Bao giờ trọng tài Việt Nam 'chịu lớn'?
Điều khiển chính trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Malaysia là trọng tài người Sri Lanka, ông Hettikamkanamge Perera. Tại vòng bảng VCK U23 châu Á 2022, ông Perera còn bắt chính trận đấu giữa UAE và Nhật Bản (bảng D).
Trong một diễn biến khác, người láng giềng của chúng ta là Thái Lan cũng đóng góp ít nhất một vị vua áo đen, ông Mongkolchai Pechsri, điều hành trận Tajikistan - UAE. Tìm đỏ con mắt, không thấy bóng dáng một trọng tài hay trợ lý nào người Việt Nam, tại các giải đấu tầm châu lục. Ngay cả VCK U23 châu Á còn không có, thì mong mỏi gì ở một kỳ AFC Asian Cup hay các trận đấu thuộc Vòng loại FIFA World Cup?!
"Dưới con mắt của "người ta", trọng tài mình chưa đủ tuổi. Họ (các trọng tài đến từ những nền bóng đá thậm chí còn thấp hơn Việt Nam) đã ở đó từ lâu, còn chúng ta từ lâu chưa có", ông Đoàn Phú Tấn, cựu Uỷ viên Ban Trọng tài (thuộc VFF), giảng viên các lớp trọng tài và là một người thầy đáng kính của rất nhiều thế hệ "vua áo đen" ở Việt Nam, chia sẻ với Thể thao & Văn hoá.
"Người ta" ở đây chính là các tổ chức trọng tài quốc tế thuộc AFC và cao hơn là FIFA. Theo ông Tấn, trọng tài Việt Nam chỉ dùng được ở Đông Nam Á và hết.
Lật giở lại, bảng B môn bóng đá nam SEA Games 31, chủ nhà Việt Nam cũng chỉ đóng góp một trọng tài và một trợ lý. Đó là Ngô Duy Lân và Trung Hậu, với quỹ trận đấu khá khiêm tốn. Ngay giải đấu trẻ cấp khu vực trên sân nhà, các vị vua đến từ Ấn Độ, Maldives, Syria hay Sri Lanka, thường xuyên vào vai kép chính, với tiền công 200 USD/người/ngày (khoảng hơn 4 triệu đồng). Bóng đá Ấn Độ, Sri Lanka, Syria hay Maldives ở đâu so với Việt Nam?! Rõ ràng, ngay trên sân nhà chúng ta đã đánh mất lợi thế, thì còn vọng đâu xa?
Vấn đề đặt ra ở đây là, FIFA và AFC không tin tưởng đội ngũ cầm cân nảy mực người Việt hay, trình độ - chất lượng "vua áo đen" của Việt Nam không đủ dùng cho các trận đấu - giải đấu quốc tế?! Có lẽ là cả 2.
Hiện có khoảng 3 trọng tài và vài trợ lý người Việt Nam được giới thiệu, đăng ký suất FIFA năm 2022, trong đó có Hoàng Ngọc Hà (Hà Nội), Ngô Duy Lân (Long An), Nguyễn Mạnh Hải (Hải Phòng)... Nhưng, người ta không thể nhớ trận đấu quốc tế ở giải chính thức cuối cùng, một trọng tài người Việt Nam được chọn là khi nào. Trận giao hữu giữa Việt Nam và Afghanistan mới đây (thuộc FIFA Days), về lý mà nói, trọng tài Ngô Duy Lân không được phép cầm còi.
Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo, tập huấn nâng cấp nghiệp vụ cho trọng tài của Việt Nam khá lơ là. "Chúng tôi thực sự thiếu đầu vào, bởi người trẻ bây giờ, bao gồm cả sinh viên các trường chuyên sâu Thể thao, cũng như cựu VĐV) không thích nghề trọng tài nữa", ông Hoàng Ngọc Tuấn, cựu trọng tài và là người chịu trách nhiệm trực tiếp về đào tạo, quản lý và phân công trọng tài của Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) chia sẻ.
Chúng ta thậm chí không ít lần phải thuê "vua áo đen" ngoại, để tham gia điều khiển một số trận đấu ở V-League, khi trọng tài nội mắc quá nhiều sai số, đánh mất uy tín. Ngoài ra còn các vấn đề liên quan đến "dây nhợ", quân anh - quân tôi giữa "vua áo đen" và "thái thượng hoàng" (tức Trưởng/Phó Ban Trọng tài và các Uỷ viên), vốn dĩ đã tồn tại từ rất lâu rồi. Luật im lặng (omerta) được bảo lưu và "ngoan thì mới có quà", mới được phân công làm nhiệm vụ.
Sự phát triển, nâng cấp của bóng đá Việt Nam các cấp độ ĐTQG, cũng như hệ thống giải chuyên nghiệp Việt Nam, từ nửa thập niên qua, thật ngạc nhiên khi lại không thể đồng bộ với nâng cấp - phát triển đội ngũ cầm cân nảy mực, mắt xích quan trọng bậc nhất của bóng đá. Đó thực sự là một bất cập, nhưng hỏi mà như đã trả lời!
CCKM