Bộ sách 'Đấu trường sinh tử': Khởi nguồn là cuộc chiến Việt Nam
Truyền hình thực tế + cuộc chiến Iraq = Đấu trường sinh tử
Theo Independent, hoàn cảnh Suzanne Collins nảy sinh ý tưởng viết nên Đấu trường sinh tử (The Hunger Game) giờ đã là câu chuyện được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: vào một buổi tối muộn trong một năm giữa thập niên 2000, nữ nhà văn ngồi ở nhà xem TV. Bà chuyển kênh liên tục giữa các kênh đang chiếu truyền hình thực tế và những kênh phát thông tin về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq.
Các hình ảnh vui chơi giải trí hào nhoáng và hình ảnh đau thương của một cuộc chiến tranh đặt cạnh nhau khiến Collins thấy truyền thông hiện nay thật thiếu nhạy cảm. "Tôi mệt mỏi" – nhà văn nhớ lại thời điểm đó, "các đường biên giữa những sự việc đó ngày càng mờ đi một cách đáng lo ngại, và tôi nghĩ đến câu chuyện này".
Từ đó, Đấu trường sinh tử ra đời, kể về một cuộc chơi phân định thắng thua và được phát sóng trực tiếp y như trong truyền hình thực tế, nhưng lại là một cuộc chơi sinh tử, không khác gì chiến tranh thực thụ, trong đó kẻ mạnh hơn, khôn ngoan hơn, khéo léo hơn mới có thể chiến thắng. Còn kẻ thua, là thua mãi mãi.
Suzanne Collins nhào nặn ra câu chuyện ở một thế giới giả tưởng mang đậm màu sắc hiện thực: bối cảnh là đất nước tương lai mang tên Panem ở Bắc Mỹ, bị một chính phủ của một tổng thống độc tài cai trị. Panem gồm thủ phủ giàu có mang tên Capitol và 12 quận nghèo khó. Quận 12 là nơi nhân vật chính Katniss Everdeen, một cô gái 16 tuổi có tài bắn cung, sinh sống.
Mỗi năm, Panem tổ chức một cuộc thi mang tên Đấu trường sinh tử (Hunger Games), tập hợp những người trẻ tuổi ở các quận, giao vũ khí cho họ và bắt họ chém giết lẫn nhau trên truyền hình thực tế để tranh ngôi vô địch.
Chuyện về Katniss Everdeen bắt đầu khi cô tình nguyện thay thế cô em gái Primrose, người bị chọn tham gia Đấu trường sinh tử. Đồng hành với cô đại diện cho Quận 12 trong cuộc thi là Peeta, bạn học cũ của Katness và là một chàng trai có tấm lòng nhân hậu.
Collins đã sáng tạo ra nhân vật nữ chính của mình dựa theo hình mẫu vị thần Hy Lạp Theseus, người lập ra thành Athens, một trong những vị anh hùng sáng lập trong Thần thoại Hy Lạp.
Katniss không tốn thời gian để ngồi mơ mộng về một chàng ma ca rồng đẹp trai hết lòng yêu mình và bảo vệ mình đến hết đời, cô tự quyết định vận mệnh của mình. Xung phong dự thi Đấu trường sinh tử đồng nghĩa với đi vào nơi mười phần chết, một phần sống. Với Katniss, tình yêu đích thực đến sau những hoàn cảnh sống chết.
|
Năm 2011, tờ The Atlantic đã chọn Katniss là nhân vật nữ quan trọng nhất trong văn hóa đại chúng hiện nay. Michael Cart, một nhà văn kiêm chuyên gia về tiểu thuyết cho giới trẻ (young adult fiction), nhận định: "Trong hàng năm trời, độc giả của tiểu thuyết dành cho giới trẻ đang có nhu cầu được thấy nhiều nhân vật nữ mạnh mẽ hơn. Và nay chúng ta có Katniss. Cô ấy là hình mẫu của một thế hệ phụ nữ trẻ mới".
Kể từ khi Harry Potter phát hành phiên bản mới dành cho giới trẻ với các mẫu bìa chững chạc hơn, thì đến Đấu trường sinh tử, dòng tiểu thuyết cho giới trẻ mới có thêm một bước phát triển vượt bậc. Đối tượng độc giả của bộ sách này không phải là lứa tuổi thiếu niên, mà là độc giả từ 19 đến 44 tuổi. Họ được xếp vào nhóm riêng: độc giả "trưởng thành mới".
Năm ngoái, Collins có tổng thu nhập 55 triệu USD, khiến bà trở thành nhà văn có thu nhập cao xếp cùng nhóm với J.K. Rowling (tác giả Harry Potter) và Stephenie Meyer (tác giả Chạng vạng).
Cũng như Harry Potter và Chạng vạng, thành công của Đấu trường sinh tử được cộng hưởng với thành công của phiên bản điện ảnh. Loạt phim Đấu trường sinh tử đã chiếu được 2 phần, phần một The Hunger Game và phần hai Catching Fire (Bắt lửa), góp phần đưa nữ diễn viên chính Jennifer Lawrence (vai Katniss) thành siêu sao điện ảnh.
