Bóng đá Nhật và câu chuyện đằng sau 90 phút
Không phải bóng đá nam, lĩnh vực mà người Nhật đã trở thành một ngành công nghiệp đồ sộ trong 20 năm qua. Bóng đá nữ nước này đang lên một kế hoạch táo bạo khác, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 mới đi qua.
1. Đầu năm ngoái, Kikuko Okajima, Chủ tịch giải vô địch bóng đá nữ Nhật Bản (WE League) và cũng là người sáng lập ĐTQG nữ Nhật, đã đến thăm Đại học Bắc Carolina (UNC) để gặp Anson Dorrance, cựu HLV trưởng tuyển nữ quốc gia Hoa Kỳ và từng vô địch 21 lần ở các giải thuộc hệ thống NCCA với tư cách là HLV trưởng đội nữ UNC. Dorrance tạo điều kiện cho Okajima được gặp một số cầu thủ UNC, và kết quả là trong hai năm tới, WE League sẽ đón chào hai sinh viên thuộc UNC đến thi đấu sau khi tốt nghiệp. Trong tương lai, WE League dự định sẽ cử một người thường trú ở Hoa Kỳ để tích cực tuyển dụng các cầu thủ từ những trường đại học.
Đấy là một phần của chiến dịch thu hút tài năng nước ngoài của Okajima, người đang muốn WE League sẽ là tập hợp của những cầu thủ nữ tài năng nhất đến từ 12 quốc gia đứng đầu trong BXH FIFA nữ. Nó nằm trong chiến lược kinh doanh rất đơn giản: Càng có nhiều cầu thủ quốc tế góp mặt trong danh sách thi đấu tại WE League, khả năng thu hút khán giả càng tăng. Họ cũng mang đến những kỹ năng và thái độ chơi bóng khác nhau, giúp hiệu suất thi đấu được nâng lên và tài năng trong nước có thể nhờ đó mà cải thiện. Càng có nhiều người chơi có trình độ cao, doanh thu sẽ càng lớn và từ đó giải đấu tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Liên đoàn bóng đá Nhật (JFA) đã mở hầu bao cho chiến lược này: Họ cung cấp một khoản bổ sung lên đến 30 ngàn USD/người mỗi năm, ngoài tiền lương của cầu thủ, để thuê các thông dịch viên. “JFA muốn có sự kết hợp giữa các chủng tộc và văn hóa khác nhau để làm cho bóng đá Nhật Bản trở nên hòa đồng hơn” - Okajima tiết lộ. JFA cũng sẵn sàng trả thêm tiền cho các CLB để họ tiếp nhận và tạo điều kiện thi đấu cho những tài năng nước ngoài.
Mục tiêu cho mùa giải 2021 là thu hút trung bình 5.000 người tới sân xem mỗi trận (năm 2019, trước dịch Covid-19, WE League có chừng 1.300 khán giả mỗi trận). Okajima muốn có thêm nhiều nam giới tuổi từ 30-60 đến xem bóng đá nữ, để nhiều gia đình có thể cùng đi xem. Bà thậm chí muốn những người thuộc cộng đồng LGBT cũng đến xem, vì không ít cầu thủ nữ là người đồng tính.
Ngoài việc bán vé thì WE League hiện được trả tiền bản quyền truyền hình hẳn hoi: DAZN, một dịch vụ phát video thể thao trực tuyến đã ký một hợp đồng 8 mùa giải với WE League để trở thành đối tác phát sóng 110 trận đấu qua 22 vòng, trên mọi kênh truyền thông, bao gồm cả Youtube.
2. Nói chuyện này trước khi đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022, tôi chỉ muốn chỉ ra một điều: Nền bóng đá đối thủ của chúng ta đang giải những bài toán phức tạp hơn rất nhiều chuyện thi đấu và kết quả thông thường, ở một lĩnh vực mà cho đến giờ, niềm vui lớn nhất của chúng ta đến từ “ăn đong”. Các cầu thủ nữ thi đấu chỉ với hy vọng lớn nhất là được thưởng sau một giải đấu quốc tế có tiếng vang lớn. Họ không thể sống được từ nghề nghiệp của mình.
Những bài toán được giải liên tục kiểu này đã đưa bóng đá Nhật Bản đến với vị thế của ngày hôm nay: Cuộc đối đầu trên sân chỉ là một phần trong chiến dịch và tư duy tổng thể này. Trong 24 tuyển thủ Nhật được đăng ký danh sách thi đấu vòng loại, chỉ có 6 người đang chơi ở trong nước, còn lại đều đang giữ vai trò quan trọng ở nhiều CLB châu Âu. Trong khi đó, chúng ta vẫn còn đang chật vật tự giải một bài toán cơ bản: Quang Hải có nên ra nước ngoài thi đấu hay không?
Năm ngoái, khi Việt Nam thua Nhật Bản 0-1 ngay tại Mỹ Đình, HLV Park Hang Seo đã thành thật thổ lộ: “Việt Nam một lần nữa thua Nhật Bản 0-1, sau trận gần nhất ở tứ kết Asian Cup 2019. Các cầu thủ của tôi đã nỗ lực hết sức, nhưng vẫn có khoảng cách nào đó về trình độ cá nhân giữa hai đội tuyển”.
Một bàn là khoảng cách dễ ru ngủ với bất kỳ ai chỉ tập trung vào kết quả trong bóng đá: Nó quá mong manh, và trong một ngày đẹp trời, ai biết Việt Nam có thể cầm hòa Nhật Bản lúc nào. Nhưng một bàn trong bóng đá hiện đại cũng có thể là một khoảng cách diệu vợi mà chỉ có người trong nghề, như ông Park Hang Seo, mới nhận ra.
Đơn giản là với khoảng cách một bàn trong một trận đấu như thế, chúng ta đang xếp cuối bảng vòng loại, còn Nhật đã giành vé đi World Cup sau trận thắng Australia cách đây vài hôm, bằng hai bàn ghi rất muộn màng (phút 89 và 90+4). Và khoảng cách này có thể lên đến vài chục năm.
Chúng ta có thể khiến Nhật phải chật vật một lần nữa trong 90 phút, và tự cảm nhận một lần nữa khoảng cách này. Ông Park có thể đã nghĩ ra những chiến lược cải thiện hiệu quả thi đấu trong 90 phút cho các cầu thủ của mình, như các lần trước đây. Nhưng bài toán chiến thuật trong một trận đấu cụ thể chỉ là con tính đơn lẻ của một danh sách với trình độ và đẳng cấp đã được ấn định, không thể nâng lên trong ngày một ngày hai.
3. Quay trở lại với nhân vật ban đầu của chúng ta: Bà Okajima. Vào những năm 70, bà đang học đại học, và chơi bóng cho FC Jinnan, CLB bóng đá nữ đầu tiên của Nhật Bản. Thời điểm ấy, JFA không tin rằng bóng đá nữ có cửa gì, nhưng vẫn cho đội tham gia một giải quốc tế ở Đài Loan. Tại đó, Okajima đã chứng kiến các quốc gia châu Á khác như Hồng Kông, Singapore và Thái Lan cử ĐTQG của họ đến thi đấu, trong khi Nhật chỉ cử một CLB trong nước.
Việc nhận ra điều này đã thôi thúc bà nỗ lực thành lập đội tuyển quốc gia nữ Nhật Bản sau này. Chỉ trong vòng hai năm kể từ giải đấu quốc tế đầu tiên đó, JFA đã cho phép các cầu thủ bóng đá nữ trên cả nước được đăng ký thi đấu, và cho đến năm 1979, bóng đá nữ Nhật Bản đã có hơn 900 cầu thủ nữ và 53 CLB.
Chúng ta không chỉ cần một HLV giỏi để giải các bài toán sau một trận đấu. Chúng ta cần thêm những con người làm bóng đá có thể nhìn ra được khoảng cách đằng sau một, hai bàn thua mong manh, và giải những bài toán hóc búa, dài hạn hơn. Kết quả một trận đấu là phiên dịch cơ bản trình độ của hai nền bóng đá, nhưng đằng sau 90 phút, là những câu chuyện đáng quan tâm hơn.
1 & 16 Tại đợt tập trung lần này, đội tuyển Việt Nam có duy nhất một tuyển thủ đang chơi bóng nước ngoài (và chuyên dự bị) là thủ thành Đặng Văn Lâm của Cerezo Osaka tại J-League. Để so sánh, đội tuyển Nhật có tổng cộng 16 cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu. |
Phạm An