‘Bố ơi con ước’ và lời khẩn cầu của con trẻ...
(Thethaovanhoa.vn) - “Chúng con cần tình yêu. Chúng con cần sự chia sẻ. Chúng con cần cha lắng nghe và thấu hiểu. Chúng con cần bình an. Và chắc chắn chúng con không cần bạo lực. Bạo lực chỉ làm hủy hoại yêu thương mà thôi” - Đó là những ước mơ giản dị của những cậu con trai mới lớn sẽ được kể trong triển lãm Bố ơi, con ước khai mạc chiều ngày 2/12 tại Viện Goethe (56 – 58, Nguyễn Thái Học, Q. Ba Đình, Hà Nội).
Bố ơi, con ước là tập hợp 23 câu chuyện của 23 nam thanh niên sống trong các gia đình bị ảnh hưởng bạo lực gia đình tại Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Ninh. Họ là đại diện cho con em các tầng lớp nông dân, công nhân, tri thức tại khắp các vùng nông thôn và thành thị miền bắc Việt Nam.
Bố ơi…
Những chiếc gậy, dây thừng, đôi dép… là những chứng cứ các em đã gửi tới triển lãm Bố ơi con ước để tố cáo hành vi bạo lực của những người cha, người chồng với các mẹ, các con. Em L.H.T. đến từ Hà Nam kể: Bố em nghiện rượu, mỗi lần say, bố dùng dép và gậy đánh mẹ con em. Có lần bố đi uống rượu, đòi tiền mẹ để đi chơi, mẹ em bảo không có bố vơ dép đuổi đánh mẹ, hai anh em chơi bên nhà hàng xóm sợ quá không dám về….
Gửi đến triển lãm bộ ảnh về cuộc sống thường ngày của 3 mẹ con trong căn nhà thuê khi bị bố đuổi ra khỏi nhà, N.Q.V. đến từ Bắc Ninh ngậm ngùi chia sẻ: “Bố em hay đánh, chửi mẹ em một cách vô lý. Mẹ em đi làm về sớm hay muộn bố em đánh, ra ngoài không xin phép, nấu cơm không ngon… bố cũng đánh. Mấy mẹ con em phải sang xóm bên thuê nhà cho bố đỡ đánh, chửi. Vậy mà bố em vẫn đến đập phá và mắng chửi….
23 bộ ảnh trưng bày trong triển lãm Bố ơi, con ước đã tái hiện một phần tối trong gia đình bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình khiến những đứa trẻ sớm bị tổn thương về tình cảm vì thiếu sự chăm sóc của người cha, thay vào đó là những trải nghiệm đau buồn về bạo lực và những ước mơ về một người cha hiền từ, một gia đình yên ấm.
Nhưng Bố ơi, Con ước...
Với sự hỗ trợ nghệ thuật từ nghệ sĩ nhiếp ảnh đương đại Nguyễn Thế Sơn, triển lãm Bố ơi, con ước giúp các em mạnh dạn nói lên ước mơ của mình về một người cha mẫu mực, một gia đình hạnh phúc.
Đối với N.Q.V. tham dự chương trình lần này đã cho em hiểu thế nào là bạo lực. Đối với các em những người bố tương lai, chương trình lần này thực sự có ý nghĩa lớn trong việc hoàn thiện nhân cách. Qua đó V. mong muốn bố mình và các ông bố khác rằng “Bố ơi, bố biết không. Mỗi lúc bố đánh mẹ là lúc bố say, còn khi bố không say bố là người bố tốt, đáng tôn trọng. Con mong bố đừng uống rượu, hãy làm việc giúp mẹ, kiếm tiên nuôi các con…”
Còn với N. Đ. T. đến từ Hà Nam mang tới triển lãm lần bày bộ tác phẩm độc đáo làm từ giấy và dây thép cùng với đó là hình tượng người bố sẽ giúp mẹ trồng cây, làm vườn, làm việc nhà, giúp em học bài, sửa xe đạp, lai em đi chơi,… “Em mong hình tượng đó là thật vì bạo lực trong gia đình ai cũng đều bị tổn thương sâu sắc và những nỗi đau, cảm giác sợ hãi sẽ kéo dài đến hết cả đời người…”
Bên cạnh đó triển lãm Bố ơi con ước là lời kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các ban ngành trong việc thực thi Luật Bình đẳng giới và Phòng chống Bạo lực gia đình, cũng như vận động sự tham gia của xã hội, giới truyền thông và các cơ quan có liên quan trong việc chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Đây còn là một trong các hoạt động của Chiến dịch Quốc gia về Bình đẳng giới năm 2014, hưởng ứng 16 ngày thế giới chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Triển lãm do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), tổ chức phi Chính phủ Atlantic Philanthropy và Đại sứ quán Canada tại Hà Nội tài trợ, sẽ diễn ra từ ngày 2/12 và kéo dài tới ngày 7/12 tại Viện Goethe (56-58 Nguyễn Thái Học, Q. Ba Đình, Hà Nội). Vào cửa tự do.
Rất đông bạn trẻ tới tham dự triển lãm
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đương đại Nguyễn Thế Sơn – người đã trực tiếp hướng dẫn các em chụp nên bức ảnh
Bố đi chơi, mình mẹ phải bê tải thóc nặng
Bố đi đánh bài và uống rượu ở ngoài, mỗi lần như vậy bố lại về đòi mẹ tiền
Bố đã dùng dây thừng, gạch ngói, dao… để đánh mẹ
Bố làm được việc nhưng bố không chịu làm
Con ước bố sẽ về ăn cơm cùng gia đình
Con ước được bố lai bằng xe đạp
Nguyễn Liên