Bộ Y tế dự báo Việt Nam thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034: Bài học nhìn từ Trung Quốc, Ấn Độ, đàn ông nuôi mộng về một đám cưới rộn ràng
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn là nỗi ám ảnh của các quốc gia đông dân trên thế giới, kéo theo nhiều hệ lụy như bóp méo thị trường lao động, gia tăng tội phạm bạo lực, tệ nạn buôn người, mại dâm...
Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này thông thường là 104 – 106 bé trai/100 bé gái. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của SRB chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ đích và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa đến sự ổn định dân số của quốc gia.
Chênh lệch giới tính nghiêm trọng tại Việt Nam
Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2022 ở mức cao, khoảng 113,7 trẻ trai trên 100 bé gái, được Tổng Cục Dân số đánh giá là "nghiêm trọng".
Thông tin được ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Dân số, Bộ Y tế, cho biết tại Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam, ngày 26/12. Ở một số địa phương, chênh lệch giới tính khi sinh cao hơn mức bình quân cả nước, như Sơn La 117 bé trai/100 bé gái, Nghệ An là 116,6.
"Mất cân bằng giới tính khi sinh đang tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng", ông Tú nhận định và thêm rằng tình trạng thừa nam thiếu nữ tại Việt Nam ngày càng lan rộng, cả thành thị và nông thôn.
Theo ông Tú, tỷ suất giới tính khi sinh năm 2022 như trên là thống kê dựa trên cơ sở số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành. Tổng Cục Dân số cũng chưa công bố số lượng trẻ chào đời trong năm nay là bao nhiêu.
Tổng Điều tra dân số năm 2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy tỷ lệ giới tính khi sinh là 112,1 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 111,5. Như vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính đang tiếp tục tăng, trong khi mục tiêu được ngành dân số đặt ra là kéo giảm còn 111,4 trẻ trai/100 trẻ gái.
Các chuyên gia cho rằng mất cân bằng giới sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới dư thừa nam giới. Tổng cục Thống kê dự báo Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034, riêng năm 2019 cả nước bị thiếu hụt 45.900 bé gái. Về lâu dài, hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ làm tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình, có thể tăng nhu cầu mại dâm dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ tăng.
Đàn ông Trung Quốc và Ấn Độ không có vợ để lấy
Tại Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước đông dân nhất thế giới đang chịu hậu quả của tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng.
Mặc dù tính đến năm 2020 tỷ lệ nam nữ ở Trung Quốc đã về mức an toàn là 105,07/100, thay vì mức cao kỷ lục hơn 120/100 của năm 2004, nhưng theo kết quả điều tra dân số được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hồi đầu năm 2021, nam giới ở nước này đang nhiều hơn phụ nữ 34,9 triệu người. Họ thuộc các nhóm tuổi khác nhau, trong đó có 17,52 triệu người trong độ tuổi kết hôn từ 20-40 tuổi.
Cũng theo số liệu này, trong số 12 triệu trẻ em được sinh ra vào năm 2020 ở Trung Quốc, cứ 100 bé gái thì có 111,3 bé trai.
Năm 2018, Ấn Độ thừa 37 triệu đàn ông, thanh niên nam. Tỷ lệ sinh bé gái tiếp tục giảm kể cả khi kinh tế Ấn Độ phát triển. Giới chức cho rằng tình trạng mất cân bằng giới diễn ra khi công nghệ cho phép lựa chọn giới tính cho con trong 30 năm qua.
Anh Suresh Kumar (Ấn Độ) từng mơ ước đến ngày cưới rộn ràng. Nhưng sau một lần hứa hôn không thành, người đàn ông 35 tuổi phải đối mặt với một sự thật phũ phàng rằng anh sẽ không bao giờ có vợ, con. Người đàn ông ế vợ bị cô lập, không được tham gia vào những quyết định gia đình trọng đại và hay phải chịu sự chế nhạo.
"Mọi người nói rằng tôi không có vợ, con thì sao phải làm việc chăm chỉ?", anh Kumar nói, mọi người thường nghĩ "người đàn ông này bị vấn đề gì vậy?"
