Bóng đá Việt Nam làm lại từ đầu bằng các Học viện đào tạo trẻ
Năm 2007, bầu Đức quyết định san phẳng 4 hecta cao su đang tuổi thu hoạch ở Hàm Rồng để thành lập Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG. Song ít ai biết, từ hơn 3 năm trước đó, ông chủ của đội bóng phố Núi đã phải bay qua Anh để đàm phán nhằm thuê cái tên Arsenal với giá 4 triệu USD trong 7 năm.
Đó là một chuyến công cán khó khăn. Ở Anh, với giải Ngoại hạng Premier League đỉnh cao, không ai biết V-League hay HAGL là gì cả. Arsenal vào thời điểm đó đang là ĐKVĐ, là một trong 2 CLB mạnh nhất Premier League, bên cạnh M.U. Để thuyết phục họ cho mượn thương hiệu là cả vấn đề.
Cái gì không mua được bằng tiền, thì bằng nhiều tiền. Thương hiệu HAGL sau đó xuất hiện trên sân Emirates từ năm 2007, niềm tự hào của Việt Nam, song nó có nghĩa rằng, bầu Đức đã đạt được thỏa thuận với gã khổng lồ Anh quốc. Cũng trong năm đó, Học viện HAGL Arsenal JMG ra đời.
Tại khách sạn HAGL Pleiku hôm khởi công Học viện bóng đá, bầu Đức tuyên bố rằng, ông sẽ đào tạo ra những cầu thủ trị giá triệu đô, xuất khẩu qua trời Âu. Tham vọng của bầu Đức là có cơ sở, khi bắt tay hợp tác được với một trong những CLB lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Nó khác với việc mời được Kiatisuk Senamuang, cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á, về đá hạng Nhất năm 2001.
"Zico Thái" thực sự là một cầu thủ giỏi, thậm chí là tượng đài của phố Núi Pleiku sau này, song đó đơn thuần chỉ là hợp đồng cá nhân. Còn dự án với Arsenal liên quan đến tham vọng vĩ mô, cùng sự tự cường của nền bóng đá.
Sau Học viện HAGL Arsenal JMG ra đời, Viettel cũng đẩy mạnh đào tạo và 2 năm sau, PVF xuất hiện ở Thành Long với lứa đầu 2009. Đó đều là những Học viện cỡ lớn đầu tiên của Việt Nam, bên cạnh các lò đào tạo truyền thống như SLNA, Đà Nẵng hay Nam Định, rồi Hà Nội T&T và vệ tinh. Đó là hướng đi bắt buộc và bóng đá Việt Nam rõ ràng đã được hưởng lợi. Thậm chí là cái lợi rất lớn.
11 năm sau khi Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG ra đời, chúng ta có chiến tích Thường Châu 2018. Và chu kỳ thành công kéo dài suốt 5 năm. Ngoài chuyên môn, thì sự khơi gợi tình yêu bóng đá nơi người hâm mộ được tạo dựng bởi "đám trẻ của bầu Đức" là không thể phủ nhận, sau gần 10 năm nguội lạnh.
Nay nghe nói ông Nguyễn Đức Thụy sắp mở Học viện lớn bậc nhất Việt Nam, đấy là thông tin rất đáng mừng. Song nó cũng có nghĩa rằng, chúng ta đã tính đến việc làm lại.
Lứa cầu thủ tài năng bước vào các Học viện từ 15 năm trước, nay đã kịch trần về năng lực chinh phục. Vậy là ít nhất phải 10 năm sau (tương đương với 3 thế hệ cầu thủ) chúng ta mới có thể tính các bước tiếp theo, trong đó có việc nâng cấp tham vọng và mục tiêu.
Giờ thì tập trung giữ được vị thế trong khu vực đã là may rồi. Bóng đá Việt Nam đang ở số 3 Đông Nam Á, sau Thái Lan và Indonesia. Chấp nhận thực tại cũng là điều không dễ chút nào.