Bóng đá nữ Việt Nam sau suất World Cup: Cần chiến lược dài hơi
(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ tích giành vé tham dự World Cup 2023 của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cho đến lúc này vẫn còn là vấn đề thời sự. Nhưng hơn tất cả, bóng đá nữ Việt Nam vẫn cần có chiến lược dài hơi để tấm vé dự World Cup lần này không phải là duy nhất.
Không thể phủ nhận sự quan tâm của xã hội cũng như của nhiều cấp, nhiều ngành đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam nói chung, bóng đá nữ Việt Nam nói riêng. Mới đây nhất, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp mặt Ban huấn luyện cùng các cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.
Trong buổi gặp mặt này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bên cạnh việc biểu dương thành tích xuất sắc của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thời gian qua, cụ thể là tấm vé tham dự World Cup còn lưu ý: Thúc đẩy phát triển đồng bộ hài hòa giữa phát triển vận động viên nam và nữ, giữa bóng đá nam và bóng đá nữ.
Muốn vậy, phải nâng cao nhận thức từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo đến người dân, từ nhà trường, gia đình và xã hội, nhất là khắc phục bằng được những rào cản định kiến xã hội còn rơi rớt lại trong gia đình, trong những người làm cha, làm mẹ, làm chồng và rộng hơn là toàn xã hội, để thúc đẩy bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực nói chung và phát triển bóng đá nữ nói riêng.
Các cơ quan chức năng liên quan, trong đó có vai trò quản lý nhà nước trực tiếp của Bộ VH-TT&DL, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, chiến lược phát triển thể dục, thể thao, vừa hướng vào tháo gỡ những bật cập, vướng mắc trước mắt, vừa tạo nền tảng căn cơ cho phát triển bền vững trong lâu dài.
Từ “cơn mưa” tiền thưởng, đến đắt show quảng cáo
Hiệu ứng tích cực với bóng đá nữ Việt Nam, cụ thể là các thành viên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sau khi giành quyền tham dự World Cup 2023 là có. Cụ thể, tính cho đến thời điểm hiện tại, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã công khai số tiền thưởng mà đội được nhận (gồm cả tiền mặt và hiện vật) là 27 tỉ 904 triệu đồng.
Trong đó, VFF thưởng tiền mặt 5,5 tỉ đồng; Văn phòng Chính phủ kêu gọi xã hội hóa được 4,5 tỉ đồng. Liên đoàn cũng đã thống kê rất chi tiết các khoản thưởng từ các đơn vị tài trợ của đội tuyển và các doanh nghiệp, các đơn vị khác. Nhiều đơn vị thưởng tiền mặt từ 50 triệu đồng, 200 triệu đồng, 1 tỉ đồng, 2 tỉ đồng.
Đặc biệt, có nhiều người hâm mộ thưởng trực tiếp cho đội số tiền hơn 500 triệu đồng. Đội tuyển nữ Việt Nam cũng được nhận các khoản thưởng bằng hiện vật như xe ô tô cho HLV Mai Đức Chung, xe máy Honda Vision cho 23 cầu thủ, sản phẩm làm đẹp, sản phẩm sữa, kỳ nghỉ dưỡng tại một resort hạng sang… Dự kiến, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ chia tiền thưởng vào 1 ngày gần đây, sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.
Chưa dừng lại ở những số tiền thưởng, một số cầu thủ nổi bật của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam như Tuyết Dung, Bích Thùy, Trần Thị Duyên…còn được mời quảng cáo cho một số thương hiệu uy tín, những nhãn hàng có tiếng như Shopee. Đây là điều hiếm hoi vì từ xưa đến nay, chỉ có những tuyển thủ nổi tiếng ở đội tuyển bóng đá nam mới đắt show quảng cáo, đi sự kiện..
Chưa dừng lại ở đó, một tín hiệu tích cực khác với các thành viên của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam là việc VFF ký thỏa thuận hợp tác với công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) nhằm hỗ trợ việc làm cho các tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam sau khi giải nghệ.
Tùy thuộc vào nguyện vọng, mong muốn và khả năng của từng cá nhân mà FPT Telecom sẽ phối hợp chặt chẽ với VFF cùng nghiên cứu, triển khai những hoạt động thiết thực liên quan đến việc mở rộng đào tạo, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức cho từng cầu thủ. FPT Telecom và VFF cam kết sẽ cùng đồng hành xuyên suốt trong vòng 10 năm với các tuyển thủ nữ, tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo công việc cho cuộc sống sau khi giải nghệ được ổn định.
