loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Khách mời của Thể thao & Văn hóa tuần này là bộ đôi tiền đạo Nguyễn Việt Thắng - Nguyễn Quang Hải, họ là một phần lịch sử quan trọng của bóng đá Việt Nam với ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2008.
“Tôi nghĩ bóng đá Việt Nam muốn phát triển, cần nhiều hơn nữa những cú hích lịch sử, như những gì cách đây 10 năm đã xảy ra và mới nhất là thành tích á quân giải U23 châu Á 2018”, trung phong cắm số 1 của đội tuyển Việt Nam, trong khoảng 15 năm đổ lại - HLV trẻ Nguyễn Việt Thắng khẳng định như thế.
Tại sao phải cần cú hích?
* Thể thao & Văn hóa: Điều gì đã làm nên chức vô địch Đông Nam Á 2008? Danh hiệu ấy đã đổi đời thực sự cho thế hệ cầu thủ của các anh, nhưng với bóng đá Việt Nam thì dường như chưa. V-League “sốt ảo” với hàng loạt các bản hợp đồng tiền tỷ, giá trị thương mại (ảo) được đẩy lên, khi nó trở thành cuộc chiến tiền đấu tiền giữa các ông bầu, thực tế là, giải đấu cao nhất Việt Nam vẫn còn quá nhiều sạn. Nền bóng đá “ngủ Đông” trên chiến thắng quá lâu, cho đến khi bừng tỉnh từ một đôi năm qua, thì thế giới túc cầu dường như đã bỏ quên chúng ta?
- Nguyễn Việt Thắng: Đầu tiên phải khẳng định luôn, bóng đá Việt Nam vào thời điểm đó sở hữu một đôi thế hệ cầu thủ rất tài năng. Lứa của chúng tôi, hay còn gọi là 8x đời đầu và thế hệ kế cận sinh năm 84-85 của những Quang Thanh, Phước Tứ, Tấn Tài, Công Vinh, Quang Hải... Nhưng ngoài ra, yếu tố cốt lõi phải là HLV Henrique Calisto, một bậc thầy về làm tâm lý chiến và truyền cảm hứng. Ông ấy trao cho chúng tôi sự tự tin, không lùi bước. Các cầu thủ hiểu chiến thuật và tuân thủ chiến thuật một cách tuyệt đối, đấy là bởi họ rất tôn trọng HLV.
Trước chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, đội tuyển Việt Nam đã lọt vào tứ kết ASIAN Cup 2007 trên sân nhà, đội tuyển Olympic Việt Nam vào chơi vòng loại cuối cùng Olympic Bắc Kinh 2008, V-League cũng bắt đầu gây tiếng vang. Nhưng theo tôi, để truyền cảm hứng đến người hâm mộ, để thu hút nguồn lực đầu tư cho bóng đá, thì danh hiệu năm 2008 vẫn là quan trọng nhất. Tất nhiên, nó giúp giá trị cầu thủ tăng lên rất nhiều trên sàn chuyển nhượng, đấy cũng là công bằng thôi, nhưng nên nhớ là khi chuyển từ Công an TP.HCM (cũ) lên HAGL, năm 2002, tôi cũng có giá chuyển nhượng vài trăm triệu đồng rồi. Tóm lại, giá trị cầu thủ ăn theo thành tích, chỉ là yếu tố phụ.
Tôi chỉ hơi tiếc khi bóng đá Việt Nam ở nhiều cấp độ, đã không kế thừa một cách triệt để thời cơ mở ra sau năm 2008, cũng là thời điểm bắt đầu sự suy yếu của bóng đá Thái Lan, để bứt lên. Nhưng sau thành công với bóng đá trẻ Việt Nam từ vài năm qua, đặc biệt là danh hiệu á quân châu Á của U23 Việt Nam, tôi có niềm tin đặc biệt: Lần này sẽ khác.
- Nguyễn Quang Hải: Cho đến thời điểm này, HLV Henrique Calisto vẫn là ông thầy ngoại thành công nhất với bóng đá Việt Nam, ở cả cấp CLB và ĐTQG. Tôi nói là ĐTQG chứ không phải các đội tuyển trẻ. Tại sao? Bởi ông ấy không những chỉ có sự am tường về nền bóng đá, mà có tài cầm quân thực sự. Không phải đến bây giờ tôi mới nói, linh cảm cho thấy trước trận bán kết lượt về với Singapore ở Kallang Roar hôm ấy, thầy “Tô” sẽ trao cho tôi cơ hội và tôi sẽ làm được điều đặc biệt.
