Bóng đá Việt Nam và 'nỗi ám ảnh' trở về
Ngày 26/2/2010, khi cơ quan điều tra có quyết định cuối cùng về cái chết của tiền đạo người Argentina, Molina, là do sốc ma túy, cả làng túc cầu nội đều bàng hoàng. "Siêu quậy" Molina khi ấy mới chuyển về đầu quân cho B.Bình Dương, sau quãng thời gian tốt đẹp trong màu áo SHB Đà Nẵng.
"Tôi biết cậu ấy gặp vấn đề về tâm lý, khi sống xa gia đình nửa vòng trái đất. Có rất nhiều cầu thủ người nước ngoài rơi vào trạng thái này và thậm chí còn bị trầm cảm. Nhưng, anh đừng ngạc nhiên khi tôi tiết lộ điều này. Họ bị chính các cầu thủ - đồng đội người bản địa, đưa vào con đường ma túy đấy", Tshamala Kabanga, cựu tiền đạo của CLB GĐT Long An, tiết lộ.
Thể thao & Văn hóa đã có bài phỏng vấn chân sút của Long An ngay sau cái chết của Molina và thực sự khá sửng sốt. Kabanga không ngần ngại kể từ chi tiết các chuyến đi bar, thuê phòng riêng và bay lắc với kẹo, ke (một loại ma túy tổng hợp, gọi là thuốc lắc dạng viên màu trắng, chơi trên nền nhạc đập, gọi là nhạc nện). Cứ sau mỗi trận đấu ở Long An, Bình Dương hay TP.HCM, các quán bar hạng A như Shadow, Gossip..., lại chẳng đầy những khách quen VIP, với cả đĩa viên vitamin B12 trên bàn, kèm theo rượu nặng.
"Một số thậm chí đã chuyển qua chích và tôi biết, có cầu thủ đã qua đời ở quê nhà châu Phi, vì căn bệnh AIDS, do bị phơi nhiễm virus HIV, trong khoảng thời gian thi đấu ở Việt Nam", vẫn lời Tshamala Kabanga.
Cho đến nay, người ta vẫn không tiện nhắc lại cái chết của một cựu trung vệ ĐTQG được cho là do phơi nhiễm HIV ở giai đoạn cuối. Đó cũng chính là uẩn khúc khiến cầu thủ này xin rút khỏi ĐTQG khi ấy đang tập trung tại Thành Long, chuẩn bị cho AFF Cup 2008, giải đấu mà bóng đá Việt Nam đã lần đầu lên ngôi vô địch Đông Nam Á.
Việc 5 cầu thủ của HL Hà Tĩnh vừa bị cơ quan công an bắt, khi đang sử dụng ma túy trong phòng một khách sạn, thực ra, chỉ là phần nổi của tảng băng. Ngay hôm Chủ nhật (5/5), tức là chưa đầy 24 giờ sau trận đấu với Quảng Nam kết thúc, Thể thao & Văn hóa đã có thông tin này. Dù thua trận, nhưng nhóm cầu thủ HL Hà Tĩnh vẫn bày tiệc ăn mừng và cái kết đắng ngắt.
Chúng ta hẳn còn nhớ chi tiết, khi trợ lý của CLB Quảng Nam gõ cửa phòng một tiền đạo trẻ đang lên để gọi dậy đi tập thì cầu thủ này còn đang trong trạng thái lơ lửng trên không trung. Và đó mới là nguyên nhân sâu xa khiến tiền đạo này sau đó bị kỷ luật nội bộ, mất phong độ, bị CLB khác từ chối ký hợp đồng chuyển nhượng..., chứ chẳng phải làm giá gì cho cam.
Ở Ninh Bình 15 năm trước, bồn tắm trong toa lét được dùng để... nuôi vịt, cửa phòng của cầu thủ luôn chốt trong, khóa kín mít và khi mở ra, không khác gì lò bát quái "bắt yêu". Rất nhiều các cầu thủ đã thân tàn ma dại khi kinh qua đất Ninh "Buồn", thậm chí một số gần chục cầu thủ năm 2014 đã phải đi tù, vì bán độ trong các trận đấu tại AFC Cup. Đội bóng Ninh Bình sau đó đã xóa sổ.
Bóng đá Việt Nam đang phải chịu các thảm họa kép như nạn dàn xếp tỷ số (cá độ) và chất cấm được sử dụng bừa bãi, trong một đội ngũ đáng kể các cầu thủ, thậm chí cả lãnh đạo đội. Không chỉ có bóng đá chuyên nghiệp, mà nó còn nặng hơn ở các giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp (vốn ít bị để ý) và cả bóng đá phong trào.
"Chơi thứ đó vào thì các nó (ý nói cầu thủ) đá bóng hay hơn à, mà sao lắm người thích thế. Cả sự nghiệp đầy vinh quang, đến giờ thì mất tất cả", một ý kiến trên mạng xã hội. Không nói ra, thì hẳn cũng biết sự xót xa ấy nhằm vào ai.
Thực ra, không phải đến bây giờ cầu thủ mới chơi, mới bặp. Mà từ rất lâu rồi, chỉ là có thành án hay không mà thôi. Chúng ta hẳn vẫn chưa quên vụ ở vũ trường New Century, Hà Nội?!
Thậm chí, nhiều người liều lĩnh đến độ, trả án xong rồi lại chơi, lại vẫn ngựa quen đường cũ, với bóng bánh, cá độ và bay lắc!
Cơ thể nền bóng đá cần phải được đại tu, chứ sập xệ lắm rồi. Chỉ là bắt đầu từ đâu và như thế nào, thì ít thấy nhà làm bóng đá nào đưa kiến giải!