Bóng đá Việt Nam nhìn từ hành động 'quay xe'
(Thethaovanhoa.vn) - CLB TP.HCM đã gửi văn bản đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhờ phân xử việc cựu tiền vệ của Than Quảng Ninh Nguyễn Hải Huy dù đã ký hợp đồng ghi nhớ nhận 700 triệu tiền ứng trước nhưng giờ muốn trả lại để đầu quân cho Hải Phòng.
Không cần phải là người làm trong lĩnh vực bóng đá thì cũng biết và thừa sự hiểu biết để nhận thức được việc một khi đã có sự thỏa thuận, dù chỉ là hợp đồng ghi nhớ thì khi không thực hiện thỏa thuận đó sẽ phải đền bù thiệt hại. Việc đền bù sẽ không xảy ra nếu như 2 bên tiếp tục có một sự thống nhất khác mà đối tác ở trường hợp của Hải Huy là CLB TP.HCM đồng ý cho qua.
CLB TP.HCM muốn được đền hợp đồng ghi nhớ 1 tỷ đồng, thay vì con số 5 tỷ như điều khoản trong thỏa thuận ghi nhớ nhưng cầu thủ Hải Huy cũng không chấp nhận đền 1 tỷ đồng và tất nhiên, sự việc được đưa lên VFF phân xử.
Thật ra, câu chuyện của Hải Huy chỉ là trường hợp mới nhất trong hàng loạt các cú "quay xe” của bóng đá Việt Nam mà ở đó, các cầu thủ dù đã có thỏa thuận ghi nhớ trước nhưng phút chót lại thay đổi ý định và muốn chuyển đến một đội bóng khác.
Và khác với việc cho qua chuyện ở thỏa thuận hợp đồng với trung vệ Quế Ngọc Hải, CLB TP.HCM muốn làm đến nơi đến chốn ở trường hợp của Hải Huy, coi như đó là một bài học, sự răn đe cho tất cả các cầu thủ Việt Nam về sự chuyên nghiệp trong cách ứng xử ở môi trường bóng đá. Nếu không làm đến nơi đến chốn thì chính CLB TP.HCM cũng đánh mất đi sự chuyên nghiệp của mình vì hết lần này đến lần khác họ để cho cầu thủ “quay xe” dù đã ký hợp đồng ghi nhớ trước đó.
Có một sự thật rằng, trong bóng đá chuyên nghiệp, tình cảm nhưng lại thể hiện sự nghiệp dư không phải là thứ được đặt lên hàng đầu mà điều quan trọng là sự chuyên nghiệp, tính nguyên tắc.
Một khi đã có thỏa thuận hợp đồng thì tất cả các bên liên quan đều phải tôn trọng, không có bất cứ sự xê dịch hay ngoại lệ nào. Chính Hải Huy và hàng loạt cầu thủ của Than Quảng Ninh đã bị đội bóng chủ quản nợ lương, lót tay, thậm chí cả tiền thưởng với số lượng khổng lồ nhưng lại chậm trễ không tìm cách xử lý và chỉ biết cách viết lên mạng xã hội, từ đó để truyền thông vào cuộc.
Để đánh đổi lấy sự tự do, được nhận giấy thanh lý hợp đồng từ Than Quảng Ninh, họ đã phải đồng ý không đưa đội bóng chủ quản cũ ra tòa và trớ trêu thay, đây lại là một cách xử lý không chuyên nghiệp khác của bóng đá Việt Nam mà Hải Huy và những người bạn của mình vô hình trung trở thành nạn nhân.
Từ chuyện tranh chấp hợp đồng giữa CLB TP.HCM và cầu thủ Hải Huy nhìn sang vụ việc của thủ môn Đặng Văn Lâm với đội bóng Thái Lan Muangthong United mới thấy sự hiểu biết, cách xử lý khác nhau một trời một vực.
Cũng là chuyện nợ lương, vi phạm điều khoản hợp đồng đã ký nhưng nhờ có sự hỗ trợ của luật sư và Công ty quản lý mà Văn Lâm được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng với Muangthong United để chuyển sang một đội bóng khác là Cerezo Osaka.
Đội bóng Thái Lan với sự hiện diện của cả luật sư người Pháp kiện hẳn lên Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) nhưng cuối cùng Văn Lâm vẫn là người được tuyên thắng lợi và vụ chuyển nhượng sau đó sang Cerezo Osaka được tôn trọng.
Nói về chuyện Hải Huy, Văn Lâm hay trước đó là Steven kiện CLB Hải Phòng, Thanh Hóa cùng một loạt cầu thủ ngoại khác đã và đang thi đấu tại V-League đưa sự việc lên FIFA khi phát sinh tranh chấp mới thấy, bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn nữa sự nhận thức và cách hành xử chuyên nghiệp.
Một khi đã hoạt động trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, dù ở cấp độ CLB hay đội tuyển quốc gia thì luật lệ luôn tồn tại và cần được tôn trọng và phải thực thi một cách tối đa.
Âu đây cũng là bài học cho tất cả!
Lâm Chi