loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc VPF Trần Anh Tú (nhiệm kỳ 2017-2020) được kỳ vọng là sợi dây nối liền các ông bầu sân cỏ Việt Nam trong sứ mệnh góp phần nâng tầm bóng đá Việt.
Trước khi ngồi ghế nóng tại VPF, ông Trần Anh Tú hiện ngồi ghế Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) và còn là Ủy viên Thường trực VFF. Ông chủ của đội chủ lực futsal Thái Sơn Nam lẫn nhiều đội bóng futsal khác có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của môn này và người ta đang kỳ vọng khi chuyển sang sân 11, bầu Tú sẽ nâng cấp VPF lên một tầm cao mới.
Vai trò những ông bầu
Quyết định lớn đầu tiên của bầu Tú chính là không chấp nhận “hạ giá” V-League của nhà tài trọ Toyota. VPF đã chấm dứt hợp đồng khi nhà tài trợ chính cho V-League trong 3 mùa giải vừa qua (2015 đến 2017) với giá trị tài trợ 40 tỷ đồng/mùa đưa ra đề nghị thấp hơn. Ông cho rằng, không việc gì phải “bán rẻ” V-League khi Toyota tiếp tục chi bội cho giải đấu số 1 Thái Lan - Thai League với bản hợp đồng tài trợ trị giá 5 triệu USD/mùa (khoảng 110 tỷ đồng/mùa).
Là Ủy viên Thường trực VFF, bầu Tú cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi chính đánh của CLB và các ông bầu sân cỏ, không để VFF dùng quyền cổ đông góp vốn lớn nhất (35,4%) chi phối sâu hơn vào VPF. Cơ cấu nhân sự VPF có nhiều sự tham gia kiểm soát và tác động hơn từ các CLB, dù họ chỉ là cổ đông nhỏ.
Là ông bầu trực tiếp đầu tư futsal, hơn ai hết bầu Tú hiểu được vai trò của các doanh nhân đối với bóng đá Việt Nam. Có thể nói, sự ủng hộ của các ông bầu chiếm vai trò quan trọng lớn cho các tầm CLB lẫn các đội tuyển. 11 năm trước, khi bầu Đức đốn cao su thành lập Học viện bóng đá HAGL Arsenal – JMG không ai tin chúng ta có thể á quân U23 châu Á. Nhưng hôm nay, chúng ta tin cùng nếu các ông bầu Việt với các lò đạo tạo trẻ PVF, các trung tâm đào tạo của T&T, Viettel, SLNA, HAGL sẽ biến giấc mơ dự World Cup 2030 của người hâm mộ Việt Nam sớm trở thành sự thật
Giấc mơ World Cup
Cuối năm 2008, bầu Vượng quyết định lập Quỹ đầu tư và phát triển bóng đá PVF và Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF bắt đầu tuyển các tài năng trẻ từ 2009. Các danh thủ một thời của bóng đá Việt Nam như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Cường, Võ Văn Hạnh, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Phúc Nguyên Chương... đang đảm nhiệm công tác đào tạo trẻ tại đây. Đến nay, các cầu thủ nhí của PVF đã đoạt 15 giải vô địch quốc gia U13, U15, U17, U19. Mới đây, bầu Vượng đã cho khánh thành một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hiện đại nhất Đông Nam Á, tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, rộng 22 ha. Việc 2 siêu sao Ryan Giggs và Paul Schol được mời huấn luyện và điều hành Trung tâm bóng đá trẻ PVF, cựu danh thủ Hoàng Anh Tuấn là Trưởng ban huấn luyện cho thấy bầu Vượng đã có khát khao rất lớn. Cựu ngôi sao M.U, Ryan Giggs khẳng định, nếu đi đúng hướng PVF sẽ giúp đội tuyển Việt Nam có đủ tài năng á để giành suất vào vòng chung kết World Cup 2030.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF Trần Anh Tú khẳng định hiện đã có 3,4 đối tác ngỏ ý muốn thay thế Toyota trở thành nhà tài trợ cho V-League nhưng đến thời điểm này công ty vẫn chưa chốt.
Mãi đến 2006, bầu Hiển, ông chủ Tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB mới bắt đầu đầu tư đến bóng đá. Nhưng nhà chiến lược này đã có cả kế hoạch căn cơ, bài bản trong công tác đạo tạo trẻ cũng với những bước đi đầy tính toán, thể hiện sự am hiểu bóng đá của bầu Hiển. Việc trong danh sách U23 hiện nay, có 6 cầu thủ là “những đứa con nhà bầu Hiển” Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Hà Đức Chinh… đã cho thấy bầu Hiển đã âm thầm dành tình cảm của mình với đội bóng như thế nào.
Rõ ràng, các ông bầu đã và đang chăm lo công tác đào tạo trẻ nhưng mỗi đội bóng làm theo 1 cách khác nhau, chưa có một chiến lược chung. Người hâm mộ xin trân trọng cảm ơn bầu Đức, bầu Hiển, bầu Vượng và những doanh nhân Việt khác đã giành nhiều công sức, tiền bạc cho bóng đá Việt Nam. Hy vọng vào cái bắt tay của họ, vì mục tiêu đội tuyển quốc gia sẽ có mặt dự World Cup 2030.
Đông Hùng
loading...