(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi Quốc vương Bhumibol Aduluadej – người đã trị vì đất nước Thái Lan hơn 70 năm, băng hà ở tuổi 88, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) đã ra thông báo, ngừng tất cả các hoạt động – hệ thống giải đấu bóng đá thuộc FAT, đến hết năm 2016, để tưởng nhớ vị “cha già dân tộc”. Điều tưởng như rất dị thường với người ngoài, thì tại Thái Lan, nó rất đỗi bình thường, như đẳng cấp nền bóng đá của họ vậy.
Tín ngưỡng và tinh thần tự tôn dân tộc của người Thái, rất khác biệt. Và, bóng đá Thái Lan, với giải đấu số 1 khu vực TPL là một trong số đó, bóng đá Việt Nam cần thiết phải học hỏi họ nhiều điều.
CĐV tạo ra sự khác biệt
Tại sao và như thế nào, chỉ sau 10 năm (từ mùa giải 2007, khi cái tên Thai Premier League xuất hiện), phát triển để trở thành một trong những giải đấu hấp dẫn bậc nhất châu lục?! Đo về lượng “rating”, thu hút nguồn lực đầu tư, tiền bản quyền truyền hình, khán giả đến sân và số lượng các ngôi sao hàng đầu tề tựu…, TPL có lẽ chỉ xếp sau 3 giải đấu hàng đầu Á châu là J-League 1, K-League và C-League (giải Nhà nghề Trung Quốc). Họ đã thực sự vươn ra tầm châu lục rồi.
TPL mùa giải 2016 vừa kết thúc sớm (trước 3 lượt trận, Muangthong United trở thành tân vương – PV) đang được điều hành bởi một công dân Singapore, Benjamin Tan, một doanh nhân rất am tường bóng đá. Trước đó, CEO của TPL vốn dĩ là cựu Tổng thư ký FAT Thái Lan, sau nhiều năm đèn sách ở Anh quốc, học hỏi mô hình Barclays Premier League (EPL). Trong khi đó công việc tại ĐTQG giao cho HLV Kiatisuk. Việc sử dụng chất xám như thế nào, cũng là sự khác biệt.
Ít ai biết, giải VĐQG Thái Lan từng phải chịu rất nhiều đau thương, đổ vỡ, thậm chí từng bị hoãn, trước khi cuộc cách mạng diễn ra. Một CLB ở TPL sẽ không chơi bóng trên các SVĐ bề thế mà cũ kỹ kiểu Việt Nam, nhưng các khàn đài (tối thiểu 4,1 ngàn chỗ ngồi như sân M-Power của Super Power Samut Prakan và sức chứa lớn nhất thuộc về chảo lửa New I-Mobile của gã khổng lồ Biriram United với 32 ngàn người), luôn đầy ắp khán giả. Các CĐV thuộc về đội bóng và ngược lại.
Khác với Việt Nam, việc kinh doanh bóng đá ở Thái Lan rất phát đạt, thông qua phương pháp làm khoa học: Ngoài móc túi các tập đoàn – nghiệp đoàn kinh tế lớn, các đội bóng cũng tận dụng tối đa nguồn lực nội tại từ CĐV đội nhà, để lấy mỡ nó rán nó. Ví như Muongthong United vốn đã được trên dưới 10 tập đoàn lớn tài trợ, song sức chứa 15 ngàn chỗ ngồi của SCG (thương hiệu của chủ đầu tư lớn nhất) thực sự là một miếng bánh béo bở. Mỗi trận đấu tại SCG là một ngày hội.
Khán giả của TPL (hay tốt hơn là CĐV) là yếu tố đầu tiên gây ấn tượng với các nhà tài trợ. Họ cổ vũ rất nhiệt tình, thậm chí dữ dội, từ nhiều giờ trước trận đấu diễn ra và vẫn giữ đội hình cho đến khi các cầu thủ của mình đã leo lên xe buýt, trở về đại bản doanh. Đội bóng sử dụng CĐV như quân tiên phong, trong việc tiếp thị hình ảnh của mình, đúng với sơ đồ kiểu mẫu 4-4-2 (với truyền thông là tiền đạo còn lại). Tất cả đều được hưởng lợi từ bóng đá, theo công thức “win win”.
