Bóng đá Việt Nam: Nói thì dễ, làm mới khó!
Nhìn người đồng hương Kim Sang Sik đang loay hoay với đội tuyển Việt Nam, chuyên gia người Hàn Quốc Bae Ji Won tin rằng dù không phải ông Kim thì ai làm HLV trưởng cũng vậy thôi, bởi điều quan trọng là bóng đá Việt Nam đang có một khoảng trống kế thừa quá lớn.
1. Trong hệ thống thi đấu do VFF quản lý, có đầy đủ các giải vô địch quốc gia các lứa tuổi từ U9 đến U21. Tổng cộng là 7 giải. Nghĩa là về cơ cấu, coi như không thiếu. Vấn đề nằm ở chỗ là mội giải như vậy thì tối đa một nhà vô địch cũng chỉ đá 11 trận/năm, bao gồm cả vòng loại. Tức là, trung bình 1 trận/tháng.
Nên khi chuyên gia Bae Ji Won, người từng có thời gian là trợ lý của HLV Park Hang Seo và từng cầm quân tại Thể Công Viettel, đánh giá bóng đá trẻ Việt Nam: "Trở ngại lớn nhất đối với tương lai bóng đá Việt Nam là việc xem nhẹ, bỏ qua tầm nhìn và hệ thống ổn định của bóng đá trẻ. Cơ hội cho cầu thủ các lứa tuổi thi đấu mỗi năm rất hạn chế, dẫn đến tiềm năng phát triển quá thấp" là không có gì phản bác được. Nói đúng hơn, điều này ai cũng thấy.
Kết quả là các các đội tuyển trẻ của Việt Nam thường yếu về kỹ và chiến thuật khi thi đấu quốc tế. Cứ xem 2 đội U20 vừa đá giải Đông Nam Á, và đội U17 đang chơi ở vòng loại VCK U17 châu Á 2025 thì sẽ thấy rất rõ. Về mặt thể hình thì không thua kém gì đối phương nhưng chơi bóng thì lại theo cách "hoang dã" nhất. Chưa bàn đến tài năng của các HLV, chỉ cần biết số lượng trận đấu mà những cầu thủ "thực chiến" trong một năm thì thật khó để mỗi người hình thành nên tư duy chiến thuật, ngoại trừ họ có sẵn tố chất như lứa cầu thủ U19 giai đoạn 2014-2016.
Hồi năm 2020, VFF cũng đã cố gắng tạo ra sân chơi mới là Cúp quốc gia ở tuổi U15 và U17. Các giải này nhanh chóng "chết yểu". Có thể thấy là VFF cũng đã nhận ra tầm quan trọng của số lượng trận đấu mỗi năm cho cầu thủ trẻ, nhưng "lực bất tòng tâm". Thêm vài trận đấu Cúp thì thực tế tổng số trận trong năm cũng không nhiều hơn bao nhiêu. Hơn nữa, bản chất vấn đề nằm ở chỗ số đội bóng U của Việt Nam quá ít. Như tại giải vô địch U17 quốc gia 2024, cả nước chỉ có 20 đội đăng ký tham gia vòng loại. Đây là một chi tiết bất hợp lý, vì chỉ tính V-League và giải hạng Nhất cũng đã có 24-26 CLB, tại sao chỉ có trên dưới 20 đội ở lứa tuổi U17 và U19?
Có câu chuyện về cầu thủ nổi bật nhất hiện nay của bóng đá Nhật Bản có lẽ là Kaoru Mitoma, người đang khoác áo Brighton ở giải Ngoại hạng Anh. Điều thú vị là ngôi sao này gần như không chơi bóng chuyên nghiệp ở Nhật Bản. Anh tỏa sáng ở thời điểm 19-20 tuổi với tư cách tuyển thủ sinh viên Nhật Bản. Phải đến 21 tuổi anh mới ký hợp đồng chuyên nghiệp, 23 tuổi mới ra sân đá trận đầu tiên tại J-League trong màu áo Kawasaki Frontale và chỉ một năm sau đã chuyển sang đá cho Brighton. Toàn bộ quá trình phát triển khả năng chơi bóng của Mitoma được gói gọn trong ở việc được chơi bóng ở lứa tuổi trẻ. Có trở thành một ngôi sao lớn hay không, cũng là ở quá trình thi đấu tuổi U chứ tầm 21-23 tuổi mà không có chỗ đứng ở đội 1 của CLB chủ quản thì thật khó để xem là tài năng.
Không nói đâu xa, lứa U23 Thường Châu cũng đã chơi V-League từ khi mới 19-20 tuổi. Và họ được đưa nhanh lên sân chơi chuyên nghiệp cũng là từ việc thể hiện khi đá U17, U19 đấy thôi.
2. Cứ mỗi lần nói đến việc phát triển bóng đá trẻ, thì chúng ta lại nói đến khâu đào tạo mà gần như tránh nhắc đến hệ thống thi đấu gần như đang triệt tiêu các nguồn lực đào tạo. 3 thập niên qua, nếu tính từ cột mốc có tính chuyển xoay là SEA Games 1995, thì bóng đá trẻ chỉ có thêm sân chơi nhưng hầu như không thay đổi về số lượng trận đấu mỗi năm.
