Bồn cầu bị tắc thì đổ nước nóng hay nước lạnh sẽ hiệu quả hơn? Bỏ túi ngay mẹo này để đỡ tốn tiền gọi thợ
Những mẹo thông tắc bồn cầu dưới đây có thể sẽ giúp bạn xử lý vấn đề một cách nhanh chóng mà không cần phải tốn tiền gọi thợ tới nhà.
Có lẽ gia đình nào cũng từng gặp phải tình trạng bồn cầu bị tắc mà không biết xử lý sao cho nhanh chóng và hiệu quả. Gọi thợ có vẻ là giải pháp an toàn, nhưng không phải lúc nào họ cũng có mặt ngay lập tức để giải quyết vấn đề. Chính vì thế, nếu bạn nắm rõ những bí quyết thông tắc bồn cầu thì biết đâu đấy, có lúc chúng sẽ trở nên rất hữu dụng.
Dưới đây là những phương pháp đẩy thông vật gây tắc bồn cầu cho bạn tham khảo nhé.
Cách thứ nhất: Dùng nước nóng và nước rửa chén
Theo các chuyên gia, nước nóng có thể giúp giấy và các chất thải mủn ra nhanh hơn, do đó, dùng nước nóng để thông bồn cầu sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bạn cần nhớ không dùng nước sôi sùng sục để tránh làm hỏng men của bồn cầu. Trình tự cách làm như sau:
Bước 1: Đun nóng nước trên bếp, không cần đun sôi.
Bước 2: Nhỏ 1 ít dung dịch rửa chén bát vào bồn cầu.
Giải cứu bồn cầu bị tắc bằng nước nóng và nước rửa chén
Bước 3: Đổ nước nóng vào bồn cầu. Nước nóng và nước rửa chén bát đều có tác dụng giúp giấy vệ sinh và chất thải mủn ra dễ dàng hơn, đẩy thông tác nhân gây tắc nhanh chóng hơn. Vì thế bạn đừng dùng nước lạnh nhé.
Bước 4: Cứ để như vậy tầm 5 đến 10 phút, để nước nóng và xà phòng làm công việc của mình.
Bước 5: Lặp lại quá trình trên, tức là lại cho tiếp dung dịch rửa chén bát và nước nóng vào, sau đó hãy giật nước. Với các trường hợp tắc nghiêm trọng hơn, bạn có thể sẽ phải lặp lại quá trình bên trên.
Cách thứ hai: Dùng màng bọc thực phẩm
Nếu bồn cầu nhà bạn bị tắc mà bạn lại không có dụng cụ thông và cũng chẳng muốn bẩn tay thì phải làm sao? Chỉ cần bạn có màng bọc thực phẩm trong nhà thôi. Cách làm rất đơn giản.
Bước 1: Lấy màng bọc thực phẩm ra, dán lên bồn cầu, chú ý phải dán kín hết bề mặt của bồn cầu nhé.
Thông tắc bồn cầu bằng màng bọc thực phẩm
Bước 2: Nhấn nút xả nước bồn cầu, sau đó dùng tay ép xuống. Nếu việc ấn tay này chưa tạo ra đủ áp lực để đẩy thông vật gây tắc thì có thể do việc dán miệng bồn cầu chưa kín và bạn hãy lấy thêm màng bọc để dán kín miệng bồn cầu và tiếp tục xả nước rồi lại dùng tay ấn xuống.
Lần này, áp lực đủ mạnh, chỗ giấy vệ sinh chúng tôi dùng để minh họa vật gây tắc đã được đẩy thông, và bồn cầu đã hết tắc rồi.
Cách thứ 3: Dùng băng dính bản to
Bồn cầu tắc thì chỉ cần băng dính bản to là giải quyết được vấn đề, vừa nhanh vừa tiện lại không lo bắn bẩn
Bước 1: Bạn dùng giẻ lau sạch các vết bẩn, nước trên mặt bồn cầu. Sau đó lấy băng dính bản to dán kín bề mặt bồn cầu, sao cho không hở một khe nào. Dính xong, bạn hãy nhấn nút xả nước từ 1 lần để nước đẩy phồng băng dính lên.
Thông tắc bồn cầu bằng băng dính
Bước 2: Bạn sẽ dùng 2 tay ấn mạnh xuống băng dính vài lần. Áp lực lớn từ trên xuống, cộng thêm sức ép của nước tới điểm bị tắc, mọi thứ sẽ được đẩy thông nhanh chóng.
Lưu ý, nên sử dụng găng tay và đeo khẩu trang y tế khi chuẩn bị thông bồn cầu để đảm bảo vệ sinh nhé. Trước khi thực hiện các bước thông bồn cầu, bạn chỉ xả nước một lần vì khi bồn cầu đã tắc thì bạn xả nước mãi vẫn không thể khiến cho vật cản trôi đi được mà càng làm tăng tình trạng tồn ứ mà thôi.
Cách thứ 4: Dùng chai nhựa
Uống nước xong đừng vứt chai nhựa đi nhé, vì nó có thể có rất nhiều tác dụng mà một trong số đó chính là giải cứu những chiếc bồn cầu tắc đấy.
Cách làm rất đơn giản. Đầu tiên, bạn lấy kéo cắt phần đáy của chai nước, sau đó cầm phần đầu chai nước vẫn đang đóng nắp và sử dụng nó với cùng nguyên lý như khi dùng dụng cụ thông tắc bồn cầu, tức là dùng tay ấn thật mạnh xuống.
Thông tắc bồn cầu bằng chai nhựa
Để không bẩn tay, bạn có thể cho tay vào 1 chiếc túi nilon. Lặp lại động tác này vài lần để đẩy thông vật gây tắc. Sau khi bạn thấy nước rút hết đi thì hãy nhấn nước xả bồn cầu là xong. Cuối cùng, bạn lộn chiếc túi nilon để bọc lấy chiếc chai nhựa vừa sử dụng, buộc lại và vứt vào thùng rác, rất tiện lợi và sạch sẽ đúng không?
Chúc các bạn thành công nhé!