Bộ Giao thông Vận tải kết luận ACV có nhiều vi phạm trong đầu tư
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) trong đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải vừa mới có kết luận thanh tra: “Trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư do Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV)”. Tại kết luận này, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, tồn tại tại doanh nghiệp trong đầu tư như tính sai đơn giá, thiết bị lắp đặt không đúng với hồ sơ thiết kế nhưng vẫn được nghiệm thu…
Quản lý, huy động vốn còn nhiều bất cập
Theo kết luận thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải số 5045/KL-BGTVT do Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký nêu rõ: Theo ACV báo cáo, giai đoạn từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2016, đã đầu tư xây dựng 85 dự án với tổng mức đầu tư các dự án là hơn 42.140 tỷ đồng.
Trong đó, giá trị đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước là 1.420,9 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ là 4.221,7 tỷ đồng, vốn ODA là 12.443,13 tỷ đồng, vốn ACV là 24.074,7 tỷ đồng.
Sau khi tiến hành thanh tra, rà soát 85 dự án trên, thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đánh giá: “Việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn đầu tư do ACV quản lý còn nhiều bất cập. Giai đoạn 2011 – 2016, kế hoạch vốn chưa sát với thực tế nên có dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; cũng có dự án giá trị giải ngân thấp hơn kế hoạch; có 1 dự án có kế hoạch vốn nhưng chưa thực hiện giải ngân.
Đáng lưu ý, tại dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí vốn đầu tư dự án không đúng theo quyết định đã được phê duyệt. Cùng với đó, ACV đã để xảy ra nhiều tồn tại khi khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án.
Cụ thể, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt một số dự còn hạn chế, nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, thay đổi so với hồ sơ thiết kế cơ sở, bổ sung một số hạng mục dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện… Tiêu biểu như dự án đường vào Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 – Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, một số dự án được quy hoạch thiếu tầm nhìn nên vừa mới đầu tư xây dựng xong đã phải nâng cấp mở rộng như: dự án kéo dài, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đậu Cảng Hàng không Pleiku.
Nghiêm trọng hơn, tại một số dự án được phê duyệt đầu tư khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định hiện hành về hồ sơ, về báo cáo đánh giá tác động môi trường, ý kiến thoả thuận của các cơ quan như: phòng cháy chữa cháy, cấp điện, cấp thoát nước, cảng vụ… điển hình như dự án mở rộng nhà ga tại Cảng Hàng không Phú Quốc, dự án nhà ga hành khách - Cảng Hàng không Vinh…
Cùng với đó, thiết kết kỹ thuật thay đổi so với thiết kế cơ sở nhưng chưa tiến hành điều chỉnh thiết kế cơ sở theo quy định, việc tính sai đơn giá, tính trùng chi phí, biện pháp thi công chưa đúng.
Nguy cơ sử dụng vốn thiếu khách quan
Tại dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa đường HHC 25R – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp với thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, chưa thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 12/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Kết luận thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề khác, trong quá trình thi công, nghiệm thu chủ đầu tư đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam (Dự án mở rộng nhà ga hành khách Phú Quốc, Vinh…) để phù hợp với điều kiện thi công xây lắp tại Việt Nam trong khi hồ sơ mời thầu theo chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng tiêu chuẩn Anh, Mỹ là chưa phù hợp.
Về công tác đấu thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu, nhưng có nhiều gói thầu đến khi chấm thầu chỉ còn lại một nhà thầu tham gia chẳng hạn như: gói 4, 5, 5a thuộc dự án nhà ga hành khách Cảng Hàng không Phú Quốc.
Ngoài ra, có nhiều nhà thầu tham gia dự thầu nhưng chỉ có 1 nhà thầu đạt hồ sơ về đề xuất kỹ thuật như ở gói 5b Phú Quốc; gói 6, 6B, 6C thuộc dự án nhà ga hành khách Cảng Hàng không Vinh. Với tình huống này chưa có sự cạnh tranh về giá.
