(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi bị Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng phê bình mạnh mẽ 4 năm không tìm được một xu tài trợ trong vai trò Phó TGĐ Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), được Thể thao & Văn hóa tiếp xúc, ông Phạm Phú Hòa trút cả bầu tâm sự.
Ông Hòa bộc lộ sự cảm ơn “đại ca” Võ Quốc Thắng khi cho rằng ông Thắng đã chia sẻ rất đàng hoàng trên báo chí rồi. “Mỗi một mình tôi thì không thể đem về một gói tài trợ lớn cho giải đấu mà thành công từ việc kêu gọi tài trợ nó đến từ công sức của cả tập thể. Mỗi thành viên đều có trách nhiệm đóng góp vào việc đi kêu gọi tài trợ.
Khi VPF mới ra đời, anh Thắng có bảo tôi năm lần bảy lượt đi sang gặp anh Lê Hùng Dũng khi đó là Chủ tịch ngân hàng Eximbank để xin tài trợ. Anh Dũng cũng có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam nên bỏ ra không ít tiền trong 3 năm liền để tài trợ cho V-League. Để có được số tiền lớn tài trợ cho bóng đá Việt Nam trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn đâu phải là chuyện dễ dàng gì”.
Chúng tôi hỏi những khó khăn nào cơ bản, ông Hòa so sánh với cụm từ khá sốc công việc đi vận động tài trợ thời điểm này cũng tương tự như đi ăn mày mà thôi. Phải xin xỏ, mềm mỏng với đối tác để họ chịu rút hầu bao cho bóng đá Việt Nam. Khi nhiều nhà tài trợ quay lưng với bóng đá thì thuyết phục họ không dễ.
Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng phê phán một số cá nhân VPF tại lễ tổng kết hôm 28/9. Ảnh: Hà Lê
Ông Hòa nhớ về thời vàng son của mình: Thời điểm còn làm GĐĐH CLB ĐTLA, ông được làm đúng sở trường chuyên môn, điều hành công việc dễ dàng. Còn bây giờ, khi giữ chức vụ phụ trách tài trợ cho VPF thì quá nan giải, cho dù ông đã tích lũy được vốn kiến thức kinh doanh cùng với kiến thức chuyên môn bóng đá sẵn có mới đảm nhận được vai trò hiện tại.
“Như tôi đã nói, để nhà tài trợ bỏ hàng đống tiền ra cho bóng đá thì mình không chỉ có mềm mỏng, nói suông mà phải vạch ra quyền lợi cụ thể cho họ. Tôi đã làm nhiều gói tài trợ phù hợp với tình hình thực tế, đúng với ý muốn của họ. Khi ký được hợp đồng thì sau đó, chúng tôi phải có trách nhiệm đảm bảo hình ảnh, bản quyền của nhà tài trợ trong giải đấu.
Vì làm tốt điều này nên như anh Thắng đã chia sẻ, nhà tài trợ Toyota đã có lời khen. Và sang mùa giải 2016, Toyota đã nói với anh Thắng là họ sẽ tiếp tục gắn bó tài trợ cho V-League. Trị giá bản hợp đồng này bao nhiêu thì tôi không công bố được lúc này” - ông Hòa trải lòng.
Trả lời câu hỏi đánh giá mình có làm được việc ở VPF từ ngày được bổ nhiệm vào chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách tài trợ của VPF hay không, ông Hòa chuyển câu hỏi này cho Tổng giám đốc Phạm Ngọc Viễn và những thành viên trong VPF. Ông Hòa bảo là người làm thuê và nếu không làm được việc thì “anh Viễn, anh Thắng đã không để tôi tồn tại đến hôm nay. Nếu bất tài thì làm sao VPF vỗ ngực xưng tên tới bây giờ (?)”.
Cuối cùng, ông Hòa tha thiết kêu gọi sự đánh giá công tâm vai trò của ông: “Từ ngày VPF ra đời, có lẽ các bạn cũng ghi nhận công tác truyền thông của giải đã có tiến bộ hơn. VPF cố gắng tổ chức họp báo thường xuyên sau vài vòng đấu để thông tin cho báo chí. VPF cũng đang thử nghiệm để cho ra đời kênh YouTube tường thuật trực tiếp các trận đấu.
Nếu được Hội đồng quản trị công ty thông qua thì năm 2016 sẽ đưa vào phát sóng chính thức. Tôi không muốn kể công gì cả. Trong buổi lễ tổng kết thì chỉ đơn thuần là tổng kết về chuyên môn thôi nên tôi không giải thích được. Nếu có ý kiến chất vấn tôi thì trong buổi Đại hội cổ đông VPF, tôi sẽ trả lời mọi thắc mắc”.
Bất luận thế nào, khi ông Hòa bảo giờ đây làm việc không đúng sở trường, và tiếc nuối thời làm đúng sở trường ở “Gạch”, có khi ông đáng thương thật!
Việt Hòa
Thể thao & Văn hóa