Bộ trưởng Bộ Y tế: 'Có thực mới vực được đạo'
- Bộ Y tế chính thức lên tiếng vụ 2 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Trí Đức
- Bộ Y tế yêu cầu xác minh vụ 'Người nhà mang xác hài nhi đặt lên bàn giám đốc'
- Người thực hiện hàng vạn ca mổ tim gửi 'tâm thư' tới Bộ trưởng Bộ Y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh ở Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Thực tế, sau hơn 1 năm triển khai Quyết định số 2151/QĐ - BYT ngày 4/6/2015, về việc “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, bước đầu ngành Y tế đã có những chuyển biến tích cực.
Kết quả kiểm tra cho thấy, số thư khen ngợi tinh thần thái độ của nhân viên y tế tăng lên, số cuộc điện thoại phê bình cán bộ y tế đã giảm. Qua trao đổi, phỏng vấn trực tiếp, nhiều người bệnh đã cảm nhận được sự thay đổi bước đầu của ngành y, thời gian chờ đợi của người bệnh đã giảm, cán bộ y tế có tinh thần, thái độ phục vụ, hướng dẫn người bệnh tận tình, chu đáo hơn trước.
Nhiều bệnh viện có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn như: Phân loại đối tượng tập huấn; tổ chức các hội thi thanh lịch, ứng xử trong bệnh viện; xây dựng slogan như: “Sức khỏe người bệnh là sứ mệnh người thầy thuốc”, “An toàn, thân thiện, bệnh viện vì dân”, “Cấp cứu thật nhanh, để giành sự sống”…
“Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ khiếm nhã với người bệnh và thân nhân họ, đã bị báo chí phát hiện, người dân phản ánh”, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Như tại Bệnh viện K, theo đánh giá độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, mức độ hài lòng của người bệnh cho kết quả cơ sở 1 lại cao nhất 87,5% và cơ sở 3 là thấp nhất 51,7%. Trong khi đó, cơ sở 3 là nơi có cơ sở vật chất tốt hơn, nhưng cách sắp xếp, tổ chức khoa phòng chưa hợp lý, còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho người bệnh (4 người/giường bệnh). Vụ việc này do đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế phát hiện trong lần thị sát bệnh viện, sau khi “hỏi dò” người bệnh về công tác chăm sóc, điều trị tại bệnh viện.
Kiểm tra chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn. Ảnh: TTXVN
“Theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là một số lãnh đạo bệnh viện chưa thực sự thấy hết tầm quan trọng của việc thay đổi thái độ phục vụ để làm hài lòng người bệnh. Đặc biệt, nhận thức của một bộ phận cán bộ y tế chưa thay đổi, vẫn nặng tâm lý “xin - cho”, “mang ơn”… nên còn tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, hách dịch, quát mắng người bệnh,nhất là khu vực phía Bắc”, Bộ trưởng Tiến phân tích.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Trong đó, tập trung tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ y tế nhất là đội ngũ bảo vệ, trông xe, thu ngân, điều dưỡng; Tổ chức các phong trào thi đua, sân khấu hóa nội dung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế.
Đặc biệt, ngành sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất với các biện pháp kiểm soát hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh, duy trì hoạt động đường dây nóng, hòm thư góp ý. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp...
Chú trọng triển khai thực hiện lộ trình nâng giá viên phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Thực hiện đổi mới cơ chế tài chính tại các bệnh viện, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, tài chính. Hướng dẫn, yêu cầu các bệnh viện quan tâm đời sống vật chất cho cán bộ y tế.
“Có thực mới vực được đạo”, yêu cầu nhân viên y tế phải niềm nở, chu đáo với bệnh nhân, trong khi bệnh viện lại quá tải thì mức lương của họ cần được đảm bảo, đồng thời có chế độ thưởng - phạt rõ ràng. Do đó, Bộ Y tế chủ trương triển khai đổi mới phong cách thái độ phục vụ gắn liền với việc nâng cao đời sống vật chất và thu nhập cho cán bộ y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết.
Theo Bộ trưởng, học y vất vả là một thực tế và trong quá trình làm việc cũng có rất nhiều áp lực. Việc nghiên cứu, đề xuất cũng như thực hiện các chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, viên chức ngành y tế trong thời gian qua đã được Đảng và Chính phủ quan tâm.
Vừa qua, ngày 18/10/2016, Chính phủ đã phê duyệt Khung trình độ Quốc gia Việt Nam. Theo đó, người tốt nghiệp bác sĩ, dược sĩ tương đương bậc 7 và sẽ được hưởng chế độ như tốt nghiệp thạc sĩ các ngành khác.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ có các giải pháp và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế phù hợp với khả năng của Nhà nước và điều kiện kinh tế xã hội nhằm nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế.