Bóng chuyền Việt Nam loay hoay tìm đường mới
Giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2024 vừa chính thức khép lại sau khi đội nam Biên phòng giành chức vô địch sau 13 năm chờ đợi. Trước đó, chức vô địch nữ thuộc về VTV Bình Điền Long An. Từ mùa giải năm sau, giải sẽ chỉ còn 8 đội nam và 8 đội nữ, có thể sẽ thi đấu theo một thể thức khác trong nỗ lực tìm cách làm mới bóng chuyền Việt Nam.
Cùng với bóng đá, bắn súng và điền kinh, thì bóng chuyền là môn có truyền thống, đặc biệt gắn liền với những giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước cũng như thể thao Việt Nam. Và ở một quốc gia yêu thể thao, nơi mà ở đâu cũng có sân bóng chuyền, tỉnh nào cũng có nhà thi đấu, cứ tưởng là bóng chuyền sẽ phát triển không kém gì bóng đá.
20 năm trước, bóng chuyền đã có một lần chuyển mình. Không ầm ĩ như bóng đá khi khai sinh V-League, nhưng người ta kỳ vọng sự thay đổi diễn ra vào năm 2004 sẽ đưa bóng chuyền lên một tầm cao mới. Khi đó, đa số các đội bóng chuyền thuộc về các doanh nghiệp quốc doanh, và trên tinh thần của bóng đá, thì bóng chuyền cũng chuyển đổi từ giải các các đội mạnh toàn quốc thành giải vô địch quốc gia với 12 đội nam – 12 đội nữ, tức là ngang với bóng đá. Thời điểm đó, khả năng "lên chuyên" của bóng chuyền thậm chí còn thuận lợi hơn do nền tảng có sẵn cũng như ngân sách đầu tư ít hơn nên dễ thu hút doanh nghiệp.
Nhưng sau 20 năm, dù thành tích quốc tế của bóng chuyền đã tốt hơn trước rất nhiều nhờ có thế hệ VĐV sở hữu chiều cao tốt, nhưng hệ thống thi đấu của bóng chuyền gần như không thay đổi. Số lượng đội bóng giảm đến 1/4, số doanh nghiệp đầu tư cũng giảm và tệ hơn là khán giả cũng giảm nốt.
Mô hình chia thành 2 giai đoạn nhưng thi đấu tập trung một chỗ, xen giữa các giai đoạn là một giải đấu tương tự Cúp quốc gia dành cho nhóm các đội hàng đầu không còn phù hợp. Cho đến nay, bóng chuyền vẫn chưa thể vận hành được mô hình sân khách – sân nhà, dù việc tổ chức các trận bóng chuyền "nhẹ nhàng" hơn bóng đá rất nhiều. Nguyên nhân của mọi lý do: Không đủ tài chính.
Như đã nói, ngịch lý nằm ở chỗ môn chơi này đang có thành tích quốc tế rất tốt. Đội nữ duy trì vị thế tại khu vực khi chỉ xếp sau Thái Lan, đồng thời cũng đã vươn đến nhóm đầu châu Á. Đội nam cũng đã có huy chương tại SEA Games, nằm trong tốp 4 đội mạnh nhất khu vực. Điều này cho thấy bóng chuyền có cơ hội để nâng tầm, điều mà 2-3 thập niên trước chúng ta ít khi đề cập đến do bất lợi về chiều cao. Từ đó mới đặt vấn đề: Bóng chuyền sẽ còn đi xa đến đâu nếu 20 năm qua môn chơi này phát triển hệ thống giải quốc nội như kỳ vọng?
Nhiều năm qua, Liên đoàn bóng chuyền vẫn duy trì được giải U23, Cúp quốc gia và giải vô địch thì được phân thành 2 cấp (Vô địch quốc gia và hạng A). Thế nhưng, tổng cộng cũng chỉ có 13 CLB nữ, 15 CLB nam ở toàn bộ hệ thống. Điều này cho thấy việc tìm tài chính để duy trì các đội bóng chuyền rất khó khăn. Cũng có nghĩa, công tác xã hội hóa bóng chuyền đang đi thụt lùi, từ các CLB cho đến đội tuyển quốc gia.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là sau 20 năm "lên chuyên" bất thành, việc chuyển đổi ở mùa giải năm sau liệu có tạo ra điều gì mới mẻ không và bài toán tài chính sẽ được giải như thế nào. Hay nói đúng hơn, đâu là bài học được rút ra sau 20 năm? Hay đơn giản chỉ là giảm số đội để… bớt gánh nặng?
Hiện tại ở môn bóng rổ đang tồn tại 2 giải đấu song song. Vẫn có một giải vô địch quốc gia dành cho các tỉnh, thành, ngành và một giải đấu khác dành cho các CLB chuyên nghiệp, gọi là giải vô địch bóng rổ chuyên nghiệp (VBA). Nghĩa là "ăn thua ở cách làm" và khả năng đột phá của các nhà quản lý, chứ cũng các CLB đó, thể thức thi đấu đó, thì vẫn sẽ loay hoay.