Bộ tranh thờ hổ của dòng tranh Hàng Trống: Một đỉnh cao của tranh Dân gian Việt Nam

Điều mà chúng ta không thể ngờ tới là các tranh thờ hổ của Hàng Trống lại đạt tới đỉnh cao với chỉnh thể mẫu mực kể từ sau năm 1960 trở đi.
03/02/2022 07:00

(Thethaovanhoa.vn) - Điều mà chúng ta không thể ngờ tới là các tranh thờ hổ của Hàng Trống lại đạt tới đỉnh cao với chỉnh thể mẫu mực kể từ sau năm 1960 trở đi.

Khai mạc trưng bày 'Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam'

Khai mạc trưng bày 'Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam'

Chào đón Xuân Nhâm Dần 2022 đang tới gần, sáng 18/1/2022, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số nhà sưu tập tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam".

Tất cả các dân tộc khi mới hình thành đều tôn thờ những sức mạnh siêu nhiên. Họ tin rằng mọi tạo vật đều có linh hồn... Bỡ ngỡ với môi trường thiên nhiên bao quanh, họ vừa khiếp sợ loài thú dữ, vừa ước ao sở hữu được sức mạnh của chúng. Người Ai Cập tôn thờ cá sấu và sư tử. Các vua Lưỡng Hà vừa tôn thờ vừa quyết đấu với sư tử để giành thế tối thượng nhằm quảng bá ngôi báu coi như được thần linh trao cho. Người Hy Lạp cổ đại sơ kỳ - thuở mới đạt vị thế cường quốc trên biển thì tôn thờ bạch tuộc và mực khổng lồ. Người Trung Hoa ban đầu ngưỡng mộ hổ nhưng sau lại chuyển sang tôn thờ một mãnh thú ngoại lai (không sống tự nhiên trên đất nước họ) là sư tử...

Với người Việt Nam, hổ là loài mãnh thú xuất hiện với tần số cao, nhất là khi nó được suy tôn là “chúa sơn lâm”. Xa xưa nhất có tượng hổ dẹt cỡ mini khai quật ở Lãng Ngâm, Bắc Ninh và vài hình nhỏ khắc họa trên đồ đồng Đông Sơn. Sau khi mất ngôi “chúa sơn lâm” bởi thời Lý (1009-1225) tôn thờ sư tử, bất ngờ hổ trở lại vị thế oai phong- được tạc tượng uy nghi dưới thời Trần (1225- 1400) - hổ đá nằm canh lăng Thái sư Trần Thủ Độ. Đặc biệt khi các làng xã Việt lần lượt dựng đình khắp châu thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (các thế kỷ XVI, XVII, XVIII) thì hình tượng hổ được tạc khá nhiều trên các vì kèo. Thuở ấy rừng vẫn còn dày chẳng những khắp miền núi và trung du mà còn phổ biến ở đồng bằng miền Bắc...Đến hậu kỳ phong kiến - thời Nguyễn - thì hình tượng hổ được hoàn thiện và rất hấp dẫn trong tranh thờ Hàng Trống...

Chú thích ảnh
Xích hổ thần tướng (hổ đỏ). Ảnh Lê Bích

Một trong những đỉnh cao của nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam

Lâu nay chúng ta có thói quen khó sửa - coi những gì thuộc về dân gian thì thường là “nôm na”, phổ thông và chưa hoàn thiện... Tuy nhiên, tất cả những ai lần đầu được thấy bộ tranh vẽ hổ của dòng tranh Hàng Trống thì đều rất ấn tượng bởi sự hoàn thiện đầy thuyết phục cả về tạo hình, đường nét và màu sắc. Dù treo tại các phủ, điện, đền, miếu hay tư gia thì các tranh hổ này đều rất “bắt mắt” vì rực rỡ màu sắc... với hình tượng chúa sơn lâm oai phong, đầy uy lực mà cũng rất bay bướm và tinh tế.

Các tranh hổ này hấp dẫn ta từ xa nhưng càng xem gần thì càng thấy nhiều chi tiết tinh vi trong tạo dáng oai phong lẫm liệt. Bố cục các tranh hổ đơn đều rất chỉnh thể, còn Ngũ hổ thì đăng đối 4 góc một cách hoàn hảo đến từng chi tiết. Nếu so đọ về phương diện “kỹ thuật của nghệ thuật” thì bộ tranh Hổ Hàng Trống đạt chất lượng chuyên nghiệp chẳng kém gì các tác phẩm mỹ thuật hạng nhất quốc gia. Có khác chăng chỉ vì tác phẩm mỹ thuật chuyên nghiệp quý ở chỗ đơn chiếc nên độc đáo trong khi tranh dân gian thì in, vẽ và bán vô số bản qua nhiều thế kỷ nên có phần suồng sã...

