Bóng đá thế giới, một năm nhìn lại: Đặt tháp Eiffel lên sân khấu bóng đá
(Thethaovanhoa.vn) - Chia tay, lật đổ, đăng quang, công nghệ hoặc là Luka Modric, Zinedine Zidane, Cristiano Ronaldo, Kylian Mbappe, Arsene Wenger, Pháp hay VAR, đó là những từ khóa mà người hâm mộ bóng đá thế giới có thể chọn để nói riêng về năm 2018.
Những điều kể trên đã thay nhau trở thành chủ đề nóng hổi của sân khấu bóng đá xuyên suốt năm qua, và đưa tất cả chúng ta đi qua mọi trạng thái của cảm xúc, nó có thể là sự thăng hoa của đội tuyển Pháp, sự tranh cãi với công nghệ VAR, sự nuối tiếc với Zinedine Zidane hay là sự tán thưởng dành cho Luka Modric.
Người Pháp làm chủ sân khấu
Người Pháp, dĩ nhiên rồi, họ khuynh đảo bóng đá thế giới theo cách của riêng mình, từ nước Anh tới nước Nga, vòng qua Tây Ban Nha và như thể, họ đặt cả tháp Eiffel lên hành tinh này. Đội bóng áo Lam lộng lẫy ở nước Nga đã chinh phục những đối thủ lớn nhất, đã tiễn biệt những ngôi sao lớn nhất như Leo Messi hay Eden Hazard chia tay World Cup trong nín lặng, và khiến cho Croatia cảm thấy được vinh dự khi đã chơi một trong những trận hay nhất trong lịch sử bóng đá của họ ở nước Nga.
Les Bleus còn khiến những cổ động viên khó tính nhất cảm thấy được thư thái trước màn hình vì sự bùng nổ của những tài năng như Kylian Mbappe, nhiều lần phải ngả mũ trước sức mạnh của một tập thể đã đạt đến độ tinh túy về triết lý, và giải phóng năng lượng cho tất cả những ai chờ đợi cuộc đổ bộ của họ tới đỉnh thế giới.
Và hãy nhìn lại xem, Arsene Wenger đã lấy đi bao nhiêu nỗi buồn của chúng ta, sau lời chia tay xúc động với Arsenal, đội bóng ông đã gắn bó 22 năm, nơi HLV 69 tuổi này được biết đến như một nhà tiên phong cho cuộc cải cách bóng đá xứ sở sương mù, và là tượng đài trong lịch sử đội bóng thủ đô London.
Trong khi Zinedine Zidane, người chưa bao giờ lãng phí đến một giây ở thủ đô Madrid để tạo ra một đế chế đồ sộ ở Champions League, đã từ biệt câu lạc bộ lớn nhất đời mình, trong một cảm giác bất thường và khiến cả thế giới phải ngơ ngác tự hỏi, điều gì đã xảy ra với huyền thoại này. Với Zidane, mọi thành công đến thật nhẹ nhàng và lời tạm biệt cũng như vậy.
Cristiano Ronaldo, không lâu sau đó, khuấy động sự điên rồ tại Bernabeu, khi chấm dứt những năm tháng đẹp đẽ nhất trong sự nghiệp, và rời bỏ Real Madrid trong sự giận dữ vì cảm thấy thiếu được tôn trọng. Và giờ thì những người ở lại, đang hàn gắn những rạn nứt trong lòng đội bóng do anh để lại một cách chật vật.
Modric mở ra bầu trời
Sau khi Cristiano Ronaldo tự tạo ra một hồi kịch gay cấn cho cuộc phiêu lưu không giới hạn tại Italy, Luka Modric đã khiến cho bóng đá trở nên lãng mạn hơn một chút với danh hiệu Ballon d’Or 2018, thứ đánh dấu cho cuộc lật đổ vĩ đại của bóng đá thế giới sau tròn một thập kỉ nhìn bộ đôi Leo Messi – Cristiano Ronaldo tung hứng trên sân khấu.
Bùm, nó giống như một tiếng nổ lớn để thức tỉnh thật sự cho phần còn lại, rằng bóng đá không chỉ dành cho những chiếc cúp, những danh hiệu, những bàn thắng, mà nó còn đơn giản là nơi để những giá trị của sự hi sinh và sự khiêm nhường lên tiếng.
Luka Modric là sự giải thoát cho những giấc mơ còn dang dở của Xavi Hernandez, Andres Iniesta, Andrea Pirlo, sự tưới tắm mát lành cho Kylian Mbappe, Antoine Griezmann, Eden Hazard hay Mohamed Salah để họ biết rằng, phía trước là tương lai dành cho họ.
VAR hay tranh cãi
“Sự thật là bạn dừng trận đấu vì VAR và đó là một cú thúc cùi chỏ”, HLV của Iran, Carlos Querioz nổi giận sau khi Cristiano Ronaldo không bị đuổi khỏi sân vì đánh nguội cầu thủ của ông, “Đánh cùi chỏ là nhận thẻ đỏ, luật là như thế, nhưng nó không bao giờ thành hiện thực nếu đó là Messi hoặc cậu ta”, ông tấn công người học trò cũ không thương tiếc.
12 năm sau khi người Anh theo đuổi “công lý” trong sân cỏ, họ được toại nguyện, lần đầu tiên tại các kì World Cup, công nghệ được đưa vào để hỗ trợ trọng tài ra quyết định chính xác hơn, nhưng nó vẫn không loại trừ được những tranh cãi như kể trên. “VAR không cứu chúng tôi, nó chỉ nói ra sự thật”, Sergio Ramos của Tây Ban Nha bảo vệ Pique, khi trung vệ này đáng bị đuổi khỏi sân vì phạm lỗi với Khalid Boutaid của Morocco. Nhưng Nordin Amrabat thì gọi công nghệ này là rác rưởi.
“Trò đùa”, Alan Shearer, trong vai trò của một chuyên gia bóng đá trên truyền hình, đã bình luận công nghệ VAR như vậy. Một người Anh khác là James Milner thì gọi đó là sự hỗn loạn của bóng đá.
Nhưng cuối cùng, công nghệ đã chính thức trở thành một trọng tài nữa ở trên sân, bắt đầu từ nước Nga, dù cho nó có gây ra tranh cãi đến như thế nào.
Nhật Minh