Bóng đá Việt Nam: Thành bại tại ông bầu
(Thethaovanhoa.vn) - Khi bầu Đức đã có tất cả với bóng đá, thì bầu Hiển vẫn ở đâu đó, chẳng dính dánh gì đến chốn lao xao này cả. Duyên số thế nào, họ lại bập vào nhau và sự thật là hai người họ đã có những đóng góp rất lớn cho bóng đá Việt Nam. Chỉ tính riêng cấp độ ĐTQG, trong khoảng nửa thập niên qua, quân bầu Đức và bầu Hiển luôn chiếm đến 80%. Họ đã cùng nhau gặt hái bao danh hiệu...
Bầu Đức vs bầu Hiển
Một sự kiện lớn của làng túc cầu nội, sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Đấy là khi HAGL tiếp CLB Hà Nội, trận đấu ở vòng 10 LS V-League 1. Nắm cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa, cùng với khoảng cách 9 điểm dẫn, HAGL liệu có chính thức lật đổ sự thống trị của Hà Nội FC suốt 1 thập niên qua, bằng với chỉ một trận đấu này? Ở chiều ngược lại, liệu Hà Nội FC có chấp nhận "trao gậy" cho kẻ thách thức?
Mọi ngả đường đều dẫn về Pleiku, trận đấu đã nóng trên mặt báo từ nhiều ngày qua. Người ta trông đợi bầu Hiển sẽ ghé tệ xá của bầu Đức, để nghị sự, giúp bóng đá Việt Nam tiếp đà phát triển. Ông Hiển vốn cũng hiếm khi đi xa nhà vì chuyện bóng bánh...
Chuyện bầu Đức làm bóng đá, chúng ta đã luận nhiều rồi, luận mãi không hết và không chán. Ông Đức, với những phát biểu của mình, ở góc độ nào đó, chính là ngôi sao truyền thông vậy. Nếu phải liệt kê những phát biểu gây sốc ấy của ba Đức, chắc phải mất cả ngày là còn chưa đủ. Gần đây nhất là màn khích tướng bầu Hùng của Than Quảng Ninh. Bầu Đức có sức hút ghê gớm, với bất cứ ai từng đối diện và dù chỉ tiếp xúc lần đầu.
Cho đến thời điểm này, tuyên bố đã bỏ vào bóng đá đến 2 ngàn tỷ đồng, suốt 20 năm qua, vẫn chưa ai kiểm chứng được. Là nói vui vậy thôi, nhưng biết đâu là thật.
Bóng đá là thú vui tao nhã xa xỉ của giới nhà giàu. Việc bỏ ra một đôi trăm tỷ mỗi mùa giải, là điều bình thường. Trước đây, các ông bầu (bao gồm cả bầu Đức) còn theo đuổi một thú vui hơn cả xa xỉ ấy, chính là sắm sao và nhập tịch cho ngoại binh. Những chiến dịch này ồn ào một thời gian dài (2008-2014) và để lại những hệ lụy cho nền bóng đá sau đó. Năm 2007, ông Đức chuyển hướng bằng việc mở Học viện liên kết, và đó là một hướng đi đúng đắn.
Còn bầu Hiển, một người vốn rất kín tiếng và thật không muốn ồn ào. Giới thạo tin cho rằng, trong chỉ 10 năm đầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp, ông Đỗ Quang Hiển bỏ vào đó số tiền không kém gì ông Đoàn Nguyên Đức, trong 20 năm. Tất nhiên, nó không chỉ dồn cho mỗi Hà Nội FC. Với tư cách một người hâm mộ, ông Hiển thậm chí có thể rút ví cả tỷ đồng tiền mặt để thưởng đội bóng, nếu thích.
"Yêu nhau không cần ai làm chứng", đấy cũng là một câu nói rất nổi tiếng của bầu Hiển. Cũng như ba Đức, bác Hiển đau đáu thực sự với sự hưng vong của nền bóng đá. Các ông đều muốn hướng tới một nền bóng đá tự cường.
Năm 2007-2008, bầu Hiển mới bắt đầu đầu tư bóng đá. Không phải chơi, mà là đầu tư thực sự, với việc ghép tên các thương hiệu của Tập đoàn T&T, SHB..., với các đội bóng. Nhưng, bầu Hiển không trực tiếp xắn tay vào việc, mà giao lại cho đội ngũ giúp việc điều hành. Ngay lúc này, việc điều hành CLB Hà Nội chính là do con trai của ông Hiển làm. Việc phân vai như thế, khiến ông Hiển luôn nhận mình chỉ là một CĐV cuồng nhiệt, dù ai cũng biết ông mới là chủ tịch đích thực.
Nếu bầu Đức vẫn như một ông nông dân, yêu nghề và mê nghề, thì bầu Hiển giống một tay chơi hơn, với rượu tây và điếu xì gà bự chảng trên môi. Họ đều là những doanh nhân thành đạt và điều quan trọng, họ đã, đang và sẽ để lại những di sản cho bóng đá Việt Nam, theo cách của mình. Cần phải thẳng thắn với nhau như thế.