Hơn nữa, ở kỷ nguyên hiện đại, tuyệt đại đa số các họa sĩ ta quá chú trọng đề tài con người mà ngó lơ thế giới động - thực vật và những hình tượng ngụ ngôn từng ngự trị xuyên suốt nghệ thuật dân gian từ thượng cổ đến tận cận đại. Thế giới “phi con người” mà có khi vẫn ngụ ý “cõi nhân gian” ấy từng ngự trị hằng hà sa số trên diềm bia đá, trong chạm khắc đình làng, vẽ trên đồ gốm cũng như tranh dân gian... Và bức Ngũ hổ hiện có vị trí xứng đáng trong phòng Nghệ thuật dân gian của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tranh “Ngũ hổ” (tác giả chụp lại từ sách “Tranh tượng dân gian Việt Nam” (NXB Văn hóa, 1962)

Cuộc truy tìm nguồn gốc bộ tranh hổ...

Đúng là bộ tranh hổ của dòng tranh Hàng Trống có nguồn gốc từ Trung Quốc - các học giả không ai dám nghi ngờ điều này. Nhưng suốt 20 năm nay, chúng tôi tìm nhiều cách để mua các sách về tranh dân gian Trung Quốc - được xuất bản chính thức tại nước CHND Trung Hoa cũng như miệt mài tra trên các trang mạng internet... mà hiệu quả thu được đều không khả quan. Mãi vẫn chưa thấy các mẫu tranh có thể tin được rằng chúng xứng đáng là nguồn mẫu gần nhất với bộ tranh thờ hổ của dòng Hàng Trống Việt Nam. Hiện mới chỉ thấy được một số tranh dân gian Trung Quốc vẽ hổ nhưng có khoảng cách khá xa về bố cục, cấu trúc và tạo hình- chưa đạt mức chỉnh thể như tranh hổ Hàng Trống của ta.

Thực ra từ cuối thế kỷ XIX đã sớm có các sách nghiên cứu của phương Tây đề cập và in dẫn chứng tranh Ngũ hổ của Trung Quốc có bố cục gần với tranh Ngũ hổ của ta nhưng lại chỉ có bản nét khá giản lược với cấu trúc và tạo dáng các con hổ chưa thật mạch lạc...

Sách The Buddhism of Tibet or Lamaism (Phật giáo Tây Tạng hay Lạt Ma giáo) của tác giả Larence Austine Waddell in tại London, Anh năm 1895, có dẫn chứng hình tranh Ngũ hổ của Trung Quốc đúng với bố cục hổ vàng chính giữa và 4 hổ khác màu ở 4 phía... nhưng minh họa này chỉ có nét đen, không có màu, không nền mây, mà tạo dáng hổ rất gần hiện thực, chưa được cách điệu cao như tranh hổ Hàng Trống.

Sách Chrestomathie Annamite của tác giả Edmond Nordemann, in tại Hà Nội năm 1898, được thày Ngô Đê Mân dịch thành Quảng tập viêm văn (Tổng tập những bản văn hay) có minh họa một tranh Ngũ hổ khác, cũng bố cục một hổ chính giữa với 4 hổ 4 phía... nhưng cũng chỉ là bản nét đen, không màu, không nền mây, tạo hình cả 5 con hổ đều quá nệ thực và các chi tiết đầu, chân, đuôi hổ đều lệch pha, không đăng đối, càng khó sánh với tạo hình hổ Hàng Trống đã được cách điệu cao.

Các sách về tranh dân gian Trung Quốc, xuất bản tại CHND Trung Hoa cuối thế kỷ XX, đầu XXI cũng chỉ lẻ tẻ 1-2 tranh Ngũ hổ, bố cục không đăng đối chỉnh thể, có in màu nhưng kém xa về chất lượng vờn tỉa...

Chú thích ảnh
Hình minh họa từ sách “The Buddhism of Tibet or Lamaism” của L.A. Waddell 1895 - Bố cục tranh “Ngũ hổ” Trung Quốc

Có phần nản, chúng tôi đành tạm suy đoán bằng cách đặt câu hỏi: “Phải chăng bởi những biến động lịch sử suốt 3/4 đầu thế kỷ XX mà các mẫu tranh thờ hổ đẹp đẽ của họ, thậm chí cả một số làng tranh dân gian của họ đã vĩnh viễn thất truyền?” Có thể lắm! Tuy nhiên lại bật ra một câu hỏi khác: “Nếu vậy, tại sao trong 2 cuốn sách tiếng Anh và Pháp kể trên, được xuất bản vào cuối thế kỷ XIX mà tác giả của chúng lại đều không biết tới mẫu tranh Ngũ hổ đầy hấp dẫn như của Hàng Trống Việt Nam hay mẫu gần nhất, có cách điệu cao của Trung Quốc?”.

Sẽ có khá nhiều phương án trả lời... Tuy nhiên rất có thể vì ở thời điểm đó - trước 1900 - các tranh Ngũ hổ của Trung Quốc cũng chỉ dừng ở chất lượng như minh họa trong 2 sách kể trên. Và thời điểm đó tranh Ngũ hổ của Hàng Trống còn sơ khai, chưa hoàn thiện đến chỉnh thể như bây giờ - theo mẫu có khoảng từ sau năm 1960 đến nay! Xin bình về luận điểm bất ngờ này sau.

Chủ đề và nội dung của bộ tranh thờ hổ

Chủ đề và nội dung của bộ tranh thờ hổ có liên quan mật thiết đến mấy tôn giáo từng thịnh hành ở Hoa Nam, Tây Tạng và Việt Nam... Đó là các tôn giáo: đạo Lạt Ma; đạo Bon; Mật tông; và đạo Lão hay còn gọi là Đạo giáo, vốn của người Trung Quốc nhưng về sau thâm nhập sâu vào tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số ở vùng núi Hoa Nam và cả Bắc Việt Nam - đạo này cũng pha trộn nhiều pháp thuật phù thủy, bùa chú và thờ cúng các linh vật trong đó có hổ.

Về nội dung, tranh Ngũ hổ trình bày học thuyết Ngũ hành phương Đông bằng hình tượng 5 con hổ, biểu hiện các sơn thần trấn giữ tứ phương và trung ương.

Thứ nhất là Hổ vàng, hành Thổ, tượng trưng cho đất đai, luôn giữ vị trí trung tâm, vai quan trọng nên hổ vàng được ôm bài vị có 4 chữ “Pháp đại uy linh”- Uy linh của quyền phép lớn. Người Việt ta thường thấy đất màu nâu nhưng người Trung Hoa có gốc tích từ cao nguyên Hoàng Thổ (đất màu vàng), khiến dòng sông lớn chảy qua đó xói mòn đất thành Hoàng Hà (sông vàng), đổ ra biển thành Hoàng Hải (biển vàng).

Thứ nhì là Hổ đỏ, hành Hỏa, tượng trưng cho mùa Hạ, phương Nam, nhiều nắng và nóng.

Thứ ba là Hổ xanh, hành Mộc, tượng trưng cho mùa Xuân, phương Đông.

Thứ tư là Hổ trắng, hành Kim, tượng trưng cho mùa Thu, phương Tây - mà phía Tây của Trung Quốc cổ là cao nguyên Tây Tạng, có băng tuyết vĩnh cửu trắng xóa trên nóc nhà thế giới.

Thứ năm là Hổ đen, hành Thủy, tượng trưng cho mùa Đông, phương Bắc - thủy ở đây là “thoạt kỳ thủy” khi trời đất mới tạo lập, vẫn còn là cõi hỗn mang tăm tối. Đáng nói thêm là vào thời mới khai khẩn đất hoang, người Trung Hoa xếp hạng 5 con vật độc hại gồm rết, thằn lằn, bọ cạp, cóc và rắn mà kẻ sẽ bảo vệ người khỏi 5 vật độc ấy lại là con hổ!

Chú thích ảnh
Tranh thờ “Ngũ hổ” Hàng Trống đầu thế kỷ 20 của Bảo tàng Quai Branly, Pháp. Bố cục tranh và tạo dáng hổ chưa cách điệu cao

Vươn lên và đạt chuẩn mực

Nghệ thuật vẽ tranh thờ hổ của dòng Hàng Trống Việt Nam trải qua quá trình tịnh tiến, vươn lên vào thời Pháp thuộc nhưng đạt đến chỉnh thể kể từ khoảng 1960 trở đi.

Dù chưa tìm ra bằng chứng xác đáng song dường như các nhà nghiên cứu mỹ thuật đều cho rằng dòng tranh dân gian Hàng Trống hình thành sớm nhất có thể vào cuối thời vua Lê- chúa Trịnh (nghĩa là chậm hơn dòng tranh Đông Hồ), phát triển dần vào thời Nguyễn, thịnh đạt vào thời Pháp thuộc do cơ chế thị trường thuộc địa nửa tư bản. Thế nhưng rất bất ngờ là riêng các tranh thờ hổ lại đạt tới chuẩn mực và tinh tế khoảng từ năm 1960 đến nay - đầu thế kỷ XXI.

Hóa ra không phải những mẫu tranh dân gian - loại phổ biến đến quen thuộc - đều công thức hóa ngay khởi đầu và bất biến cùng thời gian. Qua các lưu trữ của Pháp và những bức ảnh tư liệu từ thời Pháp thuộc đến nay, chúng tôi thấy được quá trình từ sơ khai đến hoàn thiện của một số mẫu tranh Hàng Trống, nhất là các tờ tranh thờ hổ. Do những nguyên nhân lịch sử mà chúng ta chỉ có thể biết được bố cục nét của tranh Ngũ hổ vào cuối thế kỷ XIX nhưng cũng đủ để thấy tạo dáng các con hổ còn khá nệ thực, chưa được chuẩn hóa và cách điệu cao như sau này. Con Hổ vàng ở trung tâm còn chưa hề kính cẩn ôm bài vị bằng cả 4 chân. Các nét vằn của cả 5 con hổ còn thô sơ, chưa hề cách điệu và kém xa sự uyển chuyển sau đó. Nét vẽ râu ria hổ đã có nhưng ngắn và chỉ là vẽ cho có chứ chưa tỉa dài và điệu đà như ngày nay ta thấy.

Sang nửa đầu thế kỷ XX, tức là thời Pháp thuộc, kể cả thời Hà Nội trong vùng Pháp tạm chiếm trước 1954, do cơ chế thị trường tư bản nửa thuộc địa khuyến khích thương mại, không gò ép đường hướng nghệ thuật dân gian nên có giai đoạn tranh Hàng Trống bán rất chạy, đạt tới cực thịnh khoảng từ 1930 đến 1945. Đó cũng là thời mà các tranh thờ hổ được in và tô màu rất nhiều nhưng chạy theo số lượng, nét và màu rất hoạt nhưng bố cục chưa mạch lạc, chi tiết chưa kịp chỉn chu đã phải vội bán. Rõ nhất là các dáng hổ chưa đạt chuẩn mực như các bức Ngũ hổ mà ta thấy ngày nay.

Chú thích ảnh
Ảnh tư liệu do Pháp chụp năm 1953 tại Hà Nội. Người thợ ngồi bên trên, bên phải đang tô màu một tờ tranh “Ngũ hổ”

Điều mà chúng ta không thể ngờ tới là các tranh thờ hổ của Hàng Trống lại đạt tới đỉnh cao với chỉnh thể mẫu mực kể từ sau năm 1960 trở đi. Đó cũng chính là lúc nghệ thuật dân gian nói chung phải chịu thử thách của phong trào hợp tác hóa (mọi ngành nghề vào hợp tác xã, kể cả nghề sáng tạo cá nhân) và chủ trương chống mê tín - dị đoan có phần rất quyết liệt. Các khách hàng mua tranh thưa dần...

Tuy nhiên các nghệ nhân ưu tú của 2 dòng tranh Hàng Trống và Đông Hồ lại trở thành nhân viên chuyên trách nghệ thuật dân gian trong các cơ quan văn hóa nghệ thuật như NXB Văn hóa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Họ được tiếp xúc nhiều với nghệ thuật chuyên nghiệp. Họ được đặt hàng làm tranh dân gian chất lượng cao để triển lãm quảng bá văn hóa trong và ngoài nước, in vào sách nghệ thuật quốc gia, làm hàng mẫu để giới thiệu và xuất khẩu sang Đông Âu... Những tờ tranh mẫu mực được làm kỹ mà không chạy theo thị trường, lại được các họa sĩ kiêm lãnh đạo mỹ thuật rất am hiểu giá trị nghệ thuật dân gian góp ý chỉnh lý dần. Kết quả là các tờ tranh thờ hổ ngày càng chỉn chu, chuẩn hóa, tinh tế với chất lượng cao.

Tranh Ngũ hổ in trong sách Tranh dân gian Việt Nam 1962 bởi NXB Văn hóa là dẫn chứng điển hình ở điểm khởi đầu cho nhận định trên.

Kịp đến cuối thế kỷ XX, khi đất nước mở cửa, đổi mới thì nhu cầu văn hóa nghệ thuật đáp ứng du lịch và du khách ngày càng phát triển. Đặc biệt kể từ khi UNESCO công nhận và xếp hạng Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt thì các tranh thờ Hàng Trống được dịp phát triển theo bởi đó là một phần hữu cơ của tục thờ phụng gốc Việt này. Các điện, phủ, miếu thờ cũng như các lễ Hầu đồng được dịp trang hoàng với các mẫu tranh thờ rực rỡ, chất lượng cao, trong đó có bộ tranh thờ hổ Hàng Trống.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là các nghệ nhân Hàng Trống từng và đang làm trong các cơ quan văn hóa nhà nước được tạo điều kiện nâng cao tay nghề - chính bản thân họ cũng nỗ lực khắc phục những điểm chưa hoàn thiện để cuối cùng xuất ra các tranh chất lượng cao hơn. Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - ông Lê Đình Nghiên có hơn 40 năm làm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện có tay nghề rất cao và dù đã hưu trí nhưng hiện ông nhận được nhiều đặt hàng tranh. Các bộ tranh thờ hổ do ông thực hiện ngày nay có bố cục hoàn thiện, màu sắc rực rỡ mà bền đẹp, các chi tiết tinh tế tuyệt vời. Ông tô và cán màu thành thạo tới mức người xem có cảm giác như tay ông đang múa. Với họa sĩ chuyên nghiệp thì càng quen tay càng dở nhưng với nghệ nhân dân gian Hàng Trống ở đỉnh cao thì càng quen tay càng đáng quý.

Bởi thế, dù chưa hẳn đã đủ dữ liệu và bằng chứng từ tranh thờ hổ Trung Quốc hay Mật tông Tây Tạng nhưng sau khi theo dõi tranh thờ Hàng Trống, nhất là bộ tranh thờ hổ, sau ít nhất một thế kỷ mà các nghệ nhân ta phấn đấu trong những điều kiện đôi khi gian nan nhưng cũng khá nhiều thuận lợi cả khách quan và chủ quan, chúng tôi tin rằng bộ tranh Ngũ hổ Việt Nam đã phát triển theo đường riêng, tịnh tiến gần tới chuyên nghiệp, chuyển tải được phần lý tính của triết học phương Đông mà vẫn hào hoa, tinh tế bởi kỹ thuật tuyệt hảo.

Tác giả gửi lời cảm ơn nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng đã tìm giúp tư liệu về 2 cuốn sách “The Buddhism of Tibet or Lamaism” và “Chrestomathie Annamite” có hình minh họa bố cục tranh Ngũ hổ cuối thế kỷ XIX.

Họa sĩ Đức Hòa
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần

Tin cùng chuyên mục

Tác giả Ruby Nguyen ra mắt sách "Khai vấn trong từng hơi thở"

Tác giả Ruby Nguyen ra mắt sách "Khai vấn trong từng hơi thở"

"Khai vấn trong từng hơi thở" là cuốn sách thứ hai của tác giả Ruby Nguyen, do Nhà xuất bản Hà Nội và Thái Hà Books ấn hành.

"Khúc quân hành vang mãi non sông" kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

"Khúc quân hành vang mãi non sông" kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đài PT-TH Hà Nội tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt mang tên "Khúc quân hành vang mãi non sông" vào 22/12 tại sân Đoan Môn, khu Bảo tồn Di sản Hoàng thành - Thăng Long.

Nhà văn Phương Trinh: "Đưa những điều gan ruột vào trang viết"

Nhà văn Phương Trinh: "Đưa những điều gan ruột vào trang viết"

"Biến mất" khá lâu trong làng văn, mới đây, nhà văn Phương Trinh - cây bút có dấu ấn trong văn học thiếu nhi - xuất hiện trở lại trong những sách "Bài tập thực hành tiếng Việt", lớp 4 và 5 (NXB Giáo dục).

Chữ và nghĩa: Đường chim bay

Chữ và nghĩa: Đường chim bay

"Đường chim bay" là một danh từ đã có trong một số cuốn từ điển tiếng Việt. "Từ điển tiếng Việt" (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) định nghĩa là "đường thẳng, là khoảng cách ngắn nhất giữa 2 điểm xa nhau".

Đầu tư 170 tỷ đồng trùng tu di tích Hiền Lương-Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị

Đầu tư 170 tỷ đồng trùng tu di tích Hiền Lương-Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị

UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định phê duyệt Dự án “Công viên Thống nhất tại khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải” và Dự án “Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ ngành VH,TT&DL năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ ngành VH,TT&DL năm 2025

Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch kết nối trực tuyến với 772 điểm cầu trên toàn quốc.

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 1): Chuyển biến tích cực, nhưng chưa xứng tầm

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 1): Chuyển biến tích cực, nhưng chưa xứng tầm

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Đầu tư và tài trợ cho văn hóa (kỳ 2& hết): Học gì từ kinh nghiệm của thế giới?

Đầu tư và tài trợ cho văn hóa (kỳ 2& hết): Học gì từ kinh nghiệm của thế giới?

Một mẫu số chung trên thế giới: Các quốc gia phát triển về văn hóa luôn có những mô hình đầu tư và tài trợ thành công cho lĩnh vực văn hóa, tạo ra sự phát triển bền vững cho cộng đồng.

Tin mới nhất

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Lần đầu tiên tại Hà Nội, một không gian với bối cảnh là một khu phố cổ Hà Nội với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hóa… gợi nhớ cho người dân Thủ đô và du khách về ký ức của "thời bao cấp", một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước.

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Hà Nội với sự lung linh của ánh đèn và hơi thở lịch sử qua từng góc phố, là một mô hình độc đáo, giúp du khách khám phá một Hà Nội rất khác - một Hà Nội quyến rũ, đậm chất thơ và sâu lắng.

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Những nơi này đều có nhiều truyền thuyết bí ẩn xoay quanh và được cho là có thể dẫn lối cho người trần sang thế giới bên kia.

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

World Travel Awards chọn TP.HCM là địa điểm tổ chức Lễ trao giải thưởng khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022.

The Bubble Tea Factory: Bảo tàng trà sữa độc nhất vô nhị của đảo quốc Singapore

The Bubble Tea Factory: Bảo tàng trà sữa độc nhất vô nhị của đảo quốc Singapore

Đảo quốc sư tử Singapore hiện đang thu hút với địa điểm dành cho các tín đồ của trà sữa và những viên trân châu ngọt ngào, cũng như những ai ưa khám phá. Đó là bảo tàng trà sữa trân châu đầu tiên tại Đông Nam Á

Cầu cảng đẹp như Hawai ở Hải Tiến khiến giới trẻ mê mệt, đã đến là phải check-in

Cầu cảng đẹp như Hawai ở Hải Tiến khiến giới trẻ mê mệt, đã đến là phải check-in

Với vẻ đẹp hoang sơ của biển cùng kiến trúc độc đáo, cầu cảng Hải Tiến thuộc Khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa) hiện đang là điểm check-in khiến giới trẻ mê mệt.

Lái xe ô tô du Xuân và những lưu ý không thể bỏ qua

Lái xe ô tô du Xuân và những lưu ý không thể bỏ qua

Những chuyến du xuân vui và hoàn hảo ai cũng mong muốn, tuy nhiên nó sẽ mất hứng và không trọn vẹn khi gặp những phiền toái đột xuất xảy ra trên đường.

Những lễ hội khó lòng bỏ qua đầu Xuân Kỷ Hợi

Những lễ hội khó lòng bỏ qua đầu Xuân Kỷ Hợi

Đến hẹn lại lên. Tháng Giêng âm lịch hàng năm là tháng của rất, rất nhiều các lễ hội ở Việt Nam trong đó có những lễ hội đáng chú ý, thu hút mối quan tâm của đông đảo dân chúng cũng như du khách gần xa.

Những địa danh Tây Bắc nhất định phải phượt đầu năm

Những địa danh Tây Bắc nhất định phải phượt đầu năm

Từ nhiều năm nay, với đặc thù về cảnh quan trong dịp Tết, Tây Bắc luôn là điểm hẹn lý tưởng để các phượt thủ tìm đến

Đến Chiang Mai, trải nghiệm một Thái Lan thật khác

Đến Chiang Mai, trải nghiệm một Thái Lan thật khác

Đến Thái Lan, nếu đã quá quen với Bangkok và Pattaya náo nhiệt phố thị, Phuket với những bãi biển cát trắng trải dài, thì Chiang Mai sẽ cho du khách một trải nghiệm khác biệt.