Biên đạo Tuyết Minh: Ballet 'Kiều' sẽ không làm khán giả thất vọng
(Thethaovanhoa.vn) - Truyện Kiều của Nguyễn Du được biên đạo Tuyết Minh chuyển thể kịch bản từ năm 2018, được đầu tư sáng tác từ năm 2019 nhưng phải qua đại dịch Covid-19, ballet Kiều mới được “ra đời”. Vở diễn, dự kiến diễn ra tại Nhà hát TP.HCM vào 20/6/2020 và Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 8/2020, sẽ như một cách để mọi người cùng suy ngẫm về luật nhân quả trong đời.
1. Ballet Kiều do nghệ sĩ múa Tuyết Minh đảm trách với vai trò tổng đạo diễn kiêm biên đạo. Thật ra, từ những năm 2003-2004, Tuyết Minh đã dựng các vở ballet lớn như Carmen, Don Quyxote… và chị bắt đầu mong muốn được dựng các vở diễn Việt Nam. “Đương nhiên, chúng ta có thể dựng lại các vở ballet cổ điển thế giới nhưng về thực lực vẫn bị bỏ khá xa lại phía sau. Tôi yêu tác phẩm văn học, nghệ thuật của Việt Nam nên mong muốn dựng các tác phẩm kinh điển của người Việt” - Tuyết Minh tâm sự.
Tuyết Minh cho biết ballet Kiều từng được NSND Công Nhạc khi còn là Giám đốc Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam mời nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo và ê-kíp dựng nhưng vì nhiều lý do đã lỡ hẹn.
“Nói đến Truyện Kiều, người làm nghề ai cũng muốn chinh phục, nhất là dựng thành vở ballet vì tác phẩm văn học quá đồ sộ. Tuyến nhân vật chính diện, phản diện nhiều, với những tính cách đặc trưng, đặc biệt chất trữ tình, bản sắc văn hóa Việt rất đậm nét. 15 năm biến cố của Kiều đề cập đến nhiều vấn đề của xã hội, rồi tư tưởng triết học Nho giáo, Phật giáo hòa quyện… Vì vậy nên rất khó chuyển tải” - Tuyết Minh tâm sự.
Chị cũng cho biết, ballet Kiều cần một dàn diễn viên có trình độ kỹ thuật, kỹ xảo cao, cần những sự xuất thần trong diễn xuất để qua ngôn ngữ cơ thể, có thể toát lên được những nét điển hình nhân vật.
“Người làm nghề ai cũng mong dựng Kiều, nhưng phải vượt qua được sự khen chê và so sánh. Phải tìm ra được thủ pháp để giải mã văn hóa phương Tây, ballet và văn hóa Phương Đông, dân tộc, tuồng, chèo, ca trù, lẩy Kiều, hát xẩm...” - Tuyết Minh nói thêm.
Đại thi hào Nguyễn Du từng viết: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?”. Tuyết Minh tự đặt bản thân là tác giả thứ hai đồng sáng tạo, thông qua ngôn ngữ hình thể mang tới một cách cảm khác về Kiều nhưng không xa nguyên tác.
2. Toàn bộ vở diễn gồm 3 hồi, 15 cảnh thông qua sự biến hóa để thể hiện “chân tâm”. Tuyết Minh muốn thể hiện trọn vẹn giá trị “đạo làm người” nên không đi vào miêu tả 15 năm lưu lạc của nàng Kiều, mà hàm ý qua 3 lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên.
Diễn tiến vở diễn được ước lệ xoay quanh 4 lần Kiều đánh đàn, bởi thanh âm của tiếng đàn không thể là thứ ngôn ngữ dối lừa của tâm trạng.
Đó là sự đa cảm mãnh liệt của trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của nàng Kiều nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung và cũng là tiếng lòng của chính Nguyễn Du trước sự đời éo le, đen bạc và ngang trái của xã hội đương thời.
Tuyết Minh thừa nhận nhiều chuyên gia e dè Truyện Kiều vì kiệt tác quá đồ sộ về thi ca, ngôn từ. Nhưng kịch nói, múa rối… từng đưa Truyện Kiều lên sân khấu nên Tuyết Minh tự tin ballet Kiều sẽ không làm khán giả thất vọng.
Các hình tượng nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, sư Giác Duyên… hàm ý được tư tưởng của Nguyễn Du với hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục để mỗi người xem suy ngẫm đến đời sống tinh thần và nắm giữ, trân trọng vận mệnh của mình ngay ở thời hiện tại.
15 năm lưu lạc của Kiều chính là hành trình khát khao đi tìm hạnh phúc “trăm năm trong cõi người ta”. Ba lần Kiều gặp Đạm Tiên chính là gặp cái tôi bản ngã của chính mình. 15 năm biến cố, thăng trầm chẳng qua chỉ là cái hẹn của chính mình tại sông Tiền Đường để nhận ra linh hồn ca nhi Đạm Tiên như cầu nối trung gian giữa “mệnh trời” với “trần thế”, “cõi tâm linh” giao cảm với “trần gian”.
“Diễn viên phải thể hiện kỹ thuật, kỹ xảo đạt được niêm luật của bộ môn múa ballet. Mặt khác để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình thì các diễn viên phải thấm đẫm văn hóa phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt.
Đối với biên đạo, nếu không có nghề hoặc không có kinh nghiệm sẽ dễ bị sa đà vào múa trang trí, tức là không bật ra được tính cách nhân vật, không toát lên được tinh thần của vở diễn với các lớp triết lý của từng cảnh diễn. Thách thức lớn nhất là phải hòa hợp ballet - văn hóa phương Tây - với phong cách múa dân gian, múa truyền thống và văn hóa phương Đông đậm bản sắc Việt” - Tuyết Minh chia sẻ thêm.
Những yếu tố Việt thể hiện ballet “Kiều” Biên đạo Tuyết Minh và biên đạo Phúc Hùng đã kết hợp kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với khí chất của tuồng, chèo, và vốn múa dân tộc Kinh để chuyển tải linh hồn cho toàn bộ vở Kiều. Âm nhạc được chắt lọc, hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng mang âm hưởng ca trù, hát xẩm, tuồng và làn điệu dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc… Nhạc sĩ Việt Anh viết theo khúc thức cho dàn nhạc giao hưởng, còn những phân đoạn thể hiện nét tính cách, sự biến được nhạc sĩ Chinh Ba phát triển. Trang phục được Hoàng Tùng và Khánh Diệp biến tấu từ áo tứ thân, áo the của người Việt… |
P.V