Và, thành bại tại ông bầu
Kể từ khi V-League ra đời, vắt qua 20 năm tuổi, các CLB phần lớn đều được nuôi bởi túi tiền của các ông bầu. Các đội bóng không theo kịp cơ chế, giờ hoặc đã giải thể, hoặc lay lắt. Ở Việt Nam, ngoài HAGL của bầu Đức và các phiên hiệu CLB có mối quan hệ hữu cơ liên quan đến bầu Hiển, vẫn đang sống khỏe, còn lại chỉ mỗi B.Bình Dương, một cây đa cây đề thực sự của giải đấu cao nhất xứ sở. Hai CLB của TP.HCM, chỉ là những tay mới nổi.
Sự thật là, khoảng 5-7 năm qua, bóng đá Việt Nam bớt sôi nổi đi nhiều, sau khi lần lượt một số ông bầu bỏ cuộc chơi. Năm 2014 là bầu Trường của V.Ninh Bình, 2013 là bầu Thụy của Xuân Thành Sài Gòn, trước đó là bầu Kiên ACB, bầu Long Hòa Phát, bầu Thắng Long An...
Các cuộc bể dâu diễn ra, khiến cho tiền mặt đầu tư vào bóng đá cũng vơi đi nhiều. Không có các bản hợp đồng chục tỷ như của Lê Phước Tứ, Công Vinh, Như Thành, Quang Hải, Quang Thanh, Tài Em, Vũ Phong..., nữa, đổi lại, người được giá nhất trong 3 năm qua, chỉ là Hải Quế với số tiền chưa đầy 9 tỷ về Viettel. Cơ chế bóng đá chuyên nghiệp cũng bóp lại cơ hội sở hữu các ngôi sao đẳng cấp thế giới của các đội bóng Việt Nam, và nó không được giải thích bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài.
Vấn đề kinh tài của các CLB, nói thẳng ra là tiền, nó chính là mạch máu. Khi cơ chế bao cấp đã lỗi thời, thì bóng đá kết hợp doanh nghiệp là mô hình tất lẽ dĩ ngẫu. Bầu Đức chính là người tiên phong trong việc này, từ 20 năm trước. Việc kinh doanh của Tập đoàn Hoàng Anh có thể lúc hưng lúc suy, nhưng trong bóng đá, ông Đức chắc thắng, dù hơn 15 năm qua, đội bóng không có thêm danh hiệu nào. Giờ vẻ như thời đến rồi, cản cũng không nổi.
Nếu như tiền mặt và hệ thống chân rết đào tạo rộng khắp đã giúp Hà Nội FC thống trị giải đấu suốt 10 năm qua, với 5 chức vô địch V-League, chưa kể Cúp quốc gia và Siêu Cúp quốc gia..., thì bây giờ ông Đức mới bắt đầu hái quả ngọt sau 14 năm mở Học viện, kể cũng hơi muộn. Muộn còn hơn không và xứng đáng.
Có nhiều ý kiến tranh biện, và việc tranh cãi vẫn như cơm bữa, song sự thật là bóng đá chuyên nghiệp không thể tách rời, không thể độc lập phát triển, mà không có các ông bầu. Vấn đề kinh doanh của đội bóng quá kém và việc kêu gọi tài trợ, cũng không đáng là bao. Ở Thai Premier League, một CLB hàng đầu luôn gắn với hàng chục nhãn hàng, tập đoàn và nghiệp đoàn kinh tế lớn. Còn ở Việt Nam, vẫn là thành bại tại ông bầu. Yểu mệnh và nếu các ông bầu rút lui, thật chẳng khác nào rút ống thở.
Đấy mới chính là điều mà những người làm bóng đá phải lưu tâm. Chúng ta chưa thực sự cố gắng và bóng đá Việt Nam bao giờ mới chuyên nghiệp, vẫn là câu hỏi chưa lời đáp. Ai giải được bài toán này mới xứng anh hùng.
HAGL và CLB Hà Nội đã có tổng cộng 7 chức vô địch V-League, trong 20 năm giải đấu được tổ chức. Mặc dù vậy, các chức vô địch của họ vẫn không được ý thức giá trị tuyệt đối. Bản thân ông Đoàn Nguyên Đức từng dè bỉu - Một thằng mập không thể đánh lại 5 thằng ốm. Song ngay cả cú đúp vô địch V-League 2003-2004 của HAGL, cũng bị cho là nhờ vào lương khô rải dọc đường vậy. Ông Đoàn Nguyên Đức và ông Đỗ Quang Hiển, cũng chính là những ông bầu nổi tiếng nhất của bóng đá Việt Nam 20 năm qua, bên cạnh bầu Kiên. Họ có những cách tiếp cận và làm bóng đá không giống nhau, nhưng đóng góp là rất đáng kể, thậm chí ngay lúc này, mang tính quyết định với hưng vong chứ chả đùa. |
CCKM