Bìa bộ sách 3 tập Đấu trường sinh tử bản tiếng Việt.
"Nơi có tên Việt Nam" và "thứ gọi là chiến tranh"
Ý tưởng khởi nguồn Đấu trường sinh tử gắn với các diễn biến văn hóa và thời cuộc của thập niên 2000, nhưng nguồn gốc sâu xa của bộ sách gắn với một cuộc chiến đã làm rung chuyển thế giới vài thập niên trước.
Người cha của Collins là một sĩ quan trong lực lượng không quân Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam năm 1968. Năm đó, Collins 6 tuổi. "Dù mẹ cũng có gắng ngăn cản chúng tôi, mỗi khi TV bật lên, tôi đều thấy những đoạn phim phát cảnh chiến tranh".
"Thời đó, tôi còn nhỏ, nhưng tôi nghe người ta nhắc đến "Việt Nam", và tôi biết cha tôi đang ở đó, tôi cảm thấy rất sợ hãi".
Ký ức thời thơ ấu đó thể hiện trong cuốn sách mới nhất của Collins, Year of the Jungle (Năm trong rừng), một hồi ký cho những độc giả cùng lứa với tác giả. Trong sách, một cô bé có tên Suzy (tên thân mật của Suzanne) bối rối khi biết cha mình được triệu tập sang "một nơi có tên là Việt Nam" để tham gia vào "một thứ được gọi là chiến tranh".
Chiến tranh kết thúc, ông bố Collins trở về nhà an toàn, nhưng từ đó ông bắt đầu gặp những cơn ác mộng. Đầu thập niên 70, lực lượng không quân gửi ông và gia đình đến Brussels (Bỉ). Tại đó, ông Collins thường đưa 4 đứa con, trong đó có Suzy, theo cùng trong các cuộc giao tranh địa phương. Về sau, tác giả biết rằng ông nội bà đã bị nhiễm khí độc trong Thế Chiến 1 và chú bà bị thương trong Thế Chiến 2.
Còn người cha của tác giả, trước khi gia nhập quân đội, là giảng viên dạy sử ở Học viện quân sự West Point. Ông có tài năng kể chuyện bẩm sinh và người con gái đã được thừa hưởng điều này.
Sự nghiệp văn chương của Collins sau này, nổi tiếng nhất là bộ Đấu trường sinh tử, có thể coi như tiếp nối công việc của cha cô: dạy cho thế hệ sau hiểu thế nào là sự nghiệt ngã của chiến tranh. Bộ truyện đầu tiên của bà, The Underland Chronicles (Biên niên sử Underland), kể về cuộc xung đột giữa các giống loài trong một thế giới giả tưởng.
Có nhiều điều trùng hợp trớ trêu xung quanh đời sống và sự nghiệp của Suzanne Collins, người thường viết về các cuộc chiến giả tưởng. Gia đình nữ nhà văn sống ở Sandy Hook, bang Connecticut (Mỹ) – nơi nổi tiếng vì hay xảy ra các hành động bạo lực đối với trẻ em.
Bộ truyện Đấu trường sinh tử của Collins cũng gây tranh cãi vì mức độ bạo lực (phần một phim chuyển thể từng bị cấm chiếu ở Việt Nam vì bạo lực), trong khi xét về bản chất, đây là bộ truyện chống lại bạo lực.
Collins đã cho nhân vật Katniss tài bắn cung điệu nghệ, cô gái rèn luyện được khả năng vì từ thuở nhỏ đã thường phải đi săn bắn để kiếm miếng ăn cho gia đình nghèo khó. Chi tiết này trùng với đời thực của người cha tác giả. Ông Collins lớn lên trong thời Đại khủng hoảng và cũng phải săn bắn để nuôi gia đình.
Bộ sách nói lên thông điệp gì với giới trẻ mà khiến họ say mê đến vậy? Chris Shoemaker, chủ tịch Hiệp hội thư viện cho giới trẻ Mỹ, lý giải: "Thế giới trong Đấu trường sinh tử được tạo ra để chống lại các nhân vật tuổi teen, buộc họ phải tranh đấu. Đó là cảm giác mà giới trẻ ngày nay rất đồng cả, họ luôn cảm thấy mình đứng ngoài cuộc, bị cả thế giới chống lại". Bộ Đấu trường sinh tử bản gốc ra mắt tập đầu vào năm 2008 và có 100 tuần đứng trong bảng xếp hạng sách bán chạy của New York Times. Liên tiếp 2 năm sau đó, 2 tập sách tiếp theo là Bắt lửa và Húng nhại (Mockingjay) ra đời. Bản dịch tiếng Việt do Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành. 3 tập lần lượt do các dịch giả Trần Quốc Tân, Phương Huyên - Nhiệt Xích, Tất An chuyển ngữ. |
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần