loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Cái chết của thủ môn người Indonesia Choirul Huda thuộc CLB Persela sau một pha va chạm kinh hoàng với đồng đội Ramon Rodrigues mới đây tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo tới giới cầu thủ - Hãy biết giữ gìn đôi chân, thậm chí là cả tính mạng cho chính bản thân và đồng nghiệp.
“Trả giá” bằng mạng sống
Trong lịch sử bóng đá thế giới từng chứng kiến không ít những bi kịch khi cầu thủ thiệt mạng sau những pha va chạm. Mới đây, thủ môn Choirul Huda của CLB Persela Lamongan đã qua đời sau một pha va chạm kinh hoàng với đồng đội tại giải đầu hàng đầu Indonesia Liga 1 vào ngày Chủ nhật (15/10). Theo tờ Surya, đó là tình huống mà thủ môn 38 tuổi băng ra để cản phá một pha tấn công của đối phương. Cùng lúc đó, hậu vệ Rodrigues cũng lui về hỗ trợ phòng ngự khiến cả hai va chạm rất mạnh.
Sau pha va chạm, Huda vẫn còn tỉnh táo, anh ôm lấy cằm và tỏ ra rất đau đớn. Tuy nhiên, tình hình nhanh chóng chuyển biến xấu đi. Đội ngũ y tế trên sân nhanh chóng chuyển Huda đến bệnh viện đa khoa ở Lamongan. Tuy nhiên, đến 5 giờ chiều theo giờ địa phương thì các bác sĩ cho biết anh đã qua đời.
Thủ môn Choirul Huda của Persela Lamongan đã qua đời sau một pha va chạm kinh hoàng với đồng đội tại giải đấu Liga 1 vào Chủ Nhật (15/10) vừa qua.
Trước đó, năm 2004, cầu thủ Cristiano Junior là một trong những ngôi sao sáng giá nhất ở giải VĐQG Ấn Độ ở thời điểm gặp nạn. Junior gục ngã sau pha va chạm với thủ môn Subrata Paul bên phía Mohun Bagan trong trận chung kết Federations Cup 2004. Sự thiếu vắng các bác sĩ trên sân hôm đó được xem là một phần nguyên nhân khiến Junior thiệt mạng, dù cầu thủ này được kết luận là qua đời do trụy tim.
Tháng 8/2001, thủ môn CLB CSKA Moscow, Serhiy Perkhun rời vào tình trạng hôn mê và qua đời sau đó vì đã va chạm mạnh với một cầu thủ đối phương.
Tháng 3/2009, Jumadi Abdi - cầu thủ thuộc biên chế PKT Bontang qua đời sau khi bị phạm lỗi bởi hậu vệ Deny Tarkas bên phía Persela. Abdi đã lãnh trọn cú đá của Tarkas vào bụng và bị tổn thương ở phần ruột. Cầu thủ trẻ của Indonesia mất sau đó 8 ngày bởi chấn thương quá nghiêm trọng.
V-League cũng đầy rẫy bạo lực
Bạo lực sân cỏ được xem là vấn nạn của bóng đá Việt Nam. Dù chưa có cầu thủ nào thiệt mạng sau những tình huống va chạm trên sân nhưng việc đổ máu, bất tỉnh, gãy chân không còn là chuyện hiếm.
Thêm một lần nữa, Quảng Nam lại không thể vượt qua chính mình để chiếm lấy ngôi đầu bảng. Nói như HLV Trần Bình Sự thì Quảng Nam thiếu khá nhiều yếu tố để trở thành ứng viên nặng ký cho chức vô địch.
Tại vòng 20 V-League 2017, sau pha tranh chấp bóng với hậu vệ Xuân Luân bên phía B.Bình Dương, trung vệ Thiago (Quảng Nam FC) đã nhập viện ngay lập tức để tiến hành phẫu thuật. Theo những chẩn đoán ban đầu, Thiago bị gãy sống mũi và sẽ phải nghỉ thi đấu trong thời gian dài.
Hẳn nhiều người chưa thể quên, cú song phi của Quế Ngọc Hải (SLNA) vào chân của Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) ở vòng 25 V-League 2015. Hậu quả là cầu thủ của SHB Đà Nẵng chấn thương nặng và phải nói lời giã từ sự nghiệp quần đùi áo số khi đang ở độ chín của sự nghiệp. Với tính chất nghiêm trọng của hành vi chơi bóng bạo lực, Ban Kỷ luật VFF sau khi xem xét kỹ băng ghi hình đã quyết định treo giò Quế Ngọc Hải 6 tháng, phạt 15 triệu đồng và bồi thường toàn bộ chi phí chữa trị cho Anh Khoa.
Tiền vệ Trần Anh Khoa chính thức giải nghệ và được SHB Đà Nẵng tạo điều kiện đi học bằng HLV để về làm công tác đào tạo trẻ.
Trước đó, mùa V-League 2014, Anh Hùng (HVAn Giang) đã gặp chấn thương kinh hoàng trong chuyến trở về quê nhà đối đầu với đội bóng quê hương SLNA. Sau pha vào bóng thô bạo của Đình Đồng, Anh Hùng được đưa thẳng tới Bệnh viện Nghệ An cấp cứu trong tình trạng gãy xương ống chân phải. Cũng ở mùa giải năm đó, cầu thủ Đinh Văn Ta (V.Ninh Bình) có pha “kung-fu” làm rạn xương sườn Danny của ĐTLA khiến anh này bất tỉnh và được chuyển thẳng lên xe cứu thương tới bệnh viện.
Rồi trong trận đấu lượt đi giữa Hà Nội T&T và SLNA tại V-League 2012, hậu vệ Huy Hoàng (SLNA) đã có pha vào bóng bằng cả hai chân rất nguy hiểm đối với Samson. Tuy nhiên, Samson đã nhanh chóng nhấc chân tránh được pha va chạm và không quên tặng cho Huy Hoàng cú đạp bằng gầm giày vào đầu khiến trung vệ của SLNA bất tỉnh và phải đến bệnh viện cấp cứu.
Nhắc lại để mong rằng, đừng để đến một ngày, trên sân cỏ Việt xảy ra bi kịch, do những pha bóng triệt hạ phi nhân tính.
2. HAGL và CLB Sanna Khánh Hòa là 2 đội bóng đang phải nhận nhiều thẻ đỏ nhất V-League 2017.
24. Có 24 thẻ đỏ được rút ra sau 21 vòng đấu V-League 2017 (trung bình: 0,16 thẻ/trận)
514. tổng số thẻ vàng là 514 thẻ (trung bình: 3,5 thẻ/trận) sau 21 vòng đấu V-League 2017.
|
Mạnh Đức
loading...