A+ A A- Kiểu đọc sách

Bầu Hiển: ‘Sang năm, Sài Gòn FC sẽ là ứng viên nặng ký’

05:53 03/05/2016
loading...

(Thethaocvanhoa.vn) - Không đầu tư mạnh vào bóng đá, không hay phát biểu nhiều, nhưng ông Đỗ Quang Hiển vẫn cho thấy sức ảnh hưởng của mình trong làng bóng đá hiện nay. Thể thao & Văn Cuối tuần có cuộc trao đổi với bầu Hiển.

“Bóng đá mang lại nhiều năng lượng cho tôi”

* Tròn 10 năm gắn bó với bóng đá đỉnh cao, ông có thể tóm lược “một thập niên bóng banh” của ra sao?

- Ngay từ niên thiếu tôi đã mê bóng đá, chơi bóng đá và là fan bóng đá cuồng nhiệt.  Giấc mơ tuổi thanh xuân của tôi thường ấp ủ là đến ngày nào đó có điều kiện, sẽ tự mình gầy dựng một đội bóng để “thóa chí tang bồng”. Tôi đã làm được điều đó, dù bóng đá tốn rất nhiều tiền, tâm sức. Nếu không vì tình yêu, chắc chắn tôi đã không gắn bó lâu dài, bền bỉ với bóng đá như thế. Tuy nhiên, bóng đá mang lại cho tôi nhiều năng lượng, nhiều bè bạn và nhiều kiến giải hữu ích cho hoạt động kinh doanh. Tôi biết ơn bóng đá, luôn coi là tình yêu lớn của đời mình.

Tóm lại, mười năm qua là quãng thời gian rất ý nghĩa của tôi khi được sống tận cùng với các cảm xúc bóng đá mang lại, giận hơn, buồn vui lẫn lộn, như tình yêu vậy!

* Xin hỏi thật, vậy có lúc nào ông mệt mỏi, muốn buông bỏ bóng đá?

- Rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã chia tay bóng đá đã tác động không ít đến tình cảm của tôi. Tôi không nghĩ là họ không yêu bóng đá. Nhưng, rõ ràng làm bóng đá chuyên nghiệp ở ta rất khó, mọi người chưa nhìn nhận thấu đáo những đóng góp của các doanh nghiệp, chỉ nghĩ họ đầu cơ bóng đá để phục vụ lợi ích nào đó. Tôi nói thẳng đầu tư vào bóng đá ở ta chưa có lời, nếu không muốn nói là lỗ, lỗ nặng.

* Nhưng dù lỗ thế tại sao ông vẫn nồng nhiệt tài trợ cho nhiều đội bóng như thế?

- Bóng đá là cầu nối kết giao với nhiều thứ, nhiều mối ràng buộc không dễ gì diễn đạt. Tôi tài trợ cho một số đội bóng, vì cái ân tình, vì cơ duyên, tất nhiên vì trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng.


Bầu Hiển được các cầu thủ SHB Đà Nẵng "tung hứng" sau khi vô địch Cúp QG năm 2009 ngay tại Hàng Đẫy

Nên nhớ, chúng tôi dành ngân sách không nhỏ cho hoạt động xã hội. Ví dụ Báo Thể thao & Văn hóa, khi gợi ý giá trị, mục đích, ý nghĩa của giải thưởng Âm nhạc Cống hiến,  của Giải thưởng Chung tay cùng thể thao Việt Nam chinh phục ASIAN Games, ASIAN Para Games 2014, tôi đã nhất trí tài trợ ngay.

Hay đưa Man xanh, sắp tới là Barcelona sang Mỹ Đình, tất cả cũng vì khán giả, tôi muốn góp phần thúc đẩy vị thế của BĐVN ở khu vực.

Nếu tôi cùng các cộng sự không nỗ lực, chắc chắn những đội bóng mà chúng tôi đang tài trợ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn nhất là khán giả. Một địa phương không có đội bóng đỉnh cao, hoặc có nhưng tồn tại lay lắt, buồn lắm bạn ạ.

Các đội bóng cần nói không với tiêu cực

* Ông có đặt ra cho mình những nguyên tắc ứng xử ở lĩnh vực bóng đá?

- Tôi có những nguyên tắc như sau:

Chú trọng đầu tiên là khâu quản trị. Đội bóng phải được quản trị tốt, nhất là quản trị nhân sự, chính sách, tầm nhìn chiến lược.

Bất cứ người tài nào nếu được tiến cử, tôi đều cố gắng mời họ về làm việc. Hiện tại nhiều gương mặt nổi bật của bóng đá Việt Nam xưa và nay đang hợp tác với tôi. Ngoài ra, luôn tạo điều kiện để các HLV trẻ có đất để phát triển. Ví dụ Đức Thắng, Minh Đức, Chu Đình Nghiêm… đều được tin tưởng trao việc.

Nói không với tiêu cực. Tôi xác định, bóng đá Việt Nam đã trả giá quá đắt vì các dạng thức tiêu cực, nên dứt khoát phải thoát ra khỏi vòng kim cô đó. Các đội bóng tôi tài trợ, cầu thủ, nếu có điều tiếng tiêu cực, nếu vi phạm tiêu cực, tôi sẽ không bao giờ dung thứ.

Có lúc khó khăn lắm, tôi từng nhận được tham mưu tại sao không ứng biến thành tích có lợi khi các đội tôi tài trợ đối đầu nhau, nhưng tôi đều phê bình thẳng thừng. Còn làm bóng đá,tôi thề sẽ không bao giờ chơi thứ bóng đá lem nhem, xấu xí để đạt thành tích nhất thời. các đội tôi tài trợ gặp nhau đều đá quyết liệt, đội nào thắng tôi đều vui và tưởng thưởng. Tôi có thể ngẩng cao đầu khi nói lên điều đó, thực tế đã chứng minh tôi không nói cho sướng miệng.

Ngoài ra, xây dựng bản sắc, chú trọng bóng đá trẻ, chơi thứ bóng đá cống hiến khán giả…, đấy cũng là những nguyên tắc của tôi.

* Khán giả Quảng Nam, Đà Nẵng đã rất tuyệt vời rồi. Nhưng khán giả Thủ đô vẫn còn hờ hững với HN T&T, khán giả TP HCM thì vẫn còn đang phải chờ đợi. Ông có cách nào để khán giả hai thành phố lớn nhất nước hiểu được nỗ lực của bản thân?

- Tình yêu sẽ tự tìm đến nhau. Tôi biết tiền bạc hay các chiêu thức truyền thông cũng không mấy tác dụng, nếu như đội bóng không phát triển một cách tử tế.

Khán giả mỗi nơi mỗi khác, cũng như cô gái miền Trung khác miền Bắc, miền Nam. Tôi sẽ kiên nhẫn chờ đợi, đến lúc sự chân thành của tôi được ghi nhận.

Khán giả Quảng Nam và Đà Nẵng dễ chia sẻ với đội bóng lẫn cá nhân tôi, vì hai đội đã có tên tuổi từ lâu. HN T&T thì mới ra đời, lại cùng thành phố có mấy tên tuổi lẫy lừng nên khán giả phải mất nhiều năm mới “rung động” với HN T&T.

Hôm ngồi trên khán đài sân Thống Nhất xem Sài Gòn FC thi đấu, tâm trạng tôi vô cùng khó tả khi chứng kiến  sự quan tâm của lãnh đạo TP HCM, cùng khán giả. Họ đến cổ vũ rất vô tư, cuồng nhiệt cho Sài Gòn FC. Rõ ràng họ có nhu cầu cổ vũ cho bóng đá thành phố, vấn đề là lâu lắm rồi bóng đá nơi đây còn phát triển chưa mạnh mẽ, chưa quyến rũ.

Sài Gòn FC đang được đầu tư rất mạnh, dài hơi, lãnh đạo quan tâm, máu mê bóng đá, chắc chắn từ mùa giải sang năm họ sẽ là ứng cử viên nặng ký đấy!

Bóng đá Việt Nam vẫn đang giẫm chân tại chỗ

* Xem V-League giờ khá chán. Ông có giải pháp gì để giải chuyên nghiệp được cải thiện hơn?

- Giải muốn tốt thì chắc chắn năng lực điều hành, tổ chức giải phải được cải thiện. Lịch thi đấu phải khoa học. Trọng tài cần công tâm, tôn trọng luật tuyệt đối. Xử lý kỷ luật cần nhất quán, nghiêm khắc, không có chuyện “bên trọng, bên khinh” hay giơ cao đánh khẽ.

Khoảng lặng của bầu Hiển

Khoảng lặng của bầu Hiển

Thời gian qua, bầu Hiển khá im lặng ở lĩnh vực bóng đá, ngoại trừ trường hợp ra thông điệp sẽ đưa Barcelona sang Việt Nam sớm nhất.


Còn lãnh đạo các đội bóng cần là những tâm gương trong hành xử, phát ngôn để cầu thủ noi theo. Mặt khác, vai trò quản lý, giáo dục cầu thủ của lãnh đạo CLB phải đậm đặc hơn nữa.

Nói chung cần một sự phối hợp chuyên nghiệp có hệ thống từ trên xuống dưới. Cũng không nên đặt nặng thành tích quá, sẽ dễ làm lệch lạc động cơ thi đấu.

* Theo ông, bóng đá ta đang ở đâu trong khu vực Đông Nam Á?

- Chúng ta vẫn là chúng ta của 20 năm về trước, của những ngày mới hòa nhập thôi. Cần nhìn nhận rõ như thế thì mới thay đổi được. Chất lượng cầu thủ chúng ta chưa tốt, chất lượng V-League vẫn không thay đổi nhiều, trong khi thành tích ĐTQG và U23 vẫn giẫm chân tại chỗ.

Theo tôi không nên đặt thành tích vô địch bằng mọi giá. Cứ làm lại bóng đá trẻ thật tử tế, cứ cố gắng cải thiện giải chuyên nghiệp đi, VFF cần được nâng tầm, mọi thứ sẽ ổn.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nam Giao (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...