Tại Trung Quốc, anh Li Weibin, 30 tuổi, chưa bao giờ có bạn gái, sống chung phòng ký túc xá với 5 người đàn ông khác tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông. Sự chênh lệch lớn giữa số lượng đàn ông và phụ nữ tồn tại ở ngôi làng trên núi nơi anh sống, trong nhà máy nơi anh làm việc và cả trên công trường xây dựng nơi anh kiếm được khoản lương khiêm tốn.
"Tôi muốn tìm bạn gái, nhưng tôi không có tiền hay cơ hội để gặp họ", anh nói. "Phụ nữ có tiêu chuẩn rất cao, họ muốn nhà, xe. Họ không muốn nói chuyện với tôi".
Tình trạng nam giới không tìm được vợ ảnh hưởng sâu sắc đến nhịp sống gia đình. Phụ nữ Ấn Độ và Trung Quốc, những người vốn ưa con trai hơn, cũng đang già đi và phải chịu gánh nặng nấu ăn, dọn dẹp cho những đứa con chưa vợ.
Bà Om Pati, vợ của một nông dân tại làng Bass, bang Haryana, có cả thảy 7 người con trai, tất cả đều sống chung dưới một mái nhà.
Người Ấn Độ có một lời chúc phúc trong tiếng Phạn dành cho các bà mẹ là “chúc có 100 đứa con trai”. Và sự thực là nhiều lúc bà Om Pati có cảm giác làm mẹ của 100 đứa con trai thật. Bà làm việc từ bình minh tới tối, nhào hàng cân bột mỗi ngày để chăm sóc cho chồng và 7 đứa con trai trong độ tuổi từ 22-38. Người phụ nữ 60 tuổi tự an ủi bản thân với ý nghĩ rằng một ngày nào đó có con dâu để trò chuyện, chia sẻ nghĩa vụ nấu nướng, và sinh cho bà đứa cháu nội.
Nhưng vào thời điểm con trai cả, Sanjay, một đầu bếp hiện 38 tuổi, bước vào tuổi kết hôn, bà và chồng không thể tìm được mối nào cho con. Phần lớn phụ nữ trong làng đã rời đi để tìm cơ hội tốt hơn, còn số phụ nữ ít ỏi ở lại đều đã kết hôn.
Shang Jin Wei, nhà kinh tế học tại Đại học Columbia, Mỹ, ví việc tìm vợ "giống như chạy đua vũ trang trên thị trường hẹn hò và hôn nhân". Trong đó, một ngôi nhà, khoản tiết kiệm, công việc tốt là những điều kiện cần để lấy được một người vợ tốt.
Chẳng hạn, đàn ông Trung Quốc phải đưa một khoản tiền cho gia đình cô gái để có được sự chấp thuận hứa hôn. Từ đây, con trai từng là một chỗ dựa chống nghèo khi về già, thì cha mẹ già giờ đang phải hy sinh để giúp con trai tìm vợ.
Ngược lại, ở Ấn Độ, con gái muốn lập gia đình phải có của hồi môn cho nhà chồng. Và của hồi môn cho con gái là một gánh nặng tài chính khổng lồ. Nhiều cha mẹ thậm chí phải bắt đầu tiết kiệm để mua của hồi môn khi con gái vừa ra đời.
"Con gái tốn kém rất nhiều trong khi đóng góp của chúng cho gia đình không đáng kể. Đó là lý do các cặp cha mẹ đều muốn có con trai", Yuiko Nishikawa, một giáo sư ngành nhân khẩu học Ấn Độ tại đại học Josai, Nhật Bản, cho biết.
Các bé trai được yêu thích hơn vì chúng được coi là trụ cột, tương lai, người sẽ kế thừa những truyền thống của gia đình. Còn bé gái bị cho là gánh nặng, sau này sẽ về nhà chồng không thể chăm sóc gia đình được nữa. Đó chính là một trong những lý do khiến phụ nữ phá thai để chọn giới tính.
Hệ lụy không chỉ là "ế" vợ
Tình trạng "thừa nam, thiếu nữ" bóp méo thị trường lao động, tỷ lệ tiết kiệm tăng vọt trong khi sức tiêu thụ giảm sút, đi cùng đó là tội phạm bạo lực, tệ nạn buôn người, mại dâm gia tăng. Những hậu quả đó không chỉ giới hạn trong Trung Quốc hay Ấn Độ, mà còn lan rộng tới các nước láng giềng.
Các con số thống kê chính thức cho thấy, các vụ hãm hiếp ở Ấn Độ đã tăng lên chóng mặt trong vòng 40 năm qua, từ 2.487 vụ năm 1971 lên 24.206 vụ năm 2011 và hơn 37.000 vụ năm 2014.
Số liệu thống kê cho thấy, cứ khoảng 15 phút lại có một phụ nữ Ấn Độ bị cưỡng hiếp (chưa kể nhiều trường hợp nạn nhân giấu kín thông tin). Số vụ tấn công phụ nữ nói chung thậm chí còn tồi tệ hơn. Cứ mỗi 2 phút lại có một phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo hành. Đây được xem là thách thức nghiêm trọng và vô cùng khó khăn đối với Chính phủ Ấn Độ.
Năm 2018, một nhóm học sinh lớp 11 trường ở làng Gothra Tappa Dahina đã tổ chức biểu tình tuyệt thực vì họ không muốn bị quấy rối bởi đàn ông mỗi lần đi bộ trên con đường 2,5 km tới trường ở thị trấn kế bên. Nữ sinh thường bị bao vây bởi nhóm thanh niên đi xe máy chạm vào người họ và gọi họ bằng những từ ngữ khiêu khích.
"Bất kỳ điều gì tôi trải qua trong những ngày tháng đó cũng không đáng được tha thứ", Sujata Chauhan, 14 tuổi, cho hay.
Những người thừa nhận quấy rối phụ nữ thì nói rằng việc này là vô hại và thỉnh thoảng, các thiếu nữ còn tán tỉnh lại.
Shakti Singh, một sinh viên 20 tuổi, và bạn bè học theo cách cư xử của những người đàn ông trong phim lãng mạn Bollywood, đóng vai "chàng Romeo" tới phá vỡ "bức tường" trong tim người phụ nữ.
"Phim ảnh có ảnh hưởng lớn", Singh nói. "Kể cả khi cô gái nói không, con trai vẫn sẽ tiếp tục đuổi theo. Cô ấy có thể tiếp tục từ chối, nhưng cuối cùng, anh ta vẫn có được cô gái".
Bên cạnh đó, một thực trạng tồn tại ở Ấn Độ đó là nam giới chiếm đa số trong lực lượng lao động cũng như dân số. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động Ấn Độ ở khoảng 27% vào năm 2014, thấp hơn so với mức 50% của trung bình toàn cầu. Sự mất cân bằng trong lực lượng lao động đồng nghĩa với việc quốc gia này đang bỏ lỡ tiềm năng lớn trong phát triển. Theo báo cáo của McKinsey, GDP của Ấn Độ vào năm 2025 có thể tăng hơn 60% so với mức hiện nay nếu phụ nữ đóng vai trò cân bằng với nam giới trong lực lượng lao động.
Trước thực trạng nhức nhối trên, các nước đã thực thi nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu hệ lụy đến cấu trúc dân số cũng như trật tự xã hội. Từ đầu thập niên 1990 đến nay, chính quyền Trung Quốc nỗ lực thực hiện nhiều chương trình làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính và áp dụng các biện pháp cứng rắn để kiểm soát, nghiêm cấm các hình thức phá thai lựa chọn giới tính.
So với Trung Quốc, Ấn Độ cũng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp can thiệp về mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2003, Ấn Độ ban hành luật để nghiêm cấm việc chẩn đoán giới tính thai nhi. Hai năm sau, có trường hợp bác sĩ đầu tiên của Ấn Độ bị tuyên án 2 năm tù và bị phạt 120 đô la Mỹ vì vi phạm luật.
Bên cạnh đó, Ấn Độ chú trọng các chiến dịch tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục cho các nhóm đối tượng đích. Mặt khác, tăng cường thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử nam - nữ. Ngoài các biện pháp kỹ thuật, Ấn Độ còn có các chính sách xã hội nhằm nâng cao địa vị phụ nữ, như ở một số vùng trẻ em gái đi học được miễn phí, mỗi trẻ em gái sinh ra được một khoản tiền tiết kiệm.
Đàn ông tuổi 30 ngày càng cô đơn: Chênh lệch giới tính gia tăng, các tiêu chuẩn của nữ giới đặt ra cao đến mức khó đáp ứng