(Thethaovanhoa.vn) - Những thất bại đau đớn trước Malaysia ở các vòng đấu knock-out, kể từ AFF Suzuki Cup 2010 đến giải năm 2014 (nếu tính cả trận chung kết SEA Games 2009, nỗi đau còn dai dẳng hơn), đã khiến nền bóng đá tỉnh táo hơn chưa? Chúng tôi e là chưa.
Malaysia là một nền bóng đá thuộc hàng trung bình khá trong khu vực, tương đương với Việt Nam, Indonesia, Singapore và kém xa Thái Lan. Mặc dù vậy, kể từ SEA Games 1991, khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại, người Mã cũng hai lần giành HCV SEA Games (Vientiane 2009 và Jakarta 2011) và một lần khác vô địch Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup 2010). Hai trong số 3 lần lên đỉnh, họ đều hạ knock-out Việt Nam, dù SEA Games 25 tại Lào khi ấy, U23 Việt Nam đã thắng dễ Malaysia 3-1 ở vòng đấu bảng.
Bóng đá Malaysia quả thật rất khó lường. 20 năm trước, họ từng đập bỏ tất cả vì nạn dàn xếp tỷ số, để gần như bắt đầu lại từ con số không. Song ngay cả khi đã giành được một vài thành tựu nhất định ở các giải đấu cấp khu vực, thì Malaysia vẫn không được cho là một quốc gia có năng khiếu đá bóng (dân số với hơn 60% theo đạo Hồi và khoảng 6,5% theo đạo Hindu, tức Ấn Độ giáo, trong khi bóng đá được coi như một tôn giáo ở rất nhiều quốc gia). Những người Malaysia gốc Malay (chiếm 51% dân số), hoặc gốc Ấn và thậm chí là người Mã gốc Hoa, cũng không được đánh giá cao ở môn thể thao vua. Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng bóng đá của họ ở đâu trên bản đồ?
Việt Nam sẽ đối đầu với Malaysia ở lượt trận thứ hai vòng bảng B AFF Suzuki Cup 2016 vào lúc 15h30 ngày 23/11. Trước trận đấu, sao trẻ Matthew Davies của Malaysia đã có những chia sẻ với Fox Sport Asia về giải đấu và khả năng vô địch của Malaysia.
Trở lại với ĐT Việt Nam và cuộc tái đấu Malaysia, 2 năm sau các thất bại khó nuốt ở bán kết giải đấu này. Cả 2 đội đều đã có các chiến thắng đầu tay, trước Myanmar và Campuchia, đây rõ ràng là trận đấu phân định ngôi thứ tại bảng B. Và, trong khi Malaysia rất từ tốn, vẻ như họ đề cao chúng ta, thì ở chiều ngược lại, ĐT Việt Nam và đặc biệt là truyền thông xứ mình ồn ào thái quá, thiếu tính thống nhất. Một hai chiến thắng ở vòng bảng, chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ để đảm bảo chúng ta sẽ đăng quang. Các bài học về đầu xuôi mà đuôi vẫn không lọt, vẫn còn chưa ráo mực.
Hôm qua (22/11), sau trận thắng Singapore với tỷ số 1-0, đảm bảo cho Thái Lan chắc một suất vào bán kết trước lượt trận cuối bảng A, HLV Kiatisuk một mặt đánh giá cao hàng phòng ngự của Singapore, mặt khác ông tỏ ra rất dè dặt về chặng đường trước mặt của đội bóng của ông. "Zico Thái” - Kiatisuk Senamuang và các học trò của ông đón nhận những thành quả nhẹ nhàng, mặc dù họ đã phải chiến đấu và mất nhiều mồ hôi để có được nó. Và đó mới chính là tâm thế của một đội bóng lớn, một ứng viên thực sự. Về sự khiêm nhường, chúng ta phải học chúng bạn.
Phải, bóng đá Việt Nam và truyền thông thể thao Việt Nam, vẫn bị cho là "gã hàng xóm ồn ào" với người Thái. Dù lịch sử 25 năm kể từ sau hội nhập trở lại, chúng ta mới chỉ hai lần đánh bại Thái Lan ở các giải đấu chính thức (lần đầu là bán kết Tiger Cup 98 và lần thứ 2 là chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2008), nhưng cứ trước mỗi giải đấu, mỗi khi có cơ hội gặp lại họ, tất cả lại hô hào. Để rồi sau các thất bại muối mặt, ví như 2 trận vòng loại World Cup 2018 gần nhất, chúng ta lại mệt mỏi giải thích tại sao mình thua. Đấy cũng là tâm lý của kẻ yếu, thậm chí của một nền bóng đá nhược tiểu.
HLV tuyển Malaysia Datuk Ong Kim Swee đang “ủ mưu” đánh bại Việt Nam trong lượt đấu thứ 2 bảng B AFF Cup 2016.
Malaysia không phải Thái Lan, đương nhiên rồi, họ thậm chí từng nhiều lần thất bại trước chúng ta, ở các hạng mục giải đấu khác nhau. Bơi ra đấu trường lớn hơn, Malaysia cũng không gây được chút tiếng vang nào như bóng đá Việt Nam đã từng. Nhưng khi cần đưa ra những toan tính cụ thể trước mỗi cuộc đối đầu, Việt Nam thường thua thiệt. Như nhận định của cây bút John Duerden trên Fox Sports Asia, ĐT Việt Nam thường gặp vấn đề về khả năng chịu đựng và vượt qua áp lực. Nền bóng đá, truyền thông và người hâm mộ có quyền kỳ vọng, song lịch sử cho thấy, mỗi khi kỳ vọng lên đỉnh điểm, chúng ta thường không có một giải đấu thành công. Những cuộc bể dâu diễn ra và thất vọng vì thế cứ kéo dài đến thiên thu.
Thầy trò HLV Hữu Thắng phải giữ được độ lạnh - sự tỉnh táo cần thiết, tránh bị cuốn theo những tung hô thiếu thực tế, mà đánh mất mình. Nếu cần, ông Thắng và các cầu thủ cũng có thể đưa ra các nguyên tắc ứng xử, với chính truyền thông Việt Nam, để đảm bảo đội bóng có được sự tập trung cao nhất. Lấy tĩnh chế động là điều cần thiết lúc này. Thắng hay hoà trong cuộc đối đầu với Malaysia, chưa nói lên điều gì, tất nhiên, nếu bại cũng chẳng phải thảm hoạ. Và, đội bóng phải tính toán thật kỹ lưỡng các phương án.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa