, và không một doanh nghiệp hay đơn vị nào muốn bỏ tiền ra để mua một sản phẩm với chất lượng không ổn định và thiếu sự quản lý nhất quán.

VPF cho biết việc phát sóng trực tiếp các trận đấu tại V-League mấy năm nay được thực hiện thông qua phương thức trao đổi, khi các nhà đài quy đổi tiền bản quyền truyền hình thành 15 phút quảng cáo cho các nhà tài trợ của VPF trong khoảng thời gian nghỉ giữa hiệp.


Quốc Công
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...