'Bình thường mới' của Ngày thơ Việt Nam năm 2022
(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ lần đầu tiên từ năm 2003 đến nay, có lẽ Ngày thơ Việt Nam 2022 mang tính “thích ứng” cao nhất, do được tổ chức trực tuyến hoặc trực tiếp một cách linh hoạt, tùy tình hình dịch bệnh của mỗi địa phương.
Nhiều nơi còn không tổ chức được, ví dụ Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam có gần một nửa số nhân viên phải ở nhà do có người bị F0.
Với chủ đề chính là Hãy sống và hy vọng, trong một công văn gửi tới các hội địa phương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã đề nghị “dựa trên tình hình dịch bệnh cụ thể ở địa phương mình để có cách tổ chức Ngày thơ phù hợp và an toàn nhất”.
Linh hoạt trực tuyến và trực tiếp
Tại Hà Nội, sau một năm chuẩn bị, Ngày thơ Việt Nam thay vì diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám như thường lệ, đã chuyển thành hình thức trực tuyến. Cũng cần nhắc lại, năm 2020 và 2021, Hội Nhà văn Việt Nam không tổ chức Ngày thơ Việt Nam với cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Trong khi đó, Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên - Huế có lẽ hưởng ứng mạnh mẽ nhất ngày thơ Việt Nam, với 2 đêm thơ quy mô, diễn ra trực tiếp tại trụ sở số 1 Phan Bội Châu. Cụ thể, tối qua 14/2 là đêm thơ hưởng ứng chủ đề Sống và hy vọng, với sự tham dự của các tác giả từ CLB thơ Ô Lâu (Phong Điền), CLB thơ Tam Giang (Quảng Điền), CLB thơ Sông Bồ (Hương Trà), Hội thơ Hương Giang…
Tiếp đó, tối nay 15/2, chương trình chính là Festival thơ Huế 2022, với chủ đề Thơ Huế và di sản, sẽ diễn ra từ lúc 19h30. Chương trình nối một nhịp cầu về hành trình hơn 700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân- Huế, nơi lịch sử văn chương xứ này được khởi thủy từ một bài thơ. Đó là tháng 9/1353, vua Trần Dụ Tông sai tham tri chính sự Trương Hán Siêu vào trấn giữ Hóa Châu, tại đây ông làm bài thơ Hóa Châu tác. Từ đây, chương trình kéo dài đến các tác giả lớn trong lịch sử như Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Nguyễn Bính, Đông Hồ… và các nhà thơ còn sống như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Hồ Đắc Thiếu Anh, Mai Văn Hoan, Phạm Nguyên Tường, Phạm Tấn Hầu, Lê Tấn Quỳnh… Xen kẽ là các ca khúc phổ thơ về mùa Xuân và xứ Huế của Văn Cao, Trần Hoàn, Nguyễn Phước Hải Trung, Trầm Tích… Có thể nói, nhìn vào kịch bản chương trình, Thừa Thiên - Huế dàn dựng bài bản nhất.
“Thơ Huế và di sản từ lâu đã là mối liên lạc tương hỗ. Huế có một di sản thi ca thật đặc biệt đó là thơ trên kiến trúc cung đình Huế. Thơ xuất hiện trên di tích Huế, trên hoàng thành, là hơi thở cảm xúc quyện hòa giữa bao thế hệ thi nhân với bao trầm tích văn hóa Huế. Một khối lượng đồ sộ các thi phẩm của các thế hệ thi sĩ với hàng trăm tác giả, hàng trăm bài thơ sáng tác về Huế, về di sản Huế đã tạo ra một hiện tượng hiếm thấy trong kho tàng thi ca Việt Nam” - nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc (Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế) nhận định.
Trong khi đó, Hội Nhà văn TP.HCM không tổ chức Ngày thơ, mà chuyển kinh phí dự trù này cho việc tổ chức cuộc thi bút ký Những hy sinh thầm lặng, viết về lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19. Nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) nói rằng quyết định này đến từ nhiều dữ kiện thực tế, với suy nghĩ khi nào đời sống thật an toàn thì sẽ tổ chức Ngày thơ một cách trực tiếp, cũng chưa muộn, vì đây là sự kiện thường niên.
- Ngày Thơ Rằm tháng Giêng - nét đẹp trong văn hóa Việt
- Không tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm 2021 do dịch Covid-19
- Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17: Đã tới lúc cần thay 'áo mới'
Từ thơ nhìn thấy bóng dáng của Covid-19
Với truyền thống tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu liên tục từ năm 1980, 3 năm nay Phú Yên không tổ chức đêm thơ ở Núi Nhạn vì bệnh dịch. “Từ thơ nhìn thấy bóng dáng của Covid-19: Nơi tổ chức trực tiếp thì có thể xem như là“vùng xanh”, nơi trực tuyến là “vùng vàng”, còn nơi không tổ chức được là… vùng đỏ” - người con Phú Yên, nhà thơ Trần Hoàng Nhân so sánh - “Có năm đêm thơ Núi Nhạn thu hút gần chục ngàn người, vì dân Phú Yên vừa mê thơ vừa mê lễ hội. 3 mùa thơ không có đêm thơ với tỉnh này là một sự chịu đựng, sang năm mà đại dịch ổn, có đêm thơ, dân chúng sẽ đi đông hơn mọi năm”.
Tại Bến Tre, hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) tổ chức Ngày thơ Việt Nam trong cả ngày 15/2 tại Nhà Văn hóa người cao tuổi. Tương tự, sau 2 năm gián đoạn, năm nay Đồng Nai cũng sẽ tổ chức trở lại ngày thơ, đồng thời còn triển lãm gần 100 ảnh đẹp và các tác phẩm xuất bản trong thời gian qua.
Cuối cùng, ngoài Quảng Namvà Phú Yên, các tỉnh thành không tổ chức Ngày thơ còn có Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận… Trong khi đó, các địa phương như Lâm Đồng, Đắk Nông, Quảng Bình… đều có các sự kiện trực tiếp cho Ngày thơ. Riêng tỉnh Đắk Lắk thì ưu tiên hình thức trực tuyến, nhưng phát sóng trực tiếp trên các fanpage của Đài PTTH Đắk Lắk và Hội VHNT Đắk Lắk từ lúc 8h ngày 15/2. Tiền Giang cũng chỉ tổ chức chương trình chủ đề Khát vọng thơ ca bên sông Tiền, phát trực tuyến trên Facebook.
Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Văn học năm 2021 Lễ trao Giải thưởng Văn học và kết nạp hội viên năm 2021 đã được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào ngày 14/2 vừa qua. Theo đó, dựa trên 216 tác phẩm đề cử xét giải năm 2021, Ban Tổ chức quyết định trao Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 cho 4 tác giả, tác phẩm xuất sắc ở 4 thể loại bao gồm: Tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương (Văn xuôi), tập lý luận phê bình Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa của Trương Đăng Dung (Lý luận phê bình), tiểu thuyết Châu Phi nghìn trùng của Isak Dinesen - bản dịch của Hà Thế Giang (Văn học dịch) và tác phẩm Mùa tiểu học cuối cùng của Lê Văn Nghĩa (Văn học thiếu nhi). Riêng thể loại thơ năm 2021 không chọn được tác phẩm để trao giải. Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam công bố trao giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2021 cho 2 nhà thơ Mai Hường và Huệ Triệu của TP.HCM. Ngoài ra, tại buổi lễ, Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố quyết định kết nạp 34 hội viên mới năm 2021 vào Hội Nhà văn Việt Nam. TTXVN |
Như Hà