Bóng đá Trung Quốc thất bại với chính sách nhập tịch
(Thethaovanhoa.vn) - “Con đường bóng đá Trung Quốc nằm ở đâu! Chính sách nhập tịch đã thất bại”, báo Trung Quốc thừa nhận đội tuyển nước này khó lòng mơ về việc dự World Cup 2022.
Lần gần nhất Trung Quốc dự World Cup là vào năm 2002, thời điểm họ ở cùng bảng đấu với ĐKVĐ Brazil. Khi đó, HLV Li Tie cũng góp mặt với tư cách một cầu thủ và có vinh dự ra sân chính thức cho đội tuyển quốc gia.
Những chính sách thay đổi mở ra cho HLV Li Tie cơ hội tiếp quản đội tuyển Trung Quốc. Ngoài ra, để hy vọng đội tuyển Trung Quốc có thể trở lại đấu trường World Cup, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã quyết định thực thi chính sách nhập quốc tịch cho các cầu thủ gốc Brazil và Anh vào đội tuyển.
Ở trận mở màn bảng B vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, HLV Li Tie chỉ dùng trung vệ Jiang Guangtai (tên tiếng Anh Browning) và tiền đạo Ai Kesen (tên của cầu thủ Brazil này là Elkeson) ở đội hình xuất phát.
Đến trận đấu với Nhật Bản hôm 7/9, HLV Li Tie mới dùng thêm 2 cầu thủ gốc Brazil là Luo Guofu và Alan khi thay người.
Báo chí Trung Quốc nhận thấy đội tuyển Trung Quốc là đội bóng yếu của bảng B. Hai trận thua liên tiếp trước Australia và Nhật Bản cho thấy sự kém cỏi của thầy trò HLV Li Tie khi họ không ghi được bàn thắng nào. 4 cầu thủ nhập tịch cộng với ngôi sao Wu Lei đang chơi bóng ở Tây Ban Nha không đủ để cứu vãn đội bóng.
Báo chí Trung Quốc phân tích thất bại của đội tuyển mới đây: “Thứ nhất, lãnh đạo của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc không quan tâm đến việc nhập tịch cầu thủ nữa. Chủ tịch Chen Xuyuan tuyên bố sẽ đóng cửa chính sách này trong tương lai. HLV Li Tie cũng rụt rè trong việc sử dụng các cầu thủ nhập tịch.
Những cầu thủ nhập tịch cũng không đủ năng lực để quyết định số phận đội tuyển lúc này. Khi con đường đi đang gặp thất bại, Liên đoàn đang tìm một lối đi tắt mới, đó là hy vọng vào các cầu thủ thi đấu ở nước ngoài.
Thành tích của Wu Lei ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 đã khiến các lãnh đạo Liên đoàn phấn khích và họ tin rằng, với nhiều cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài thì sẽ có thể đưa đội tuyển Trung Quốc lọt TOP các đội bóng hàng đầu châu Á và vượt qua vòng loại thứ 3 World Cup.
Đây là hướng đi mới cho bóng đá Trung Quốc. Từ HLV Li Tie đến Wu Lei đều nói về hy vọng có thêm nhiều cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng. Trước đó, HLV Li Tie cũng cho rằng nếu có đội hình gồm nhiều cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài, bóng đá Trung Quốc nhất định sẽ mạnh hơn.
Wu Lei, người vừa chia tay đội tuyển Trung Quốc rời Qatar để tới UAE tập trung cũng gửi một thông điệp đầy xúc động tới các CĐV nhà: “Bên cạnh tôi, hầu hết các cầu thủ của đội tuyển quốc gia Nhật Bản đang chuẩn bị trở lại các CLB của họ tại châu Âu để thi đấu. Khoảng cách giữa chúng tôi và các đội tuyển mạnh châu Á đang thực sự rất lớn. Hãy đối mặt với khoảng cách đó và đừng lãng phí mỗi ngày”.
Việc để các cầu thủ ra nước ngoài du học là điều chắc chắn tốt. Nó đã trở thành một chính sách được Liên đoàn khuyến khích, bất chấp việc các cầu thủ có khả năng đi hay không. Có vẻ như bóng đá Trung Quốc sẽ được “giải cứu” bằng cách gửi một số cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng.
Thực trạng của bóng đá Trung Quốc hiện nay là công tác đào tạo trẻ thiếu hệ thống, môi trường phát triển tài năng kém, và giải vô địch quốc gia Chinese Super League không được phát triển một cách chuyên nghiệp.
Nền tảng của nền bóng đá không chắc chắn nên dù có gửi bao nhiêu cầu thủ ra nước ngoài thì cũng vô ích. Ngay cả khi bạn có thể đạt được kết quả tốt, nó chỉ là tạm thời, không lâu dài.
Con đường bóng đá Trung Quốc đi đến đâu thì chưa ai có câu trả lời”, tờ sohu viết.
V.H