Cà phê đầu tuần: Tương lai của bóng đá nữ
Khi bước xuống sân bay Melbourne, điều đầu tiên tôi cảm nhận được có thể khiến bạn thấy rất khó tin: Cảm giác trở về.
1. Đứng giữa khu sảnh của sân bay như một ngã tư quốc tế, với đủ mọi sắc dân, và tiếng nói. Tôi không hề cảm thấy xa lạ, dù để đến được đây, bạn phải trải qua chín tiếng rưỡi đồng hồ bay thẳng từ Nội Bài (Hà Nội): Người châu Á đi lại như mắc cửi, và hải quan cho tất cả đi qua rất nhanh, không có hàng rào khoảng cách. Người phụ trách thông quan khi biết tôi là người Việt Nam còn đùa: "Welcome home".
Người Việt chiếm khoảng 2% dân số Úc, và chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, chúng tôi gặp lại "máu mủ ruột già" thường xuyên trên hành trình. Anh Khoa, một người Úc gốc Việt sang sinh sống đã 44 năm ở đây, chính là lái xe cho chúng tôi đi tham quan thung lũng Yarra, vốn rất nổi tiếng với nghề làm rượu vang: "Ở đây, chỉ cần anh chăm chỉ, thì mọi mục tiêu có thể hoàn thành. Tui sang đây hai bàn tay trắng, ban đầu đi làm tích cóp mãi cũng đủ ăn, dành dụm mua được căn nhà đầu tiên, rồi cứ lần lần mà phát triển".
Giờ anh đã có một cơ ngơi phong phú, với 5-6 chiếc xe cho thuê đủ loại kích cỡ. "Ban đầu tui không biết tiếng cũng khó khăn, nhưng hòa nhập rất nhanh, chỉ cần để ý học ngôn ngữ và văn hóa. Người Úc rất cởi mở và không có tâm phân biệt" - anh bộc bạch.
"Không phân biệt" có vẻ là đặc trưng của đất nước hội tụ rất nhiều nền văn hóa khác nhau này. Cắt ngang con phố Tàu (China Town) là một con ngõ vẽ đầy grafiti, với một hàng người xếp hàng kéo dài chờ mua chiếc áo của một nghệ sĩ đường phố nổi tiếng gốc châu Phi. Băng qua những biu-đinh cao ngất, bạn bước vào một khu đất trống, nghe thấy tiếng nhạc đập thình thịch vào tim. Ở giữa, anh chàng DJ người Nhật đang say sưa chơi nhạc cùng một tay trống người Úc, và quản trò, một người da màu, liên tục dẫn dắt cuộc vui bằng những lời lẽ kích thích đám đông: "Tiến lại đây và cùng làm náo loạn nào mấy giai mấy gái".
Phía trước bãi đất trống, một nhóm "đa quốc gia" khác đang chơi bóng rổ. Anh chàng mặc áo tuyển thủ đứng tập ném rổ hết quả này đến quả khác, và ai đi qua cũng có thể xin thử một trái. Một bà cụ, dường như là người châu Á, thấy vui quá cũng xin thử. Đến quả thứ ba, bóng vào rổ, và đám đông vỗ tay tán thưởng, và vui như thể chính họ cũng vừa ném bóng vào rổ.
2. Tại Melbourne, bóng đá chỉ là thứ yếu, nhưng ai cũng có thể sẵn sàng cổ vũ bạn nhiệt tình như thế. Trên đường tiến vào thành phố êm đềm này, cô hướng dẫn viên du lịch gốc Việt chỉ cho chúng tôi sân quần vợt huyền thoại Rod Laver, được đặt theo tên tay vợt người Úc đã từng giành 11 Grand Slam. Nó nằm trong quần thể các sân cricket, rugby, và bóng đá kiểu Úc, vốn có lượng khán giả lớn hơn cả bóng đá. Nhưng theo Vivien Lee, hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi, các cổ động viên lại rất thích đến cổ vũ các trận bóng đá nữ, vì phương châm "không phân biệt" này: "Bóng đá nữ đại diện cho thiểu số. Ít người muốn xem. Nhưng người Úc thì thích cổ vũ cho nhóm "thiểu số" kiểu như vậy".
Slogan của World Cup bóng đá nữ là "Hơn cả sự vĩ đại" (Beyond Greatness), theo ngụ ý của FIFA là nhấn mạnh vào cảm hứng toàn cầu, không ranh giới. Có lẽ chính vì thế mà Úc được chọn làm nơi đăng cai giải đấu của năm này. Vượt qua mọi ranh giới không chỉ là thách thức về mặt địa lý, mà còn là lòng người: Những sự phân biệt chia rẽ chúng ta luôn có ở bất cứ đâu, và với thể thao nữ, những hàng rào định kiến còn nặng nề hơn.
Khi bóng đá nữ Việt Nam giành quyền dự World Cup, những câu hỏi tới tấp bay tới, liên quan trực tiếp và gián tiếp đến định kiến: Đội bóng sẽ kiếm tài trợ như thế nào, đời sống cầu thủ trong tương lai sẽ ra sao, làm thế nào để gia tăng nền tảng phong trào bóng đá nữ.
Nhưng tạm bỏ qua những băn khoăn kiểu đó, vì chưa ai trong chúng ta phải giải quyết chúng ngay trong hiện tại. Tôi chỉ biết rằng khi đặt chân đến Melbourne, hòa vào bầu không khí của nơi này, các cầu thủ nữ hiểu rằng ít nhất việc có mặt ở đây đã là một điều đáng giá, trên hành trình dài vượt qua chính mình, và chiến đấu với các định kiến.
Phạm An (từ Melbourne)