loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Vòng loại World Cup 2022 phải tới tháng 3 sang năm mới diễn ra, liền sau đó là AFF Cup nhưng không vì thế mà HLV Park Hang Seo cùng các cầu thủ đội tuyển Việt Nam không bị áp lực, ngay từ đợt tập trung trong những ngày tháng 12 tới đây.
Việc HLV Park Hang Seo gọi Tấn Trường lên ĐTQG sau 7 năm thủ thành gốc Đồng Tháp vắng bóng ở tập thể này là thông điệp cho biết cánh cửa đội tuyển luôn rộng mở cho bất cứ ai và bất cứ khi nào.
37 cầu thủ đã được HLV Park Hang Seo điền tên vào danh sách tập trung ĐTQG Việt Nam tại Hà Nội, góp mặt trong 2 trận giao hữu với đội U22 Việt Nam. Không tính đến các trường hợp còn gây băn khoăn như Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc hay sự vắng mặt của thủ môn Đặng Văn Lâm do vướng lịch thi đấu Thai League và dịch bệnh Covid-19, về cơ bản, đây đã là những gương mặt tốt nhất của bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại, được sàng lọc qua V-League.
Nhưng sự xuất hiện trở lại của cựu binh Tấn Trường, Văn Quyết, tài năng trẻ Hai Long, thậm chí cả Văn Triền, Văn Việt... những cái tên hoàn toàn mới đã tạo nên một cuộc cạnh tranh thú vị, so kè nhau với mong muốn trụ lại đội tuyển trong các lần tập trung kế tiếp, thậm chí mơ về một suất đá chính trong đội hình mà HLV Park Hang Seo muốn làm mới.
Với đội hình có nhiều thay đổi, số lượng cầu thủ cũng vượt qua con số 27, 28 hay 30 như những đợt tập trung thông thường như trước đây, khối lượng công việc với HLV Park Hang Seo cùng các trợ lý sẽ nhiều hơn.
Đó là chưa kể cũng trong tháng 12, đội tuyển U22 Việt Nam cũng sẽ tập trung trở lại, việc san sẻ, phân bổ công việc đối với các thành viên trong BHL của đội tuyển Việt Nam là không tránh khỏi. Nói áp lực với HLV Park Hang Seo cũng là vì thế.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, đội tuyển Việt Nam không thể có những trận giao hữu quốc tế với một đối thủ trong khu vực. Nhưng có còn hơn không, 2 cuộc đấu nội bộ với đội tuyển U22 ít nhiều cũng giúp HLV Park Hang Seo nhìn nhận phần nào năng lực hiện có, khả năng thích nghi, hòa hợp với lối chơi của đội tuyển của cả những cầu thủ mới cũng như các trường hợp vốn đã quen với triết lý ấy gần 3 năm qua.
Vấn đề là trong khoảng thời gian chừng 20 ngày của đợt tập trung lần này, ngoài vấn đề tìm ra sự gắn kết giữa 2 lớp cầu thủ cũ và mới ở đội tuyển, HLV Park Hang Seo đồng thời còn phải từng bước áp dụng chiến thuật mới hay chí ít là một số điều chỉnh nhỏ để giúp đội tuyển tránh bị bắt bài khi vòng loại World Cup 2022 hay AFF Cup thi đấu trở lại trong điều kiện cho phép.
Trong những lần trao đổi với báo chí trước đây, sau chức vô địch AFF Cup 2018 hay thành tích lọt vào tứ kết ASIAN Cup 2019, đã hơn 1 lần HLV Park Hang Seo hé lộ mong muốn này của mình và đó cũng là điều hết sức bình thường với bất kỳ HLV trưởng nào.
Sau những giai đoạn thăng hoa, đạt đến sự ổn định và thành công đáng kể về mặt danh hiệu, đội tuyển Việt Nam cũng như bất kỳ đội bóng nào khác cũng đều muốn tìm tòi, phát triển thêm những điểm mới cả trong lối chơi lẫn con người để còn khiến các đối thủ bất ngờ mỗi khi gặp lại.
Mong muốn là vậy, lý thuyết là như thế nhưng trong thực tế, với đội tuyển Việt Nam và cá nhân HLV trưởng Park Hang Seo không có điều gì là dễ dàng. Dù mới chỉ là đợt tập trung đầu tiên trong năm 2020, bài test chỉ là 2 trận đấu nội bộ nhưng vẫn có những bài toán cần HLV Park Hang Seo hóa giải, các mục tiêu mà ông và các học trò phải thực hiện.
Nếu những mục tiêu ấy không đạt được ngay từ đợt tập trung này thì khi bước vào giải đấu chính thức với các trận đấu quyết định tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, chiến dịch bảo vệ chức vô địch AFF Cup hay nếu có thể là cả vòng loại thứ 3 của World Cup, khó khăn, thách thức với thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ không hề nhỏ.
2 năm sau khi đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, đã có quá nhiều thay đổi, các ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 mang đến vô vàn áp lực cho các thành viên đội tuyển Việt Nam. Nhưng để thành công, không còn cách nào khác, HLV Park Hang Seo cũng như các cầu thủ phải tìm cách vượt qua áp lực, dù lớn hay nhỏ.
Lâm Chi
loading...