Bóng đá Việt Nam cần gì?
Chia tay HLV Philippe Troussier, bóng đá Việt Nam kết thúc một giai đoạn đáng quên. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan hơn, để vận hành cỗ máy đội tuyển Việt Nam một cách hiệu quả, chỉ trách nhiệm cá nhân HLV là chưa đủ.
1. Lúc này, việc tìm một nhà cầm quân đủ tài, đủ "can đảm" để ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam không hề đơn giản. Quan trọng hơn làlàm thế nào để đưa bóng đá Việt Nam sớm trở lại quỹ đạo cần thiết.
Khi những mục tiêu đặt ra đã rời xa, trở về với thực tại, bóng đá nước nhà phải "thức tỉnh" để nhận rađược bài học thấm thía. Tất cả những gì đã có trong hơn 1 năm qua dưới thời ông Troussier, xa hơn nữa từ cuối "nhiệm kỳ" của ông Park đủ giúp nhận diện thực tế bóng đá nước nhà đang nằm ở đâu so với châu lục. Từ đó sẽ thấy việc đi đến được vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là dấu mốc lịch sử. Tuy nhiên, để lặp lại điều đó thường xuyên, liên tục không phải cứ muốn là được. Còn giấc mơ World Cup vẫn cứ như câu chuyện "gần mà xa".
Chính điều này, giúp chúng ta trả lời thỏa đáng câu hỏi: Xét về thực lực của bóng đá nước nhà hiện nay, nói thẳng, bàn đến World Cup 2030 dường như vẫn còn là một điều xa vời, thiếu cơ sở thực tế. Nói cách khác, để phát triển, để hiện thực hóa giấc mơ World Cup, không chỉ mỗi chuyện chọn ai ngồi vào ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.
Cứ nhìn vào V-League, nơi được xem như nền tảng cho các cấp độ ĐTQG sẽ thấy bóng đá nước nhà vẫn chưa thể có "chân đế" vững vàng. Đến đây, mới thấy những nhận xét của HLV Troussier ở buổi đầu làm việc còn nguyên giá trị: "Thứ nhất là chúng ta phải tăng tính cạnh tranh cho V-League, làm sao để các cầu thủ có thể chơi 40 - 50 trận mỗi năm và mùa giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam có thể diễn ra liên tục trong 10 tháng. Thứ 2, đội tuyển Việt Nam cần có nhiều trận đấu tập huấn, cọ xát với các đối thủ mạnh, nhất là các đội trong nhóm 60 FIFA".
Trước đó nữa, khi nói về mục tiêu World Cup, HLV Park Hang Seo cũng từng thẳng thắn: "Tôi xin nói thẳng với tư cách là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam thì chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho World Cup đâu. Chúng ta phải có kế hoạch, bóng đá Việt Nam cần phải có chiến lược, kế hoạch và những bước đi. Còn tôi là HLV trưởng sẽ thực hiện đúng kế hoạch đó".
2. Góc nhìn của 2 cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam đều đã phản ánh chân thực, rõ nét nhất những thực trạng mà bóng đá nước nhà đang gặp phải. Khi đưa ra những nhận xét đó, họ muốn truyền đi thông điệp cốt lõi: Muốn đội tuyển Việt Nam dự World Cup, bóng đá Việt Nam phải "xây nhà từ móng". Chúng ta phải thẳng thắn với nhau rằng, nền tảng từ V-League chưa tốt, trong khi công tác đào tạo trẻ vẫn theo kiểu "gọt bút chì".
Không phủ nhận, những năm gần đây, công tác đào tạo trẻ đã tốt lên nhưng vẫn còn nặng về chủ nghĩa kinh nghiệm và mỗi "lò" làm mỗi kiểu. Các cầu thủ trẻ ít được tạo điều kiện thi đấu ở mọi cấp độ, nhất là ở giải chuyên nghiệp. V-League và hạng Nhất chưa vận hành một cách ổn định, chuyên nghiệp, tạo nhiều giá trị gia tăng cho bản thân các CLB.Nếu coi cầu thủ là một gói sản phẩm hoàn thiện thì bóng đá Việt Nam cần phải có chuyên gia về kỹ thuật, dinh dưỡng, thể lực, đội ngũ y tế phòng tránh, chữa trị chấn thương, chuyên gia phân tích trận đấu, chuyên gia tâm lý.Ở tầm các ĐTQG và U23 ít được tập huấn, thi đấu với các đội bóng đến từ nền bóng đá đỉnh cao của thế giới.
Rõ ràng, bóng đá Việt Nam đang bị một "cơn sang chấn" rất lớn. Từ đó sẽ thấy, nhiệm vụ vực dậy đội tuyển Việt Nam không còn là câu chuyện của HLV mới, mà là của cả nền bóng đá. Nếu không, vòng lẩn quẩn và hỗn loạn trên băng ghế HLV của đội tuyển sẽ tái diễn như giai đoạn trước năm 2018 dẫn đến tinh thần và sự ủng hộ của người hâm mộ xuống đến mức thấp nhất.
Tất nhiên, vị trí HLV trưởng ĐTQG chỉ đóng vai trò "thợ xây", còn thiết kế và chất liệu phải do thực lực của bóng đá Việt Nam đang có ở mức độ nào. Cả hệ thống của nền bóng đá phải kiên quyết cho một cuộc "canh tân".