Ngay cả thời điểm bùng nổ các lò đào tạo (2008-2014) thì số đội bóng trẻ dự các giải vô địch quốc gia cũng không thay đổi dù ở thời điểm đỉnh cao, tính từ V-League đến hạng Nhì, chúng ta có gần 50 đội bóng được đăng ký chính thức với VFF. Đó là điều bất cập. Toàn bộ nguồn tiền, cả tư nhân lẫn ngân sách địa phương gần như dồn cả vào phần đỉnh cao, thế thì tiền đâu cho bóng đá trẻ?
Một thực tế khác: V-League đang ngày càng chuyên nghiệp và có tính quốc tế cao hơn, buộc các nhà tổ chức phải nới rộng các quy định về cầu thủ ngoại và Việt kiều. Điều này mâu thuẫn hoàn toàn với việc yêu cầu (hoặc khuyến khích) các CLB sử dụng cầu thủ U23 hay U21. Hay nói đúng hơn, không thể nào làm được cùng lúc hai việc.
Vì cầu thủ trẻ không được sử dụng ở sân chơi chuyên nghiệp, lại có quá ít trận đấu dành cho lứa tuổi của mình mỗi năm, nên dẫn đến việc ngay tại các đội tuyển U do VFF quản lý cũng chẳng có tính kế thừa. Những HLV các đội U này có muốn tìm thêm người cũng chẳng biết từ đâu. Rồi khi các đội U bị "đóng khung", thì dẫn đến trường hợp là nếu U17 mà kém, thì đến U19 hay U22 cũng khó mà khá hơn với chỉ chừng có con người quen thuộc.
Theo ông Bae Ji Won thì bóng đá trẻ Việt Nam không thể so sánh với Thái Lan, về số lượng đội trẻ và cơ hội được thi đấu đều đặn mỗi tuần ở nhiều cấp độ, gồm nghiệp dư, bán chuyên và chuyên nghiệp. Nhờ vậy mà người Thái dù không có những thế hệ xuất sắc vượt trội thì vẫn luôn ổn định chất lượng thi đấu của đội tuyển quốc gia. Bởi nói cho cùng, dù là các giải U hay các đội tuyển U, thì quan trọng vẫn là có càng nhiều cầu thủ trẻ chơi bóng giỏi càng tốt. Với bóng đá trẻ, câu chuyện nằm ở số lượng.
3. Các giải trẻ hiện nay của VFF đều có sự tham gia phối hợp tổ chức của những đơn vị ngoài xã hội, nhất là các cơ quan truyền thông. Đó lại là một nghịch lý khác của bóng đá Việt Nam khi làm bóng đá trẻ lại là "người ngoài", trong khi có khá nhiều CLB chuyên nghiệp lại không hào hứng trong việc cử đội U dự giải trẻ.
Nhưng ở một góc nhìn khác, có thể thấy xã hội rất quan tâm và sẵn sàng chia sẻ "gánh nặng" với bóng đá Việt Nam. Vấn đề bây giờ, chính là những đội bóng, nhất là các CLB chuyên nghiệp, cũng phải tham gia. Giả sử như bây giờ VFF có tạo ra một giải đấu theo hình thức tương tự như V-League dành cho bóng đá trẻ, thì các CLB phải có trách nhiệm cử đội U của mình dự giải thay vì tìm cách "lách" để đỡ tốn chi phí.
Khi có số lượng đội trẻ nhiều, thì mới nghĩ đến thể thức thi đấu ra sao để những cầu thủ 17-19 tuổi chơi được 30 trận/mùa. Rồi mới bàn đến chuyện tổ chức ra sao để vừa tiết kiệm, vừa đạt được mục tiêu, mức độ tham gia của các đơn vị ngoài xã hội thế nào và vai trò của các CLB ở đâu…
Làm bóng đá trẻ, nói thì dễ…
"Rất tiếc khi bàn thắng không đến. Các cầu thủ chơi nhanh, cố gắng kiểm soát trận đấu nhưng đối thủ không để chúng tôi chơi bóng ", HLV Cristiano Roland đánh giá về trận đấu đầu tiên của U17 Việt Nam tại vòng loại U17 châu Á 2025. Đội chủ nhà hòa U17 Kyrgyzstan với tỷ số 0-0 trong trận đấu mà cả 2 bên đều bỏ lỡ nhiều cơ hội.
HLV trưởng của U17 Việt Nam nói thêm: "Chúng tôi tạo ra nhiều cơ hội nhưng đáng tiếc không thể ghi bàn. Các cầu thủ của tôi còn trẻ. Mỗi trận đấu đều là bài học để họ trưởng thành. Tôi đánh giá đây là trận đấu tốt. Chúc mừng toàn đội, nhưng tương lai các cầu thủ cần có những màn trình diễn tốt hơn nữa. Chúng tôi sẽ tập trung từng trận".
"Tôi không nhận xét một cá nhân nào, U17 Việt Nam là một tập thể. Các cầu thủ thể hiện sự đoàn kết và đã thi đấu hết mình. Chúng tôi là một tập thể. Các em đều có chất lượng tốt và đầy triển vọng", HLV Cristiano Roland nhận xét thêm.
XEM THÔNG TIN BÓNG ĐÁ VIỆT NAM