Nhưng nền tảng của bóng đá nữ Việt Nam chưa vững
Thành công của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chính là yếu tố cốt lõi khiến sự quan tâm của xã hội với bóng đá nữ ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, suy cho cùng, đây vẫn chỉ là những hoạt động hữu hình, tồn tại trước mắt còn về lâu dài, bóng đá nữ Việt Nam vẫn chưa biết ra mai ngày sau.
Lý do là bởi với bất cứ môn thể thao nào chứ không riêng gì bóng đá, xây dựng phong trào, tạo nguồn lực lượng, tìm kiếm đội ngũ kế cận vốn là mục tiêu và nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Nhưng phải thừa nhận, việc xây dựng phong trào với bóng đá nữ Việt Nam quá khó và hiện chưa có lối ra khi nhiều năm qua, chỉ 6 địa phương quan tâm đầu tư cho bóng đá nữ gồm Hà Nội, TPHCM, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La. Nhưng chính Sơn La trong năm 2022 này cũng sẽ không dự giải VĐQG dành cho bóng đá nữ khi thiếu tiền, thiếu cả quân.
Việc tìm kiếm tài trợ cho từng CLB bóng đá nữ và cả giải vô địch quốc gia bóng đá nữ là cực khó, dù rằng con số này so với V-League, giải đấu dành cho các cầu thủ nam chỉ là một phần nhỏ.
Chưa hết, nguy cơ giải thể, xóa phong trào như với trường hợp của đội nữ Sơn La ở thời điểm hiện tại không phải là không có và câu chuyện trong thực tế còn khó khăn, đau xót hơn rất nhiều những thông tin ít ỏi được đưa lên mặt báo hay truyền thông biết đến.
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành quyền dự World Cup, đời sống cầu thủ nữ và tiền thưởng được nâng cao nhưng điều đó chỉ bó hẹp trong phạm vi các cầu thủ thuộc đội tuyển quốc gia, những người đang là tuyển thủ. Còn với trường hợp những cầu thủ ở 6 CLB hiện tại và không có may mắn và chưa có cơ hội góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia thì chắc chắn không khỏi chạnh lòng và nỗi lo thất nghiệp đã và sẽ vẫn còn hiện hữu.
Sâu xa hơn, để bóng đá nữ Việt Nam có nền tảng vững chắc, các cầu thủ Việt Nam có tương lai ổn định và yên tâm theo đuổi đam mê thì phải tổ chức được các giải bóng đá phong trào trong hệ thống trường học để các em gái có cơ hội thể hiện tài năng, nhà tuyển dụng có môi trường để tuyển quân.
Tiếp đó, cần nâng cao chất lượng của giải vô địch quốc gia nữ, tăng cường chuyên môn, cọ xát. VFF cần phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý hơn, khuyến khích các địa phương phát triển bóng đá nữ, đồng thời có chiến lược đầu tư cho đội tuyển nữ. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cần thường xuyên được đưa đi tập huấn, thi đấu quốc tế để nâng cao trình độ.
Bế tắc chuyển nhượng bóng đá nữ CLB Thái Nguyên T&T muốn mời 3 cầu thủ của TPHCM là Mỹ Anh, Kim Anh và Hoài Lương về thi đấu cho đội ở giải VĐQG 2022 với hợp đồng 2 năm, lót tay 500 triệu đồng/người và hưởng lương 20 triệu/tháng. Theo tìm hiểu, Thái Nguyên T&T đã đạt được thỏa thuận với cầu thủ nhưng Sở VH-TT TP.HCM, CLB bóng đá nữ TP.HCM vẫn chưa có câu trả lời. Trong số 3 cầu thủ này, Hoài Lương cùng Mỹ Anh đã hết hợp đồng nhưng vẫn chưa được cho phép tự do chuyển nhượng dù về lý thuyết việc này hoàn toàn hợp lệ. HLV Đoàn Việt Triều của T&T Thái Nguyên cho rằng sự nghiệp cầu thủ nữ rất ngắn, họ cũng muốn tính kế lo cho gia đình và bản thân. Việc hết hợp đồng và chuyển sang đội khác với thu nhập tốt hơn là chuyện hoàn toàn bình thường và lãnh đạo các đội nên tôn trọng người đã cống hiến cho mình. Điều đó vừa giúp cầu thủ, lại giúp bóng đá nữ Việt Nam có thể phát triển hơn. Chuyển nhượng sẽ giúp lực lượng các đội trở nên đồng đều và tăng tính cạnh tranh cho giải vô địch quốc gia, Cúp quốc gia. Chính vì thế, HLV Đoàn Việt Triều của CLB Thái Nguyên T&T mong nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo để bóng đá nữ phát triển lên chuyên nghiệp và chuyển nhượng cầu thủ hợp lệ cũng là một trong số đó. |
Lâm Chi