Bỏ 270 triệu mở quán ăn, cô gái muốn "dẹp tiệm" sau 3 ngày vì chỉ thu về 300 ngàn đồng: Nguyên nhân từ tư duy sai lầm nhiều người mắc phải
Khởi nghiệp chưa bao giờ là đơn giản, nhất là với những người trẻ chưa từng có kinh nghiệm làm quản lý.
Những năm gần đây, mở cửa hàng bán đồ ăn thức uống đã trở thành lựa chọn phổ biến của giới trẻ Trung Quốc. Lý do là bởi mô hình này được số đông cho rằng có chi phí khởi nghiệp thấp, tiềm năng phát triển cao và chủ nhân không cần chuẩn bị quá nhiều kiến thức kinh doanh.
Nhưng thực tế thì sao?
Kiếm tiền chưa bao giờ dễ dàng và lý thuyết này luôn đúng. Nhiều người trẻ xứ Trung đã phải trả giá khi dồn hết tiền tiết kiệm để mở cửa hàng nhưng sau đó tự tay đóng quán vì làm ăn thua lỗ. Trường hợp của cô gái đến từ tỉnh Quảng Đông dưới đây là ví dụ điển hình.
Với số tiền tích luỹ từ nhiều năm đi làm, cộng với vay một ít từ người thân, cô Trần đã gom được 80.000 NDT (khoảng 272 triệu đồng). Cô dùng hết số vốn này để mở cửa hàng nhỏ bán đồ ăn sáng.
Cô Trần chọn thuê mặt bằng nằm ở trung tâm của thị trấn. Dù có giá thuê khá đắt, song cô hy vọng với mật độ dân cư đông đúc nơi đây, cửa hàng của cô sẽ nhanh chóng thu hút nhiều khách hàng ngay sau ngày khai trương.
Tuy nhiên, hiện thực trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng của cô Trần.
Trong ngày đầu tiên mở bán, cửa hàng đón chưa đến 10 khách hàng. Sang ngày thứ hai và thứ ba, doanh thu lần lượt chạm mốc... 34 NDT và 54 NDT. Tổng doanh thu trong 3 ngày đầu tiên mở cửa hàng, cô Trần thu về chưa đến 100 NDT (khoảng 340 nghìn đồng).
Một ngày đều bận rộn chuẩn bị từ 4-5 năm giờ sáng, thế nhưng khi nhìn vào số tiền kiếm được, cô Trần không dám tin vào hiện thực trước mắt.
"Tổng doanh thu của ba ngày đầu còn không đủ để tôi đóng tiền điện nước. Đó là chưa kể các khoản chi phí khác như tiền mặt bằng, tiền mua nguyên vật liệu, mua sắm thiết bị...", cô Trần tâm sự.
Có thể thấy, trong khi cô chủ đã bỏ số vốn khá lớn để khởi nghiệp thì việc kinh doanh ngày càng lao dốc. Điều này khiến cô Trần vô cùng chán chường, thậm chí cô còn nảy sinh suy nghĩ muốn "dẹp tiệm" chỉ sau 3 ngày hoạt động.
Trước đó, với kinh nghiệm không có nhiều, cô Trần đã chuẩn bị trước tâm thế quán phải bù lỗ trong giai đoạn đầu. Thế nhưng đến hiện tại, cô vẫn chưa thấy bất kỳ "điểm sáng" nào cho cửa hàng kinh doanh đầu tay của mình.
Thực tế, việc khởi nghiệp chưa bao giờ là đơn giản, nhất là với thị trường "đất chật người đông" như ngành hàng F&B. Để có thể thành công, bên cạnh chất lượng sản phẩm, người chủ còn phải quan tâm đến quy trình phục vụ và chiến lược kinh doanh lâu dài.
Sau khi câu chuyện của cô Trần được chia sẻ, một vài người dùng mạng xã hội đã chỉ ra nguyên nhân khiến cửa hàng của cô nhanh chóng thua lỗ.
- Đầu tiên là vấn đề mặt bằng. Cô Trần chọn mở cửa hàng tại khu vực đông dân cư nhưng không bận tâm xung quanh đã tồn tại nhiều ửa hàng bán đồ ăn sáng khác. Họ đều là thương hiệu có tên tuổi, sản phẩm được đánh giá cao và có sẵn lượng khách hàng cố định. Vậy làm sao một quán nhỏ của cô Trần có thể dễ dàng "cướp" khách hàng từ những cửa hàng đó, trừ khi đồ ăn của quán cô đã thực sự chất lượng?
- Thứ hai là tư duy "thích thì làm" của cô chủ. Chính cô Trần cũng thừa nhận bản thân chưa từng có kinh nghiệm làm quản lý một mô hình kinh doanh dù lớn hay nhỏ. Chính vì thế, có lẽ trong quá trình hoạt động, cô Trần đã không nghiên cứu kỹ mặt hàng kinh doanh, thị hiếu của khách hàng... từ đó dẫn đến kết cục thua lỗ như hiện nay.
Hiện nay, không khó để tìm thấy câu chuyện về những tấm gương người trẻ đam mê khởi nghiệp từ việc mở shop quần áo, bán đồ ăn... Thế nhưng, trong hàng ngàn trường hợp đó, có được mấy người thành công thực sự? Có được mấy người theo đuổi tới cùng niềm đam mê từ lúc bắt đầu nhen nhóm?
Nhược điểm lớn nhất của những người trẻ đang ôm mộng khởi nghiệp là suy nghĩ chưa thấu đáo, tầm nhìn hạn hẹp. Chỉ khi nắm trong tay những sản phẩm, chiến lược marketing phù hợp với xu hướng thị trường, dự đoán trước thị hiếu của khách hàng, bạn mới giảm thiểu được toàn bộ rủi ro trong kinh doanh.