'Biểu tượng tự do' Charlie Hebdo: Đánh mất bản sắc, lục đục vì tiền
(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 1 năm nay, các tay súng đã xông vào văn phòng tờ báo trào phúng Charlie Hebdo và bắn chết 12 người. Thêm 5 người khác bị giết trong các vụ tấn công có liên quan, nhằm vào một siêu thị của người Do Thái ở Paris.
- Phim tài liệu về vụ thảm sát Charlie Hebdo đắt khách tại LHP Cannes
- Paris cấm quay phim hành động sau vụ khủng bố Charlie Hebdo
- Charlie Hebdo trở lại sạp báo cùng tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed
- Khủng bố tạp chí Charlie Hebdo: Hiểm họa súng lậu trên đất Pháp
“Charlie Hebdo đã chết trong ngày 7/1”
Câu chuyện của Charlie Hebdo đã từng nhận được nhiều sự quan tâm, bởi nó nói về sự sống sót, về sự can đảm và tình bạn thể hiện trong vụ tấn công khủng khiếp.
Những người thoát chết nói về mối quan hệ bền chặt giữa các thành viên trong tờ báo. Vài ngày sau khi đồng nghiệp thiệt mạng, phóng viên Zineb el-Rhazoui chia sẻ với BBC rằng những người còn lại muốn “gặp gỡ và ôm lấy nhau”. Cô khẳng định tiếp tục ra báo là cách thức để tôn vinh mối quan hệ bền chặt của đội ngũ đã làm nên tờ báo.
Nhưng nay, mối quan tâm của dư luận đã hướng vào các màn lục đục nội bộ và từ chức đang diễn ra tại Charlie Hebdo. Một phóng viên Pháp nói với BBC rằng chuyện ở tờ báo hiện chẳng khác gì một đội bóng đá giữa mùa chuyển nhượng vậy.
Trong vài tuần qua, họa sĩ biếm cao cấp của báo là Luz – người thiết kế trang bìa màu xanh lá nổi tiếng cho số báo đầu tiên của Charlie Hebdo, ra mắt ngay sau vụ xả súng - đã tuyên bố từ chức. Ngoài ra, nhà báo Patrick Pelloux cũng nói rằng ông sẽ ra đi vào cuối năm.
"Charlie Hebdo đã chết trong ngày 7/1 và một phần trong chúng tôi cũng chết cùng các nạn nhân” - Pelloux nói với phóng viên BBC – “Chúng tôi phải đi tiếp, để thể hiện sự can đảm của mình. Nhưng trở nên mạnh mẽ cũng đồng nghĩa với việc phải sang trang và để người khác nhận lấy cuộc chiến. Charlie Hebdo cũ đã chết. Ngày hôm nay là một Charlie Hebdo mới – một biểu tượng của tự do ngôn luận và hoạt động làm báo tốt.”
Co mình để khủng bố nguôi giận
Không lâu sau các vụ xả súng, hơn 1 triệu người đã tuần hành trên các con phố của Paris để thể hiện sự đoàn kết với Charlie Hebdo. Gần như chỉ qua đêm, tờ báo và đội ngũ làm ra nó đã được thế giới xem là biểu tượng tự do. Và đó là điều gây áp lực khổng lồ cho bất kỳ ai, như nhận xét của Laurent Joffrin, Tổng biên tập tờ Liberation.
Ông nói rằng làm một “người hùng tự do dư luận” cũng khó như làm một người hùng của tầng lớp lao động vậy. “Họ (những người ở Charlie Hebdo) không được huấn luyện cho việc đó. Họ chỉ quen với việc vẽ các bức tranh cho tờ báo nhỏ của mình” – ông nhận xét.
Trong vòng 9 tháng, đội ngũ nhân viên còn lại của Charlie Hebdo làm việc trong các văn phòng của Liberation. Nay họ đã chuyển sang một nơi ở mới và rủi ro an ninh lập tức đè nặng lên vai các thành viên của tờ báo.
“Mối đe dọa nhằm vào họ là rất cao. Mọi kẻ Hồi giáo cực đoan trên thế giới này đều mơ giết những con người ấy. Và vì thế, họ phải sống kín đáo trong căn hộ của mình, bởi sợ bắn tỉa. Họ phải sống trong bóng tối và điều này có thể sẽ diễn ra trong suốt phần đời còn lại của họ” – ông Joffrin nói, cho biết thêm rằng Charlie Hebdo chưa hề đánh mất bản sắc sau thảm kịch.
Nhưng những người khác không đồng tình với quan điểm này. Cả Luz và giám đốc mới của tờ báo là Riss đều nói rằng họ sẽ không vẽ tranh biếm về Nhà tiên tri Mohammed nữa.
"Tôi băn khoăn không biết đây có phải là một dạng co mình để những kẻ khủng bố nguôi giận và quên chúng tôi đi hay không” – Zineb el-Rhazoui chia sẻ về sự thay đổi trong đường hướng của tờ báo – “Nếu thực sự có chiến lược như thế thì nó đã sai lầm rồi, bởi khi bạn đã chấp nhận một sự giới hạn mà kẻ khác áp đặt lên mình, bạn sẽ phải nhận thêm nhiều giới hạn khác."
Tranh cãi quanh tiền từ thiện
Đầu năm nay, Zineb el-Rhazoui cùng 14 phóng viên, nhân viên của tờ báo đã viết một lá thư mở, kêu gọi tờ báo giữ gìn bản sắc. Nhưng các tranh cãi về đường hướng của tờ báo càng trở nên phức tạp hơn, do có sự xuất hiện của một yếu tố mới: tiền bạc.
“Chuyện thực sự rất phức tạp” – el-Rhazoui chia sẻ - "Charlie Hebdo là tờ báo nghèo trước vụ xả súng. Nhưng sau ngày 7/1, chúng tôi nhận được tiền từ khắp nơi, rất nhiều tiền. Chúng tôi trở thành một trong những tờ báo giàu nhất ở Pháp. Vấn đề là số tiền ấy và quyền ra quyết định lại chỉ nằm trong tay có 2 cổ đông chính.”
Những kẻ khủng bố đã giết 3 người còn lại trong đội ngũ 5 cổ đông của tờ báo, gồm sáng lập viên kiêm giám đốc Charb.
Các cổ đông còn sống sót, gồm Riss, tuyên bố rằng 100% lợi nhuận thu được trong năm nay sẽ được tái đầu tư cho tờ báo. Tiền từ thiện sẽ được chia đều cho các nạn nhân của vụ xả súng và những người sống sót. Nhưng ngay cả việc chia chác này cũng gây nên rất nhiều tranh cãi, tới nay vẫn chưa giải quyết xong.
Với một số, sự mất mát về con người trong ngày 7/1 cũng có nghĩa Charlie Hebdo đã mất đi những yếu tố quan trọng, đã làm nên linh hồn của tờ báo. Và như thế, quan điểm của Patrick Pelloux trở nên hoàn toàn đúng đắn, đó là Charlie Hebdo đã chết.
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa