loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây ngót một thế kỷ, cố nhà văn Vũ Bằng đã từng viết trong "Cai" đại ý rằng, có làm thì mới có ăn. Nguyên văn: "Có làm nhiên hậu mới có ăn". Ấy vậy mà giời quần đùi áo số, banh bóng Việt Nam, lao động cật lực là thế, mà vẫn bị ví là tằm ăn rỗi. Giữa bối cảnh toàn xã hội cùng chung tay chống và dập dịch Covid-19 trở lại, có ông bầu gây sốc khi đốp thẳng - Miệng ăn núi cũng lở.
... thì V-League 2020 sẽ chứng kiến sự xáo trộn rất lớn trên bản đồ bóng đá Việt Nam.
Khi ngay cả nhà tổ chức (VPF) còn chưa biết ngày nào bóng sẽ lăn trở lại trên các sân cỏ Việt Nam, thì việc một CLB vẫn phải duy trì tập luyện, trả lương bổng cho BHL và cầu thủ, dễ cạn ngân khố không chừng.
Ông Chủ tịch Nguyễn Húp của CLB Quảng Nam đã đưa ra những phân tích khá thỏa đáng về… con số, trong trường hợp LS V-League 2020 kéo dài so với dự định. Thiệt hại có thể lên tới 30 tỷ đồng, hoặc hơn, nếu người trong cuộc không đưa ra được quyết sách hợp lý là kết thúc mùa giải ngay lúc này. Bầu Đệ của Thanh Hóa đệ đơn rút lui nếu không được hỗ trợ kinh phí…
Việc xử lý hay giải quyết khủng hoảng là một điều khó, nhưng không phải chúng ta chưa từng có kinh nghiệm. Chỉ là trước thiên tai, địch và dịch họa như lúc này, khó hơn gấp trăm lần so với những đợt hoãn giải hay rút lui (cấp CLB) trước đây. Năm 2017, V-League thậm chí kéo dài đến gần hết tháng 11 mới kết thúc. Giờ mới là tháng 8 thôi mà!
Làm bóng đá rất khó, bởi nếu dễ, cả thiên hạ đổ ra làm rồi. Với bóng đá, không thể đi tắt đón đầu được, bằng chứng là một số đội bóng mua suất chơi đã phải giải thể, dù tiềm lực tài chính mạnh đến đâu. Điển hình như Navibank Sài Gòn, XMXT Sài Gòn, Hòa Phát Hà Nội… Cũng mua suất từ hạng Nhì, duy chỉ có CLB Hà Nội của bầu Hiển là còn tồn tại.
Bóng đá cần phải có chiến lược, định hướng rõ ràng. Nhưng từ bao năm qua, chỉ một vài đội bóng theo được cơ chế chuyên nghiệp, phần lớn đều mang phận ăn đong. Ăn và ăn nhiều thì núi cũng lở thật chứ không đùa! Những đội bóng không theo kịp cơ chế như Long An hay Đồng Tháp, Cần Thơ, Bình Định…, đều đã phải xuôi về giải hạng Nhất, chứ chưa đến mức giải thể.
Kinh tài là vấn đề muôn thuở với bóng đá Việt Nam, ở nhiều cấp độ. Từ giải phong trào đến đỉnh cao, từ CLB đến các ĐTQG, VPF và VFF cũng phải chạy tài trợ bở hơi tai. Những lợi ích từ môn thể thao vua có thể khó đong đếm, nhưng con số (tiền) đổ vào bóng đá thì đếm đơn giản, đặc biệt khi cần phải kêu khó. Chính cái sự khó ấy mới thấy rõ bộ mặt của bóng đá nội.
Suốt mấy mươi năm, vắt qua nhiều giai đoạn, ông Nguyễn Húp từ vai trò GĐĐH, giờ ngồi ghế Chủ tịch CLB Quảng Nam, chả có nhẽ chỉ làm công ăn lương thôi sao?! Vấn đề kinh doanh hay kinh tài của đội bóng gặp khó, lỗi trước nhất thuộc về người đứng đầu, rồi mới xét đến bối cảnh kinh tế xã hội hay dịch bệnh, thiên tai. Cần phải thẳng thắn với nhau như thế!
Theo chúng tôi, không phải không có những điển hình tiên tiến có thể học hỏi về mô hình kinh-tế-bóng-đá. Gần 10 năm trước, Thanh Hóa của bầu Đệ (tập 1) từng kêu gọi được hơn chuỵc doanh nghiệp cỡ bự chung tay; HAGL, CLB TP.HCM và Hà Nội dùng chính hình ảnh của đội bóng và cầu thủ để phát triển kinh doanh, cũng như thu hút người hâm mộ. DNH Nam Định cũng khá lên rồi nhờ CĐV...
Tóm lại, nếu chỉ ngồi một chỗ ngửa tay xin, rồi tính cái lợi cho mình, thì rõ không bền rồi. B.Bình Dương từ hơn 15 năm qua, theo dân trong nghề mỗi mùa tiêu không dưới 50 tỷ đồng, thì số tiền ấy từ đâu mà ra?! Chắc chắn không hoàn toàn từ Ngân sách tỉnh hay đơn thuần là Becamex IDC. Nó phải bắt đầu từ những bàn tay góp vào (các doanh nghiệp trên địa bàn). Đông tay mới vỗ nên kêu được.
Than thân, trách phận thường chỉ nhận lại khinh khi! Nếu hôm nay gặp khó, thì chắc chắn hôm qua chúng ta đã không làm việc chăm chỉ, cật lực!
CCKM
loading...