Ở đội tuyển Việt Nam khi ấy, tôi chỉ là sự lựa chọn thứ 4, sau Việt Thắng, Công Vinh và Thanh Bình, đội bóng lại chơi với một trung phong cắm, nên càng ít cơ hội. Nhưng HLV Calisto không nghĩ thế, tại sao ông ấy lại dùng tôi, bởi ông có niềm tin vào học trò và gửi gắm toàn bộ đức tin ấy cho học trò, cho đội bóng.
Trở về sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, tôi vẫn chơi cho đội bóng quê hương Khánh Hoà thêm 2 mùa giải nữa, rồi mới chuyển vào Navibank Sài Gòn. Điều đó cho thấy, tôi không hoàn toàn lấy mác nhà vô địch để đẩy giá trị bản thân. Tôi hy vọng lứa các em U23 Việt Nam vừa rồi cũng nghĩ trước tiên cho nghề đã, cứ chơi tốt thì bóng đá sẽ không phụ mình. “Ngoan thì có quà thôi” (cười).
* Thể thao & Văn hóa: Như vậy, chúng ta vẫn bỏ ngỏ một cú hích khác là cột mốc lịch sử mà đội tuyển U23 Việt Nam vừa tạo được tại VCK U23 châu Á 2018? Nó có thể rơi vào khoảng không như cách đây 10 năm?
- Nguyễn Quang Hải: Tôi hy vọng là không. Anh đã thấy 3 lượt trận đầu tiên V-League 2018, khán giả đã trở lại sân với con số kỷ lục, chưa từng thấy. Đấy là dữ liệu tuyệt vời để phát triển giải đấu và phát triển nền bóng đá. Thành công của bóng đá trẻ Việt Nam trong vài năm gần đây, một lần nữa khẳng định, nền bóng đá của chúng ta rất tiềm năng.
Nhưng, việc các cầu thủ phải tiếp tục cày ải trên những mặt sân như đám ruộng, hoàn toàn không có lợi. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chuyên môn của các trận đấu, cũng như giá trị hình ảnh - thương mại của giải đấu. Tôi đã nói điều này trên trang cá nhân rồi: BTC phải đưa ra những chế tài, quy định, buộc các CLB phải đại tu mặt sân đạt chuẩn. Cầu thủ Việt Nam có tố chất kỹ thuật và nếu được tập luyện - thi đấu trên những thảm cỏ như nhung, những khán đài đầy ắp khán giả, họ sẽ có cơ hội phô diễn thứ bóng đá đẹp mắt, hấp dẫn.
- Nguyễn Việt Thắng: Là một HLV đang gắn bó với bóng đá trẻ (Việt Thắng hiện đang thuộc biên chế của Học viện PVF - PV), tôi tin rằng bóng đá Việt Nam đã và đang tạo được chân đế rất lý tưởng, đang tạo được bệ phóng tuyệt vời. Đào tạo trẻ là khâu quan trọng đầu tiên, để phát triển nền bóng đá và hướng đến sự tự cường.
Cùng với thành tích tốt dần lên của bóng đá trẻ Việt Nam tại giải cấp châu lục và thậm chí U20 Việt Nam từng dự World Cup, tôi tin rằng đó là những cú hích cực kỳ lý tưởng, khơi gợi và tạo niềm cảm hứng cho nền bóng đá. Ngay cả lần vô địch Đông Nam Á 10 năm trước, người hâm mộ cũng không xuống đường đông như thành tích á quân châu Á của U23 Việt Nam vừa rồi. Khi chúng ta đoàn kết, cùng nhìn về một hướng, cùng vì cái chung, chúng ta có sức mạnh khó bị đánh bại nhất. Bóng đá là một điển hình.
Tất nhiên, nền bóng đá chỉ đang có điều kiện cần thôi, chứ chưa đủ đâu. Tôi lấy ví dụ một cầu thủ trẻ thành công ở độ tuổi dưới 23, anh ta có cơ hội tốt hơn những người khác để phát triển và chinh phục ở các nấc thang tiếp theo. Nhưng bóng đá chuyên nghiệp và cấp độ ĐTQG là một phạm trù rất khác. Bản thân tôi đã đánh mất đến 3-4 năm tuổi trẻ, bởi sự ngông cuồng và tự mãn ở chu kỳ thành công đầu tiên sự nghiệp. Cho đến khi bầu Thắng (nguyên chủ tịch CLB ĐTLA - Võ Quốc Thắng) và HLV Calisto thức tỉnh tôi, trao cho tôi những cơ hội trở lại. Họ như những người cha của mình và nói thật, nếu không có thầy “Tô”, tôi không biết sự nghiệp của mình trôi về đâu, thậm chí đã bị chôn vùi.