Chất lượng mặt cỏ và giá trị ngôi sao
Nếu muốn phát triển bóng đá và muốn chơi thứ bóng đá tử tế, hay nâng cấp lên thành nghệ thuật trình diễn ở đẳng cấp nào đó, yếu tố đầu tiên quan trọng không hẳn là con người, mà là chất lượng mặt cỏ. Mặt cỏ các thảm đấu ở Thái Lan phải nói là tuyệt vời. Trong khi đó, các Học viện bóng đá trẻ của họ, với trung bình 4 sân tập/lò đào tạo, càng cần được chăm chút. Cái gì liên quan đến người trẻ, trong đó có đào tạo trẻ, không thể cẩu thả được, bởi sai một li dễ đi cả sự nghiệp.
Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) chiều nay 14/10 đã ra thông báo chính thức dừng mọi hoạt động do họ tổ chức đến hết năm 2016 để tưởng nhớ Quốc vương Bhumibol Adulyadej vừa mới qua đời ở tuổi 88.
Tại các sân bóng của Cảng Thái, Muongthong United hay Chonburi FC…, cũng như các Trung tâm đào tạo – huấn luyện của họ, mà PV Thể thao & Văn hóa từng ghé qua, người ta chăm sóc sân bóng hàng ngày. Và chỉ 24 giờ trước khi bóng lăn, mặt sân mới được tưới nước, kẻ vôi, lu phẳng lì như bàn nỉ billiards & snooker. Được chơi trên những thảm đấu như thế, đôi chân có vụng một tí cũng thành hay. Sau công đoạn đầu tiên quan trọng này, chúng ta sẽ bàn tới giá trị của các ngôi sao.
“King” Leandro, cầu thủ từng nổi đình nổi đám ở V-League trong màu áo XM Hải Phòng (giai đoạn 2008 – 2010), nhưng khi qua Thái trong tư các một ngoại binh, chỉ đủ đẳng cấp chơi giải hạng Nhất (giải đấu xếp sau TPL). Trong số 18 CLB ở TPL, có đến phân nửa đã và đang sử dụng HLV và các trợ lý HLV người nước ngoài. Họ đến từ Brazil, Nam Tư, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha… Cấp độ ĐTQG, từ Peter Reid, đến Bryan Robson và cả Roberto Carlos cũng từng kinh qua.
Những danh thủ và HLV nổi tiếng đến với Thái Lan luôn được biệt đãi, tuy nhiên, cán cân tài chính so với bộ phận đồng nghiệp bản địa không quá chênh lệch. Ví như tại Muongthong United, Chanathip Songkrasin, Sarach Yooyen hay Theerasil Dangda hưởng chế độ cao không thua gì siêu tiền đạo Cleiton Silva, chân sút tốt nhất TPL từ vài năm qua. Như đã nhắc, việc sử dụng chất xám của nguồn ngoại lực, cũng như nội lực của bóng đá Thái Lan, là cực kỳ khôn ngoan, khác biệt.
1. Trung bình mỗi năm, Thái Lan luôn đón tiếp khoảng trên dưới 10 CLB hàng đầu thế giới cho các tours du đấu, xếp số 1 Đông Nam Á về việc hút khách. Đơn giản, thị trường Thái Lan rất tiềm năng và họ đã chứng minh điều đó từ nhiều năm qua, với các sân bóng tuyệt vời và những CĐV cuồng nhiệt.
2. Với 18 CLB ở TPL, giải bóng đá cao nhất đất nước của những nụ cười chỉ kém “giải đấu mẹ” EPL ở xứ sương mù đúng 2 đội bóng. Trung bình, một mùa giải TPL sẽ chơi 34 lượt trận (đi và về), trải qua khoảng 9 tháng (từ tháng 2 – tháng 11 hàng năm). Mỗi vòng đấu là những ngày hội bóng đá lớn.
3. Sau khi những BEC Tero Sansana hay Cảng Thái, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan…, đã trở nên quá cũ với cơ chế chuyên nghiệp hiện nay, thì Muongthong United, Buriram United và Nakhon Ratchasima trở thành những thế lực mới, thay nhau thống trị từ bảng xếp hạng, đến CĐV trên các khán đài. |
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa