loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/3/2013, "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” chính thức được Chính phủ phê duyệt và tới đây, theo kế hoạch, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch sẽ tiến hành sơ kết 4 năm thực hiện chiến lược này. Sau 4 năm, chúng ta sẽ cùng nhìn lại chặng đường phát triển của sân cỏ Việt Nam.
Trước hết phải khẳng định rằng Việt Nam là một trong những quốc gia mà Chính phủ quan tâm đến việc phát triển bóng đá, xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo quần chúng đam mê, yêu thích bóng đá. Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là minh chứng cho sự quan tâm lớn đó.
Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã có Chỉ thị 97/CT-BVHTTDL ngày 13/5/2013 để triển khai thực hiện chiến lược này của Chính phủ. Bóng đá được xác định “là công cụ hữu hiệu để góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế”.
Từ mục tiêu...
Mục tiêu chính giai đoạn 2012-2020 của bóng đá Việt Nam theo chiến lược đề ra, đó là: Đội tuyển quốc gia nam và U23 nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games (từ 1 - 2 lần); Bóng đá nam đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á; Bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia mạnh khu vực châu Á.
Hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia, bao gồm: Giải vô địch quốc gia (V- League), Giải hạng Nhất, Giải Cúp quốc gia, Giải siêu Cúp quốc gia, Cúp Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Giải hạng Nhì quốc gia, Giải hạng Ba quốc gia, các giải trẻ quốc gia (U21, U18, U15, U13, U11), giải bóng đá nữ, giải Futsal và giải bóng đá bãi biển.
Số lượng CLB bóng đá phong trào năm 2020 đạt tối thiểu 7.500 CLB. Số lượng VĐV trẻ (U11- U18) được đào tạo tập trung đạt từ trên 4.000 VĐV/năm. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có từ 10-15 cán bộ tham gia Ban chấp hành và các ban chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC); có ít nhất 10 trọng tài chính, 20 trợ lý trọng tài đạt tiêu chuẩn trọng tài FIFA.
Đó là những mục tiêu lớn được đặt ra. Tuy nhiên, tới thời điểm này, dường như vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Chính người trong cuộc là Trưởng ban Chiến lược Phạm Ngọc Viễn tiết lộ sau bốn năm, chưa có đề án nào triển khai vì không có bộ phận thực hiện. Vì thế, ba dự án quan trọng là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bóng đá 2016-2020; mục tiêu Top 10 châu Á; phát triển bóng đá học đường vẫn... nằm trên giấy.
Mặc dù còn 3 năm nữa mới hết cột mốc thời gian giai đoạn 2012-2020 nhưng có thể nói, ngoài các chỉ tiêu hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia, tổ chức các giải trẻ giải bóng đá nữ, giải Futsal, các mục tiêu còn lại khó có thể thực hiện được.
Điểm sáng là sự phát triển phong trào futsal và của đội tuyển futsal, sự hồi sinh của bóng đá nữ. Nhưng ở chiều ngược lại, thành tích của đội tuyển quốc gia nam và U23 nam đang có dấu hiệu thụt lùi trong vài năm gần đây.
... đến thực tế
Một thực tế đáng buồn là bóng đá vẫn là môn thể thao rất được công chúng quan tâm, nhưng bóng đá đỉnh cao không còn thu hút người xem. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là từ công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tế, các CLB đơn thuần là “hộ chuyên chi”, phụ thuộc vào nguồn tài trợ của 1-2 ông bầu. Trọng tài, HLV và cầu thủ không sống được bằng tiền làm ra từ bóng đá nên dễ nảy sinh tiêu cực. Cơ chế quản lý còn bất cập khiến các CLB đang gặp khó khăn về nhiều mặt như tài chính, sân bãi, các tuyến đào tạo.
Khác với U23 Myanmar tới giải theo kiểu "vô thưởng vô phạt" vì không được dự VCK U23 châu Á, U23 Uzbekistan đến Thái Lan để chuẩn bị cho giải đấu trẻ của châu lục...
Đặc biệt là bệnh thành tích, thiếu tư duy và tầm nhìn dài hạn của chính những người làm bóng đá khiến không tạo được những bước phát triển đột phá.
Rồi đã 17 năm làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng V-League vẫn chỉ là giải đấu quốc gia có cầu thủ ngoại tham gia, đang dần vắng đi khán giả bởi nạn bạo lực, nghi vấn tiêu cực và cả sự thao túng của các ông bầu...
Đó thực tế cần phải được nhìn nhận thẳng thắn, mổ xẻ thấu đáo mới có thể giúp bóng đá Việt Nam đạt được những mục tiêu mà chiến lược đã đề ra.
1. Kể từ năm 1991 khi hội nhập trở lại với bóng đá quốc tế đến nay, bóng đá Việt Nam mới chỉ 1 lần vô địch AFF Cup 2008.
8. Với thành tích vào đến tứ kết ASIAN Cup 2007, đội tuyển Việt Nam khi đó có mặt trong số 8 đội tuyển xuất sắc nhất châu lục.
4. Theo các chuyên gia, tại khu vực Đông Nam Á hiện tại, bóng đá Việt Nam chỉ nằm trong tốp 4 đội hàng đầu.
|
Đông Hùng
loading...