loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ sau ít ngày tuyên bố đổi mới toàn bộ hệ thống giải đấu theo khung thời gian của các giải VĐQG hàng đầu châu Âu, bóng đá Thái Lan đã cảm nhận được cơn khủng hoảng thật sự với điều này.
Teerasil Dangda, đội trưởng ĐTQG Thái Lan và chân sút vĩ đại thứ 2 ở sân chơi AFF Cup vừa cho biết mình không thể trở về với gia đình tại Thái Lan để chào đón đứa con thứ 2 mới chào đời.
Như đã thông tin, LĐBĐ Thái Lan (FAT) cùng Công ty tổ chức giải Thai League và 34 CLB thuộc 2 hạng đấu cao nhất Thái Lan là Thai-League 1 và 2 vừa nhóm họp ngày 14/4 để đưa ra quyết định thay đổi quan trọng.
Từ năm nay, Thái Lan sẽ không duy trì thời gian tổ chức giải từ tháng 2 tới tháng 10 như thông lệ mà chuyển hẳn từ tháng 9 năm nay tới tháng 5 năm sau. Điều này mở ra cho bóng đá Thái Lan sự chuyên nghiệp như nhiều nền bóng đá hàng đầu thế giới, tách biệt gần như hoàn toàn với các giải khu vực lẫn châu lục. Thế nhưng, đi kèm với thay đổi này là hàng loạt vấn đề phát sinh.
Đầu tiên chính là việc các CLB đồng loạt than “khổ” những ngày qua vì không có tài chính để duy trì hoạt động. Theo khung thời gian thay đổi, Thai-League sẽ chỉ trở lại vào tháng 9 và từ đây đến khi đó, còn đến 5 tháng trời.
Đó là quãng thời gian mà nhiều cầu thủ sẽ phải “ngồi chơi, xơi nước” nếu dịch bệnh Covid-19 không hạ nhiệt. Hiện Thái Lan cùng Malaysia, Indonesia, Singapore đang là những quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19.
Các cầu thủ ở Thai-League đã phải nghỉ từ tháng 3 và hiện tại, đã gần 2 tháng họ chỉ biết “bó chân” ở nhà và tập chay. Dù nhiều CLB tuyên bố họ vẫn theo dõi cầu thủ đều đặn để họ không chểnh mảng tập luyện, nhưng không thể mãi duy trì tình trạng này.
FAT cũng đã thống nhất với các CLB đề nghị giảm đến 50% lương cầu thủ để đội bóng đỡ bớt gánh nặng, nhưng đây cũng là đề xuất khó thực hiện với nhiều CLB khi họ không biết xoay ra tiền khi bóng không lăn. Thời gian tập chay lên tới khoảng 6 tháng ròng rã và chi phí trả lương dù 50% nhưng vẫn là vấn đề quá lớn.
Với việc duy trì hơn nửa đội hình chính là ngoại binh, nhiều cầu thủ có giá trị lên tới triệu đô, số tiền đó là không hề nhỏ để các CLB xoay sở. Bên cạnh đó, tiền bản quyền truyền hình vào khoảng 20 tỷ đồng/CLB/năm cũng không thấm tháp vào đâu, nhưng nó cũng chưa được chi trả đủ do bóng vừa lăn.
Ông Rawee Pritsanantakul, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Thai League, cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa biết lấy tiền ở đâu để hỗ trợ các CLB vì giải bóng đá Thái Lan phải tạm dừng, cũng không thể giải ngân chi phí phát sóng trực tiếp từ nhà tài trợ do bóng chưa lăn”.
Tình hình hiện tại buộc nhiều CLB thậm chí đã tính cách sa thải luôn nhiều cầu thủ, đợi đến khoảng tháng 7 mới đàm phán hợp đồng trở lại với nhiều người. Đây là cách tính được đề xuất nhưng FAT đang thận trọng bàn tính. Chủ tịch FAT Somyot Poompanmoung đã khuyến cáo các CLB nếu giảm lương cũng phải dè chừng việc cầu thủ kiện tới FIFA. Do đó, Chủ tịch Somyot đã đề nghị cộng sự nghiên cứu kỹ luật lệ.
Thực tế trong giai đoạn hiện tại, khi các CLB không thể trả lương cho cầu thủ, nhiều HLV, cầu thủ đã phải tự cứu mình bằng các công việc trái tay. Truyền thông Thái Lan những ngày qua đã đồng loạt đưa tin nhiều cầu thủ phải bán than, bán nước cam, bánh mì, giao hàng online… để kiếm thêm thu nhập. Trong đó, có nhiều cầu thủ ở Thai-League 1 và cả tuyển thủ quốc gia. HLV ở Thai-League hiện tại cũng phải kiếm sống thêm bằng cách dạy học online cho những người muốn trở thành HLV chuyên nghiệp.
Ngoài những tồn tại đang phải đối đầu, Chủ tịch Somyot trước đó còn thừa nhận Thái Lan sẽ khó gây ảnh hưởng với các nền bóng đá khu vực trong tương lai. Một phần bởi người Thái khó lòng cử đội tuyển mạnh nhất dự giải đấu hàng đầu ASEAN như AFF Cup vốn không thuộc hệ thống thi đấu của FIFA. Như thế, bóng đá Thái Lan cũng khó kiếm tiền được ở đây như mục tiêu lâu nay họ đặt ra.
Việt Hà
loading...