Boeing cảnh báo chấm dứt hợp đồng với nhân viên chưa tiêm phòng Covid-19
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Washington, hãng sản xuất máy bay Boeing đã gửi một thông điệp nội bộ tới tất cả các nhân viên của hãng ở Mỹ, thông báo họ phải tiêm vaccine ngừa COVID-19, nếu không có thể bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Boeing đặt hạn chót đến ngày 8/12 các nhân viên phải tiêm phòng và hãng chỉ cho phép một số trường hợp ngoại lệ, đồng thời nhấn mạnh “tuân thủ yêu cầu này là một điều kiện tuyển dụng”.
Hiện Boeing cho phép những nhân viên khuyết tật tùy chọn miễn tiêm vaccine. Đối với những trường hợp này, nhân viên sẽ thường xuyên được xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và sẽ cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính.
Boeing cho biết động thái trên được đưa ra nhằm thực hiện lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden yêu cầu các công ty là nhà thầu và nhà thầu phụ của chính phủ liên bang tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên. Một cuộc thăm dò tháng 9 cho biết 2/3 lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ sắc lệnh của Tổng thống Biden.
Liên quan vấn đề tiêm chủng, theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, các nhà khoa học Canada cho rằng hiện chưa có đủ bằng chứng cho thấy người lớn khỏe mạnh cần tiêm mũi vaccine tăng cường và việc tiêm mũi vaccine thứ 3 quá sớm có thể sẽ gây hại nhiều hơn lợi.
Tranh luận về việc tiêm mũi vaccine thứ 3 đã trở nên "nóng" hơn trong những tuần gần đây, khi nghiên cứu mới cho thấy theo thời gian, khả năng bảo vệ của vaccine bắt đầu giảm ở một số người. Dựa trên bằng chứng mới này, Ủy ban Tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada hiện khuyến nghị rằng người trưởng thành bị suy giảm miễn dịch và người cao tuổi sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn nên tiêm mũi thứ 3 để được bảo vệ tốt hơn.
Một số tỉnh tại Canada đã mở rộng đối tượng đủ điều kiện tiêm liều thứ 3 ngoài những nhóm trên. Tỉnh Alberta thông báo bất kỳ ai từ 75 tuổi trở lên đều có thể tiêm mũi thứ 3, trong khi Manitoba hiện đang cung cấp liều tiêm mũi thứ 3 cho nhân viên y tế.
Dữ liệu mới từ Viện khoa học đánh giá lâm sàng (ICES) của Toronto cho thấy gần 8 tháng sau khi được tiêm, khả năng bảo vệ của vaccine chống lại nguy cơ lây nhiễm và nguy cơ bị bệnh nặng vẫn rất cao ở người trưởng thành không bị suy giảm miễn dịch. Khi các nhà nghiên cứu phân tích mức độ bảo vệ của vaccine chống lại biến thể Delta, họ cũng đã tìm thấy kết quả tương tự.
Tiến sĩ Jeff Kwong nhấn mạnh kể cả với những người từ 70 tuổi trở lên sống trong nhà dưỡng lão, khả năng bảo vệ của vaccine vẫn ở mức cao trong khoảng 8 tháng sau khi tiêm. Theo Tiến sĩ Kwong, người cao tuổi sống trong nhà dưỡng lão thường yếu hơn những người sống trong cộng đồng, vì vậy mức độ bảo vệ cao là một dấu hiệu rất tích cực.
Trên thực tế, một số quốc gia, như Israel, đã bắt đầu cung cấp mũi tiêm tăng cường cho tất cả những ai đủ điều kiện. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Allison McGeer cho rằng có một số khác biệt giữa hai nước. Israel đã tiếp cận rộng rãi vaccine này sớm hơn Canada khoảng 3 tháng và cũng có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn nhiều vùng của Canada.
- Mỹ vẫn là Quốc gia tổn thất nặng nhất do Covid-19 với 718.986 người chết
- Vì sao phụ huynh tại Mỹ lưỡng lự tiêm vaccine phòng Covid-19 cho con?
Nhưng Tiến sĩ McGeer cho biết một số khuyến nghị hiện tại có thể phải thay đổi nếu bằng chứng mới xuất hiện. Nếu ngày càng có nhiều ổ dịch tại các cơ sở chăm sóc dài hạn trong những tuần sau Lễ Tạ ơn (ngày 11/10), có thể cần phải nghĩ đến mũi thứ 3 cho nhân viên ở các cơ sở chăm sóc dài hạn để cung cấp thêm một lớp bảo vệ cho người cao tuổi.
Một số chuyên gia y tế cũng kêu gọi tiêm mũi thứ 3 cho các cộng đồng thổ dân. Tiến sĩ Kwong cho rằng khuyến nghị này có thể phù hợp, do nhiều cộng đồng bản địa có tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính cao hơn, điều này có thể khiến các cá nhân dễ bị nhiễm COVID-19 nặng hơn. Tiến sĩ McGeer cũng nhấn mạnh sự an toàn khi đề cập mũi tiêm thứ 3.
Ví dụ, vaccine công nghệ mRNA có liên quan đến các trường hợp hiếm gặp là viêm tim ở nam giới trẻ tuổi, vì vậy bất kỳ khuyến nghị nào về việc triển khai tiêm liều tăng cường cho đối tượng này cũng cần phải được xem xét rất cẩn thận.
TTXVN