Bom tấn truyền hình 'Arthdal Chronicles' bị chỉ trích quá giống ‘Trò chơi vương quyền’
(Thethaovanhoa.vn) - Loạt phim truyền hình bom tấn Arthdal Chronicles (Niên sử ký Arthdal) đang chật vật không chỉ bởi tỷ lệ khán giả theo dõi thấp hơn dự kiến mà còn gây tranh cãi bởi có quá nhiều điểm giống với các loạt phim truyền hình và phim điện ảnh ăn khách khác.
Ra mắt hôm 1/6 trên kênh truyền hình cáp tvN, Arthdal Chronicles kể về một câu chuyện khi chính trị vừa “nhen nhúm” ở thành phố cổ Arthdal.
Loạt phim này đã trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông ngay cả trước khi công chiếu nhờ dàn diễn viên toàn sao, bao gồm các ngôi sao điện ảnh Jang Dong Gun và ngôi sao phim Hậu duệ mặt trời Song Joong Ki, và ngân sách sản xuất “khủng”: 40 tỷ won (33,7 triệu USD).
Tuy nhiên, phim đã nhận được kết quả đáng thất vọng sau hai tuần đầu phát sóng, với lượng người xem dao động khoảng 6-7% trong 4 tập đầu, thấp hơn nhiều so với loạt phim đình đám trước đó của tvN như Mr. Sunshine (Quý ngài Ánh dương).
- Trang bị cẩm nang trước khi xem những tập tiếp theo của ‘Arthdal Chronicles’
- Tập 1 ‘Arthdal chronicles’: Song Joong Ki xuất hiện chớp nhoáng rồi biến mất
- 5 lý do nhất định không thể bỏ lỡ bom tấn cổ trang của Song Jong Ki ‘Arthdal Chronicles’
Chưa hết, nhiều nhà phê bình còn cho rằng các nhân vật, trang phục, bối cảnh và thậm chí cách dựng phim của Arthdal Chronicles là sự “hổ lốn” của các bộ phim truyền hình và điện ảnh giả thưởng nước ngoài có bối cảnh trong thời cổ đại hoặc hư cấu.
Các hình ảnh trong teaser của loạt phim này cho thấy nhiều nhân vật trong phim mặc trang phục gợi người xem nhớ đến những người thổ dân Mỹ trong loạt phim ăn khách Trò chơi vương quyền (Game of Thrones), về màu sắc và thiết kế.
Một bức ảnh so sánh trang phục và đạo cụ của các nhân vật giữa hai bộ phim truyền hình, được tải lên trên trang web Reddit của Mỹ, đang được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng mạng, cổng thông tin và mạng xã hội Hàn Quốc.
Chẳng hạn, chiến binh Tagon, một trong những nhân vật chính của Arthdal Chronicles (do Jang Dong Gun thủ vai) trông rất giống với Jon Snow trong Trò chơi vương quyền.
Các bộ trang phục màu đỏ và trắng của hai nhân vật nữ trong 2 bộ phim cũng rất giống nhau và bị chỉ trích nhiều từ những người hâm mộ phim Trò chơi vương quyền ở Hàn Quốc.
Thậm chí, thiết kế bối cảnh phim của The Great Black Wall dường như cũng giống với bức trường thành ở biên giới phía Bắc trong phim Trò chơi vương quyền.
Nhiều người còn nêu ra nhiều cảnh và nội dung trong Arthdal Chronicles rất giống với phim Apocalypto (20060 và phim khoa học viễn tưởng Avatar (2009).
Tuy nhiên, ê-kíp làm phim Arthdal Chronicles tranh cãi rằng sản phẩm của họ chẳng có gì để so sánh với Trò chơi vương quyền và họ đã cố gắng tạo ra một câu chuyện mới dựa theo trí tưởng tượng của mình.
“Trò chơi Vương quyền là một bộ phim truyền hình bao trùm toàn bộ lịch sử loài người kể từ thời điểm con người nhảy múa quanh đống lửa. Đây là đỉnh cao của giải trí con người và loạt phim của chúng tôi khó có thể so sánh được” - Park Sang Yeon, một trong những đồng biên kịch của bộ phim, khẳng định trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Seoul hồi tháng 5 khi được hỏi về sự giống nhau rõ rệt giữa hai bộ phim truyền hình.
Còn đạo diễn Kim Won Seok, từng gây tiếng vang với nhiều loạt phim truyền hình như Sungkyunkwan Scandal (Chuyện tình Sungkyunkwan), Misaeng (Mùi đời), Signal (Dấu vết) và My Mister (Ông chú của tôi), nói rằng thật khó có thể đo được kỳ vọng dành cho dự án phim truyền hình lớn nhất Hàn Quốc.
“Tôi đã cố gắng và tôi biết rằng đây không thể là một cái cớ. Tôi muốn yêu cầu khán giả truyền hình giảm bớt kỳ vọng và hãy tận hưởng khi xem phim” - Kim Won Seok nói.
Xem teaser phim Arthdal Chronicles:
Tuấn Vĩ
Theo Yonhap