Bóng đá TP.HCM cần gì ở Huỳnh Đức và Hữu Thắng?
Hai CLB bóng đá Sài thành tiêu cả nghìn tỷ đồng nhưng đổi lại không thể khiến khán giả yêu thương, mà đến sân cổ vũ, trong khi thành tích luôn bê bết, hệ thống đào tạo trẻ gần như bằng 0. Có nghĩa, bóng đá TP.HCM không có tương lai. Vậy thì, cần gì phải sở hữu những “ông tướng” như Huỳnh Đức, Hữu Thắng?
Lẽ ra, ở độ tuổi rực rỡ sung mãn nhất của sự nghiệp HLV, họ cần cầm sa bàn trực tiếp ra trận, “thắng làm vua, thua chấp nhận bị trảm”, thay vì làm việc dễ là lên sàn chuyển nhượng, cân đong chuyện tiền bạc, chữa cháy rồi ghế vẫn vững như bàn thạch.
1. Hai cầu thủ từng mang băng thủ quân đội tuyển Việt Nam, huyền thoại của nền bóng đá đang trải qua những ngày tháng gian nan trong sự nghiệp khi các CLB của họ đều khốn đốn tìm cửa trụ lại V-League 2022.
HLV Hữu Thắng là người cảm nhận rõ những áp lực đến liên tiếp với CLB mà ông đang đứng chức danh Chủ tịch. CLB TP.HCM sau mùa giải gây ngạc nhiên lớn với thành tích Á quân V-League 2019 dưới tay HLV Chung Hae Seong đã tụt dốc đến mất kiểm soát 3 mùa giải liên tiếp gần đây.
Sự ra đi của chiến lược gia người Hàn Quốc khiến CLB TP.HCM mất phương hướng và sau thời ông Chung, không còn ai đủ sức để chèo lái đội bóng có biệt danh “Chiến hạm đỏ” trở lại đỉnh cao 2019. Chính ông Chung cũng trầy trật sau mùa bóng năm đó và ra đi khi được bồi thường hợp đồng. Từ đó đến nay, những HLV Polking, Trần Minh Chiến và gần nhất là Trương Việt Hoàng đang cùng chịu chung nỗi ám ảnh khi gắn bó với CLB này.
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng cũng đã trực tiếp cầm sa bàn ít nhất 2 lần khi tới TP.HCM để giữ vai trò tạm quyền. Tuy nhiên, cựu thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam cũng chỉ giúp đội nhà có 1 chiến thắng, 1 trận thua năm nay trước khi nhường lại chức vụ cho HLV Trương Việt Hoàng.
“Di sản” mà Chủ tịch Hữu Thắng đã tạo dựng cho CLB TP.HCM là dàn cầu thủ không phải không có chất lượng, nhưng những lục đục nội bộ, mua sắm phung phí trên thị trường chuyển nhượng và việc thay đổi quá nhiều triết lý bóng đá của các đời HLV đang khiến đội bóng này phải trả giá.
TP.HCM không phải là không có tiềm lực, thậm chí họ không hề kém cạnh những đội bóng nhiều tiền như Hà Nội FC, T.Bình Định… nhưng cuối cùng, những gì đọng lại với CĐV TP.HCM chỉ là sự thất vọng. Khi không thành công, nội bộ CLB bị đào bới và Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng với hàng loạt cầu thủ mình đưa về có trách nhiệm trực tiếp.
Lúc này, khi CLB TP.HCM tụt xuống vị trí áp chót bảng tổng sắp quen thuộc, nguy cơ xuống hạng cận kề, họ dường như không được nhiều sự sẻ chia. Hình ảnh TP.HCM chơi trên sân nhà Thống Nhất tiếp Nam Định cũng đang chật vật trụ hạng tuần qua nhưng CĐV chủ nhà đến sân không bằng 1/3 đội khách là minh chứng rõ nhất cho tình cảm của người hâm mộ địa phương này với CLB do Chủ tịch Hữu Thắng nắm quyền.
Tình cảnh này đã trải dài rất lâu và dù lãnh đạo địa phương có gặp mặt, lắng nghe, tìm cách giải quyết cho 2 đại diện bóng đá Sài thành vừa qua, nhưng có vẻ mọi chuyện không hề đơn giản với cơ chế bóng đá chuyên nghiệp hiện tại.
2. Về phần Sài Gòn FC, đội bóng được ví như “con ghẻ” của bóng đá Sài thành khi họ được bầu Hiển đổi tên và Nam tiến 6 năm trước đang nhận trái đắng từ cách vận hành thiếu nhất quán. Sau khi chính thức rời mái nhà bầu Hiển 3 năm trước, Sài Gòn FC tưởng chừng đã lột xác ngoạn mục bằng tấm HCĐ V-League lịch sử thì kể từ đó trở đi, cách làm kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” gạt đi cả 2 đội hình đã khiến CLB này tụt dốc không phanh.
Sài Gòn FC vừa chuyển giao lại chức Chủ tịch CLB từ ông Trần Hòa Bình sang ông Nguyễn Thái Phiên, đồng nghĩa với từ đây, CLB có thể sẽ không còn duy trì “Nhật hóa” như mục tiêu bầu Bình đặt ra khi giữ chức Chủ tịch.
Sài Gòn FC phải cậy nhờ rất nhiều vào tài năng của Giám đốc kỹ thuật Lê Huỳnh Đức, người 17 năm mới trở lại Sài thành làm việc. Tuy nhiên, “nước xa không cứu được lửa gần”. Những hiểu biết của Huỳnh Đức chỉ giúp Sài Gòn FC cải thiện ít nhiều mặt tinh thần, còn lại chuyên môn CLB này vẫn khiếm khuyết nhiều.
So với Chủ tịch Hữu Thắng đã “gác kiếm” huấn luyện từ năm 2017, giới mộ điệu có thể nhận thấy thời vận của Huỳnh Đức cũng đã qua rất lâu với SHB Đà Nẵng. Trước khi ông thầy này rời đi, đội bóng miền Trung cũng chỉ là CLB trung bình yếu và mục tiêu hàng năm cũng chỉ là trụ hạng an toàn.
Chung quy lại, 2 biểu tượng một thời của bóng đá Việt Nam đang có biểu hiện bất lực tại những CLB thừa tiền nhưng lại thiếu bản sắc. Cộng với một thương hiệu khác là cựu tiền vệ đội tuyển quốc gia Trương Việt Hoàng đang cố kéo “Chiến hạm đỏ” khỏi chìm đắm, nơi bóng đá một thời huy hoàng nhất đang chứng kiến cảnh tượng trớ trêu. Chi tiết này cũng minh chứng sự khắc nghiệt của V-League về giá trị của đồng tiền chi ra không phải khi nào cũng khôn ngoan và đạt được mục đích.
Tóm lại, yếu tố quan trọng nhất trong bóng đá là tiền thì 2 CLB TP.HCM đã có. Vậy thì, lỗi vẫn thuộc về ban lãnh đạo, trong đó Chủ tịch và Giám đốc kỹ thuật phải chịu trách nhiệm chính. Hy vọng Huỳnh Đức và Hữu Thắng được đánh động danh dự cá nhân lẫn nghề nghiệp để “có ích” cho bóng đá Sài thành thời gian tới.
Việt Hà