Bóng đá Việt Nam: Trong sóng dữ, ai vững tay chèo?
Bóng đá Việt Nam đang ở điểm cực thấp nếu so với thời đỉnh cao 2018-2019, nhưng thật may (hoặc là không may), đây chưa phải là điểm thấp nhất, ít nhất là xét về thứ hạng FIFA và tính ổn định của V-League so với các giai đoạn tồi tệ trước đây. Nhưng sự thật là bóng đá Việt Nam đang đối diện với những con sóng dữ và hơn lúc nào hết, cần có những tay chèo vững.
1. Có một cảm giác "Déjà vu" (thuật ngữ khởi nguồn từ tiếng Pháp với ý nghĩa về điều đã từng xảy ra) khá rõ, khiến các CĐV lâu năm phải bối rối. Tình thế hiện tại gần giống hệt khoảng thời gian 2011-2012. Khi đó, HLV Henrique Calisto, người đưa đội tuyển Việt Nam lần đầu vô địch Đông Nam Á (2008), bất ngờ nói lời chia tay. Đội tuyển ở thời điểm đó cũng đang có một lứa cầu thủ rất tốt, nhưng có cảm giác họ đã đạt đến giới hạn. Cũng thời điểm đó, rộ lên những đòi hỏi sử dụng cầu thủ nhập tịch nhằm thúc đẩy đẳng cấp.
Thay cho ông Calisto, là Falko Goetz, người lúc đó được cho là có bằng cấp cao nhất từng làm việc ở đội tuyển Việt Nam. Chiến dịch đầu tiên cũng như kỳ vọng lớn nhất dành cho HLV người Đức này là tạo ra một thế hệ mới từ SEA Games 2011. Nhưng ở kỳ SEA Games đó, đội U23 trắng tay dù vào bán kết và ông Falko Goetz bị sa thải, thay bằng HLV nội là Phan Thanh Hùng cho chiến dịch AFF Cup 2012.
Thật trùng hợp. HLV Park Hang Seo bất ngờ thông báo chia tay với bóng đá Việt Nam dù phía VFF sẵn sàng gia hạn hợp đồng. Nguyên nhân thực sự thì không công khai, nhưng có vẻ như cũng tương tự ông Calisto, HLV Park cảm thấy mình có ở lại thêm nữa cũng không thể làm tốt hơn, trong khi áp lực phải tạo ra sự thay đổi thì quá lớn với các đòi hỏi từ công chúng.
Người thay ông, Phillippe Troussier, được đánh giá là có đẳng cấp cao nhất từng làm việc với đội tuyển, và cũng là một chuyên gia đến từ châu Âu như Falko Goetz trước đây. Ông thầy người Pháp cũng khởi đầu từ SEA Games, cũng để thua Indonesia ở bán kết và cũng gặp Myanmar trong trận tranh HCĐ. Lần này U22 Việt Nam không trắng tay, nhưng những kỳ vọng dành cho ông Troussier đã không được đáp ứng và một thời gian sau, nhà cầm quân người Pháp cũng bị ngưng hợp đồng trước thời hạn. Chỉ có điều lần này, VFF vẫn kiên định với HLV ngoại khi thuê ông Kim Sang Sik từ Hàn Quốc và một lần nữa, câu chuyện dùng cầu thủ nhập tịch lại được nhắc đến.
Đó là lý do mà có thể bóng đá Việt Nam hiện nay, ở cấp độ thành tích của các đội tuyển, chưa phải ở điểm thấp nhất. Giai đoạn 2012-2015, nền bóng đá của chúng ta còn lao dốc một cách toàn diện, từ thượng tầng quản lý đến cuộc khủng hoảng chất lượng V-League gần như không có lối thoát nào cho đến khi "Những đứa trẻ nhà bầu Đức" xuất hiện vào năm 2014.
2. Bạn nghĩ sao về những trùng hợp như vậy? Và liệu có phải đó là những dự báo bất an cho chặng đường sắp đến của HLV Kim Sang Sik, người đang chịu sức ép với 4 trận không thắng liên tiếp cùng phong cách chiến thuật mờ nhạt?
Bóng đá có tính chu kỳ và thông thường sẽ được đo lường theo "nhịp" 10 năm. Nếu nhìn nhận theo góc độ này, thì HLV họ Kim đơn giản là đến với bóng đá Việt Nam "không đúng lúc".
Mặc dù lứa cầu thủ tại Thường Châu 2018 vẫn còn trong độ tuổi đỉnh cao, nhưng 6 năm đã trôi qua, khối năng lượng của thời trai trẻ cũng không thể nào còn nguyên vẹn, trong khi việc tạo ra một thế hệ mới cũng phải theo chu kỳ, tức là vẫn chưa đủ thời gian để bóng đá Việt Nam có một thế hệ vàng kế tiếp. Đây là tính theo góc độ ổn thỏa, chứ không có gì bảo đảm cứ 10 năm sẽ có một lứa cầu thủ xuất chúng.
Thế nên vấn đề quan trọng nhất bây giờ, đó là chấp nhận hiện tại, với các thách thức không dễ giải quyết và cố gắng "vững tay chèo". Trong buổi làm việc mới đây cùng HLV Kim Sang Sik, phía VFF vẫn giữ mục tiêu sẽ vào chung kết ASEAN Cup (AFF Cup) 2024, một mục tiêu thực tế và không đơn giản. Nói cách khác, VFF vẫn đang giữ niềm tin nơi ông Kim.
Thực tế thì VFF cũng chẳng có chọn lựa nào khác. ASEAN Cup đã quá gần để tìm kiếm một sự thay đổi trên ghế HLV trưởng và bản thân HLV Kim Sang Sik vẫn đang nỗ lực trong công việc của mình.
Ở trận giao hữu mới đây với Ấn Độ, rất dễ nhận thấy là nhà cầm quân người Hàn Quốc vẫn đang thử nghiệm về nhân sự chứ gần như chưa hoàn thiện lối chơi. Việc triệu tập Văn Quyết, đưa anh vào trong thời điểm cần sự đột phá về thế trận, đã thể hiện sự vất vả của ông Kim với những gì mà ông đang tạm có trong tay.
Nhưng việc sử dụng Văn Quyết và có các diễn biến lạc quan hơn trong thời gian cầu thủ 33 tuổi này có mặt trên sân cũng là một gợi ý khá rõ ràng cho ông Kim: Đội tuyển Việt Nam cần một sự thay đổi về con người.
3. Hoàn cảnh của ông Kim Sang Sik có thể giống lúc ông Falko Goetz bị sa thải (2011), nhưng cũng có thể sẽ giống thời điểm mà ông Calisto tiếp nhận đội tuyển quốc gia sau khi HLV Alfred Riedl bị sa thải ở SEA Games 2007. Tức là vẫn có thể cứu vãn được nếu vững vàng bản lĩnh.
Trước AFF Cup 2008, đội của ông Calisto không thắng 10 trận liên tục, thậm chí, vào giải AFF Cup còn thua luôn cả Thái Lan ở trận đầu tiên. Cuộc hành trình của ông Kim có thể cũng sẽ không khác gì với tình hình hiện tại. Cũng như ông Calisto, mặc dù thành tích không khả quan, nhưng áp lực dành cho ông Kim không quá lớn khi mà ai cũng thấy chất lượng của đội tuyển đang đi xuống.
Một điểm cần ghi nhận khác, đó là ông Calisto và ông Kim đều đang cố gắng tận dụng những gì tốt nhất mà V-League trao cho họ. Trong lần triệu tập gần nhất, mặc dù có khá nhiều cựu binh từ thời của người đồng hương Park Hang Seo nhưng ông Kim Sang Sik vẫn cố gắng bổ sung 10 cầu thủ ở độ tuổi U23, những người đang có phong độ tốt tại V-League.
Từ "măng non" như Nguyễn Đình Bắc cho đến kỳ cựu như Nguyễn Văn Quyết, có vẻ ông Kim không muốn bỏ sót một ai có khả năng lên đội tuyển.
Nói cách khác, nếu có một góc nhìn cảm thông, thì HLV Kim Sang Sik vẫn đang làm tốt công việc của mình, đó là xây dựng một đội tuyển Việt Nam theo cách của ông. Các cầu thủ U23 vẫn được tạo cơ hội để chơi bóng cùng các đàn anh.
Sẽ không bất ngờ nếu tại ASEAN Cup 2024, ông Kim sẽ sử dụng nhiều hơn các cầu thủ trẻ. Thực tế thì ông vẫn đang còn nhiều thời gian để tìm thêm nhân tố mới, khi V-League đang bắt đầu vào giai đoạn sôi nổi nhất của mùa giải.
Có thể điều gì đó khác biệt vẫn chưa xảy ra, nhưng nếu hạ thấp những kỳ vọng, xem ASEAN Cup như mục tiêu thiết thực cần chinh phục thì HLV Kim Sang Sik không đáng phải nhận nhiều hoài nghi ở thời điểm này.
Công bằng mà nói, đây là lúc mà chúng ta cần chúc ông "vững tay chèo", vì những con sóng dữ vẫn còn ở phía trước.
VFF tiếp sức cho HLV Kim Sang Sik
Chiều 15/10, Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú đã đại diện Thường trực BCH VFF chủ trì cuộc họp với HLV trưởng Kim Sang Sik xoay quanh kế hoạch hoạt động trong giai đoạn chuẩn bị quan trọng sắp tới của ĐTQG, hướng tới ASEAN Cup 2024.
Tại cuộc họp, HLV trưởng Kim Sang Sik đã báo cáo về kết quả chuyên môn của đội tuyển qua 2 đợt tập trung và thi đấu giao hữu dịp FIFA Days tháng 9 và tháng 10 vừa qua, trong đó nêu rõ những khó khăn và thuận lợi của đội tuyển cũng như những vấn đề hạn chế cần khắc phục về nhân sự, lối chơi đã bộc lộ qua các trận đấu với đội tuyển Nga, đội tuyển Thái Lan và đội tuyển Ấn Độ.
Phó Chủ tịch Trần Anh Tú khẳng định VFF sẽ tiếp tục đảm bảo chương trình hoạt động của đội tuyển được vận hành theo kế hoạch đã đề ra. Theo đó đội tuyển sẽ tập trung tập huấn với quỹ thời gian dài hơn so với 2 đợt tập trung vừa qua và có đợt tập huấn, thi đấu giao hữu tại Hàn Quốc vào tháng 11 tới.