Đó là một bài học xương máu và sau này, tôi vẫn dạy bảo, khuyên nhủ các học trò của mình, bằng chính kinh nghiệm - trải nghiệm của bản thân.
Tin một ngày mai tươi sáng
* Thể thao & Văn hóa: Bóng đá Việt Nam cấp CLB cũng như các đội tuyển trẻ quốc gia đã bắt đầu đặt những dấu ấn đầu tiên của thế hệ những HLV 8x như các anh. Minh Phương ở SHB Đà Nẵng, Tài Em ở Sài Gòn FC, Hồng Việt tại đội tuyển U16 Việt Nam; Việt Thắng, Phước Tứ..., tại PVF, Quang Hải năm ngoái cũng góp công vào suất thăng hạng Nhì quốc gia của Bà Rịa - Vũng Tàu, và Công Vinh thậm chí đang làm công việc của một nhà quản lý bóng đá đầy tham vọng - quyền chủ tịch CLB TP.HCM... Phải chăng, thời của những người hùng năm 2008 đã bắt đầu trên cabin BHL? Tương lai nền bóng đá một lần nữa đặt lên vai “thế hệ vàng 10” các anh?
- Nguyễn Việt Thắng: Tôi nghĩ chúng tôi chỉ mới ở vạch xuất phát thôi, kể cả Minh Phương vốn đã có kinh nghiệm ở hạng Nhất và V-League. Chúng tôi có điều kiện ăn học bài bản các khóa huấn luyện hơn các đàn anh, có cơ hội tiếp cận các triết lý bóng đá hiện đại, nhưng nên nhớ, bóng đá phát triển không ngừng và đừng tự huyễn hoặc mình mà xem thường yếu tố kinh nghiệm huấn luyện.
Nó cũng như khi bạn thi đấu, thì bản lĩnh và kinh nghiệm không tự nhiên đến, mà cần rất nhiều sự tích luỹ. Chúng tôi, bao gồm cả Như Thành đang làm công việc của một HLV ở các lớp bóng đá cộng đồng hay Huy Hoàng trợ lý đội 1 SLNA, sẽ không vội vã, khi xác định đây là công việc cả đời.
Sau hành trình di chuyển vất vả, các thành viên đội tuyển Việt Nam đã đặt chân xuống sân bay Nội Bài vào sáng nay (29/3). Các tuyển thủ sẽ không có nhiều thời gian nghỉ ngơi bởi vòng 4 V-League sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật (1/4).
Còn về tương lai nền bóng đá, như tôi nói, cần rất nhiều yếu tố. Đội ngũ làm kỹ thuật, tức các HLV như chúng tôi chỉ là một mắt xích. Sự định hướng của VFF và sự chung tay của toàn xã hội, là rất quan trọng, cần thiết và quyết định sự thành bại. Làm bóng đá không giống như kinh doanh, đi tắt đón đầu rồi sau đó lại là lỗ hổng không thể lấp, bóng đá cần sự tích luỹ thông qua các chiến lược dài hơi.
- Nguyễn Quang Hải: Tôi thấy vui mừng thực sự khi các đồng đội của mình năm xưa, dù còn rất trẻ, nhưng đã gặt hái được những thành công bước đầu của nghiệp huấn luyện. Cá nhân tôi thấy mình chưa sẵn sàng với công việc của một HLV chuyên nghiệp, dù tôi đã nhận được một số các lời mời kể từ sau khi giải nghệ. Tôi không thể dạy học trò của mình chỉ bằng kinh nghiệm. Tôi thiếu kiến thức huấn luyện và nếu muốn theo nghiệp này, tôi buộc phải đi học. Chỉ là lúc này, tôi đang ấp ủ những dự định khác.
Chuyện thành bại của một đội tuyển thì dễ, chứ của cả nền bóng đá thì rất khó. Tôi lấy ví dụ nếu Công Phượng mà được HLV Hoàng Anh Tuấn huấn luyện, cậu ấy sẽ tiến bộ rất nhanh và giúp nhiều cho các đội bóng mà Phượng khoác áo. Nhưng, một mình Phượng sẽ không quyết định thành công hay thất bại của đội bóng hay rộng hơn là nền bóng đá. Chúng ta cần nhiều hơn những cầu thủ tài năng như Công Phượng, cũng như các HLV thực sự có tâm với nghề.
* Xin cảm ơn hai anh về cuộc trao đổi và chúc các anh thành công!
Tùy Phong (thực hiện)
loading...