(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày gần đây, đề tài “ngựa ô” Bình Định được đôn lên tham dự Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia năm 2016 xuất hiện ở hầu khắp các quán cà phê Quy Nhơn. Người hâm mộ đất Võ tỏ ra hào hứng trước viễn cảnh đội nhà sớm được chứng kiến thi đấu ở sân chơi chuyên nghiệp, nhưng không ít trong số đó tỏ ra nghi ngại về khả năng duy trì đội bóng.
Run run nhận quà biếu
Ngay sau khi đội Cà Mau chính thức gửi đơn xin rút lui khỏi Giải hạng Nhất quốc gia năm 2016, thông tin này được lãnh đạo Sở VH-TT&DL Bình Định đón nhận khá… hời hợt.
Trước đó, cũng đã có thời điểm vị Giám đốc Sở “liều mình” bật đèn xanh, khi thầy trò HLV Phan Tôn Quyền vào Nha Trang tham dự vòng chung kết Giải bóng đá hạng Nhì quốc gia năm 2015. Nhưng trong thâm tâm họ cũng chưa sẵn sàng cho tình huống đội bóng Bình Định trở lại đấu trường hạng Nhất.
“Chúng tôi dự tính mùa bóng 2016 sẽ tiêu tốn khoảng 7,5 tỉ đồng. Trong đó ngân sách của tỉnh bỏ ra 5 tỉ đồng, còn lại sẽ tiếp tục vận động tài trợ từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh” - ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Bình Định -cho biết.
Tạm yên tâm với khoản tài chính được tỉnh “bảo kê” phần lớn, HLV Phan Tôn Quyền cùng các cộng sự đang bắt tay vào việc chuẩn bị lực lượng. Phân nửa lứa cầu thủ vừa có màn trình diễn tương đối ấn tượng ở vòng chung kết Giải bóng đá U21 quốc gia năm 2015 sẽ được giữ lại. Bên cạnh đó, những cái tên phần nào khẳng định được mình ở giải hạng Nhì vừa qua như: Bùi Hoàng Mỹ, Phan Thanh Tịnh, Nguyễn Thanh Thụ, Thục Kha… cũng được xem là trụ cột của Bình Định trong mùa tới.
Với nguồn lực còn hạn chế, việc đầu tiên mà lãnh đạo ngành thể thao Bình Định tính đến là ưu tiên vận động “người nhà” trở về khoác áo đội bóng quê hương. Nếu điểm lại những cái tên từng góp mặt ở giải hạng Nhất và V-League mùa trước, những cầu thủ Bình Định dù không quá nổi bật nhưng cũng có đóng góp đáng kể khi chơi bóng xứ người. Đó là những Ngô Quang Huy (SHB Đà Nẵng), Trịnh Văn Hà (QNK Quảng Nam), Cao Văn Triền (Sanna Khánh Hòa), Huỳnh Văn Thanh (FLC Thanh Hóa), Lê Thành Tài (Bình Phước)… Điều đáng nói là phân nửa trong số đó vẫn còn hợp đồng đào tạo với đội bóng đất Võ. Những cầu thủ còn lại cũng ít nhiều mong muốn được trở lại sân Quy Nhơn với tâm niệm “ao nhà vẫn hơn”.
Đội bóng đất Võ (áo đỏ) rất khó khăn vì tỉnh này không có nhiều doanh nghiệp đại gia như Khánh Hòa.
Chừng đó cũng được coi là bộ khung tương đối vững chãi cho “ngựa ô”, nhưng các HLV vẫn còn phải bổ sung thêm những cầu thủ ở vị trí thủ môn và tiền đạo. Nhắc đến điều này mới lại thấy đau cho người Bình Định, bởi họ chính là nơi từng cung cấp nhiều thủ môn giỏi cho đội tuyển quốc gia trong nhiều năm qua. Ông Dương Ngọc Hùng cũng từng mở lò thủ môn ngay tại Quy Nhơn, nhưng chỉ được vài tháng phải đóng cửa. Giờ thì phải dành những khoản ngân sách eo hẹp để tuyển thủ môn nơi khác về, tương tự như cách mà họ mượn Minh Hoàng cho giải bóng đá U21 vừa qua.
Bài toán khó cho sự phát triển lâu dài
Trong sự thăng trầm của bóng đá Việt Nam, có lẽ Bình Định đã nếm đủ hương vị. Ở giai đoạn “chuyên nghiệp hóa”, đã có khá nhiều nhà tài trợ đến với bóng đá đất Võ, nhưng những mối lương duyên đều không giữ được lâu bền. Những PISICO, Hoa Lâm, Boss rồi sau này là SQC đều có những “lý do riêng” để gắn tên mình với “ngựa ô”.
Nhưng kể từ sau khi SQC tuyên bố trả lại đội bóng cho tỉnh, bóng đá Bình Định mịt mờ tương lai. Ngân sách của tỉnh eo hẹp, số doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính hầu như không có, cầu thủ đất Võ tập luyện, thi đấu và… đặt chế độ chờ. Người hâm mộ đội chủ sân Quy Nhơn luôn chờ đợi tín hiệu từ các “đại gia” gốc Bình Định đang thành danh ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng dường như tất cả đều vô vọng.
Lần trở lại này, “ngựa ô” Bình Định lại sống nhờ bầu sữa ngân sách. Khỏi cần nói, ai cũng biết đó là một trong những cách sống ít bền vững nhất trong bối cảnh bóng đá hiện nay. Bởi vậy mà không chỉ lãnh đạo ngành thể thao mà cả các cổ động viên đều phấp thỏm lo âu. Vì với kiểu “chạy ăn từng bữa” như hiện nay, khả năng đội trở về với… giải hạng Ba có thể xảy đến bất kỳ lúc nào.
Lê Cường
Thể thao & Văn hóa