Tại khâu giám sát chất lượng công trình, ACV đã thuê đơn vị tư giám sát nhưng chất lượng công tác giám sát về chất lượng, khối lượng chưa cao. Một số công tác chưa tuân thủ theo quy định phải nghiệm thu theo quy trình để kiểm soát khối lượng, chất lượng.
Về tiến độ của 85 dự án thì có tới 49 dự án quyết toán chậm tiến độ. Ngoài ra, kết luận cũng nêu rõ, công tác quy hoạch các cảng hàng không do ACV quản lý chưa dự báo sát tốc độ tăng trưởng lưu lượng hành khách, hàng hoá dẫn đến một số cảng bị quá tải. Một số cảng chưa đạt công suất, các nội dung quy hoạch không còn phù hợp với thực tế khai thác, dẫn đến phải điều chỉnh một số cảng, điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, ACV là doanh nghiệp cổ phần, vốn Nhà nước chiếm 95,4% vốn điều lệ, vốn đầu tư của ACV chủ yếu là vốn Nhà nước. Vì vậy, với các dự án ACV vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư thực hiện dự án, vừa là đơn vị tiếp nhận dự án trong giai đoạn khai thác có thể dẫn đến thiếu khách quan trong quản lý đầu tư xây dựng công trình.
Về xử lý trách nhiệm, trên cơ sở đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan ACV tiến hành rà soát, đánh giá những tồn tại để khắc phục khi thực hiện các dự án tiếp theo.
Cục hàng không Việt Nam và vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) phải chịu trách nhiệm trong công tác quy hoạch. Còn ACV phải chịu trách toàn diện trong công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án. Đối với các nhà thầu, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu rà soát và khẩn trương khắc phục những tồn tại nêu trong kết luận...
Về xử lý kinh tế, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu ACV thực hiện xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý tổng số tiền về kinh tế là hơn 117 tỷ đồng.
Vừa qua, ACV cũng đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi của dư luận về việc ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc ACV trước khi về hưu theo chế độ (dự kiến trong thang 7) ký 104 quyết định bổ nhiệm nhân sự; trong đó, riêng ngày 19/6 đã ký tới 76 quyết định (hiệu lực từ 1/7/2018). Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập đoàn thành tra để kiểm tra việc bổ nhiệm này.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận một số vi phạm tại dự án của ACV. Cụ thể, trong Thông báo kết luận thanh tra số 2569/KL-TTCP ban hành gần đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một số vi phạm tại một số dự án do ACV làm chủ đầu tư.,
Theo đó, đến thời điểm thanh tra (năm 2016), ACV và 22 chi nhánh cảng hàng không, sân bay trên cả nước đang quản lý và sử dụng hơn 3.100 ha đất. Trong đó, trong khu vực cảng và sân bay là hơn 3.085 ha (gồm đất giao không thu tiền sử dụng: hơn 2.888 ha; đất thuê trả tiền hằng năm: hơn 197 ha) và đất ngoài khu vực cảng và sân bay là 14,64 ha.
Trong đó, nhiều khu đất nằm ở vị trí "vàng" nhưng việc quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất không đúng quy định.
Theo Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm tháng 4/2016, ACV đang quản lý, vận hành, khai thác 22 cảng hàng không với doanh thu luôn tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến 2015, ACV không tổ chức đấu thầu mà chỉ định thầu cho các tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng nhà ga để kinh doanh. Cụ thể, trong 2 năm 2014-2015, ACV ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích hơn 120.000 m2, thu hơn 701 tỷ đồng và đều chỉ định thầu.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, về tình trạng ô tô đưa đón khách vào đường dẫn nhà ga (tạm dừng dưới 3 phút) phải nộp phí cho các cảng hàng không quá cao khiến người dân bức xúc, Thanh tra Chính phủ kết luận có 21 cảng hàng không thu phí dịch vụ này sai quy định.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến 12-2015, tổng doanh thu từ thu phí ra vào của 19/21 cảng hàng không là gần 551 tỷ đồng. Việc thu này gây thiệt hại cho hành khách và hiện chưa có hướng khắc phục triệt để, trách nhiệm thuộc Bộ Giao thông Vận tải và ACV.
Quang Toàn (TTXVN)