Bóng đá Việt Nam: Trách tại con đường
HLV Lê Huỳnh Đức đã phản ứng rất dữ dội, vì bàn thắng rõ như mười mươi bị từ chối trên sân Hòa Xuân ở trận đấu giữa Quảng Nam và B.Bình Dương, nhưng không thay đổi được kết quả.. Trận đấu không có VAR và cũng chẳng có công nghệ Goal-line nào cả. Đấy chính là biểu hiện rõ nhất cho vấn đề trọng tài của bóng đá Việt Nam.
Sau rất nhiều những hệ lụy, các CLB đã đồng loạt lên tiếng và điều đó gây khó khăn cho công tác phân công trọng tài ở vòng đấu tới. Ban Trọng tài đã và đang đứng trước những ca khó thực sự. Việc thuê mướn trọng tài ngoại thực ra chỉ giải quyết được bề nổi.
Cuộc khủng hoảng thiếu trọng tài Việt Nam đã kéo dài từ nhiều năm nay. Nó bắt đầu từ khâu đào tạo, cho đến nhiều vấn đề rắc rối khác nữa ở hậu trường.
Không chỉ chất lượng đào tạo trọng tài xuống cấp, mà ngay cả đào tạo cầu thủ cũng đi xuống. Chuyên gia bóng đá trẻ Hoàng Anh Tuấn cũng thừa nhận điều này. "Đã lên bao giờ đâu mà nói xuống. Cầu thủ trẻ mà phút 65 đã biểu hiện chuột rút rồi, thì đi đến đâu", ông Tuấn nói. Lỗi tại con đường, tại thầy mà ra cả.
Tại SEA Games 2022 trên sân nhà, ngoài trọng tài Ngô Duy Lân và một số trọng tài bóng đá nữ, không còn ai kiếm được suất. Đến SEA Games 2023 Campuchia, trọng tài Việt Nam còn khiêm tốn hơn về số lượng. AFF Cup thì gần như sạch bóng.
Vị thế của trọng tài Việt Nam ngay ở khu vực, còn thua thiệt, lép vế, nói gì đến đấu trường châu lục hay thế giới. Trong nhiều năm nay, tại VCK U23 châu Á, ASIAD hay Asian Cup, Vòng loại FIFA World Cup..., không hề thấy bóng dáng các trọng tài hay ít nhất là trợ lý trọng tài người Việt Nam. Ngô Duy Lân là cái tên cuối cùng từng được cất nhắc, song dường như cũng lâu lắm rồi.
Nhắc lại thời Võ Minh Trí, Lương Thế Tài, Đặng Thanh Hạ..., các trọng tài Việt Nam thực sự có vai trò nhất định trên trường khu vực và châu lục. Nhưng, điều đó không kéo dài quá lâu.
Khởi thủy của các vấn đề dẫn tới những cuộc khủng hoảng thiếu trọng tài, bắt đầu từ vụ tiêu cực năm 2005, với hàng loạt trọng tài bị bắt. Sự cố năm 2011 tiếp tục "quét đi" một cơ số trọng tài khác, và dù không thành án, nhưng nó tạo nên ra nhiều vấn đề cho trọng tài Việt Nam. Và những năm gần đây, người ta đã phải đôn thốc đôn tháo lên rất nhiều trọng tài trẻ. Chỉ có điều, tài không đợi tuổi.
Trở lại với vấn đề mà chúng ta đề cập ở đầu bài viết. Về nguyên tắc, các CLB không có quyền lên tiếng về chuyện phân công giám sát hay trọng tài. Nhưng, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Một đội bóng như CAHN cũng phải gửi công văn lên VFF, VPF... liên quan đến công tác trọng tài, thì nói gì các CLB khác. Cơ mà, ai dám đảm bảo đây không phải động tác giả?!
Không phải cứ vướng là đổ lỗi cho trọng tài, họ có thể là nguyên nhân, nhưng cũng có thể là nạn nhân và là nhiều thứ khác. Thật là khó kiểm soát!