'Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo' cho Hà Nội: Giải quyết sự bấp bênh của 'giới làm sáng tạo'
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục cuộc trò chuyện về ý tưởng Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội, ông Lê Quang Bình - điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống - cho rằng, nếu nhà nước coi công nghiệp văn hóa là mũi nhọn, thì việc nhà nước đầu tư vào chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ không chỉ tạo ra cơ sở vật chất ổn định, mà còn tạo ra các điều kiện khả thể khác để ngành sáng tạo Việt Nam phát triển.
*Thưa ông, hiện nay ở Hà Nội đã có những không gian sáng tạo được vận hành và có sự phát triển nhận định. Vậy theo ông, những không gian sáng tạo phục vụ cộng đồng từ cải tạo nhà máy cũ có gì khác biệt?
- Ở Hà Nội thực ra không có nhiều không gian sáng tạo đang hoạt động, hơn nữa thường nhỏ lẻ, rời rạc. Do phải tự lo mặt bằng nên nhiều người hoạt động sáng tạo phụ thuộc vào chủ nhà, rủi ro bị đòi lại mặt bằng cao nên cũng không dám đầu tư. Do Covid-19 nên nhiều nơi phải đóng cửa và dừng hoạt động. Như vậy, có thể thấy sự bấp bênh của giới làm sáng tạo Việt Nam là có thật và sự bấp bênh này một phần lớn là họ không có một cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp, ổn định làm bệ đỡ cho các hoạt động sáng tạo của họ.
Việc chuyển nhà máy thành các không gian sáng tạo chắc chắn sẽ giải quyết được sự bấp bênh này. Hơn nữa, nếu nhà nước coi công nghiệp văn hóa là mũi nhọn, thì việc nhà nước đầu tư vào chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ không chỉ tạo ra cơ sở vật chất ổn định, mà còn tạo ra các điều kiện khả thể khác để ngành sáng tạo Việt Nam phát triển.
Các nhà máy có 3 yếu tố rất khác biệt mà các không gian sáng tạo hiện tại không có được. Thứ nhất là kết cấu và kiến trúc công nghiệp đặc sắc, duy nhất nên sẽ kích thích sự sáng tạo của nghệ sĩ tối đa. Thứ hai, các nhà máy có diện tích rộng, dễ thay đổi không gian nên có thể tụ hợp nhiều ngành nghề văn hóa sáng tạo khác nhau. Đây chính là điều kiện để các ý tưởng gặp gỡ nảy sinh sự hợp tác cũng như sáng tạo.
Ngoài ra, vì diện tích lớn nên có thể là nơi tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, rất cần cho một thủ đô của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Thứ ba, các nhà máy thường ở những nơi dân cư, không xa trung tâm nên việc hấp dẫn người dân tham gia rất dễ dàng. Đây cũng là điều kiện để cho không gian sáng tạo phát triển bền vững.
*Từ khi được biết đến cho đến nay, ý tưởng biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội cũng đã tạo được hiệu ứng nhất định. Ông có thể chia sẻ về sự đón nhận, quan tâm đến ý tưởng này của cộng đồng nói chung cũng như của chính quyền Thành phố?
- Nói chung những người biết đến ý tưởng này đều rất thích vì lợi ích rõ ràng của nó trong việc cải tạo chất lượng sống của người dân cũng như sự phát triển bền vững đô thị.
Nhiều người nói với chúng tôi là Hà Nội đã chạm đến ngưỡng của sự quá tải, người dân đã chán ngán với các nhà cao tầng mọc lên san sát, gây ngột ngạt, tắc đường và ô nhiễm môi trường. Chính vậy, việc chuyển nhà máy cũ thành không gian sáng tạo thay vì tiếp tục “cắm” thêm chung cư cao tầng là một lối thoát rất cần thiết và kịp thời cho Hà Nội.
* Hà Nội đang nỗ lực xây dựng thương hiệu "Thành phố Sáng tạo" với nhiều hoạt động khác nhau. Trong đó có nhiều hoạt động chú trọng đến các không gian văn hóa sáng tạo. Đặt trong bối cảnh này, cơ hội và triển vọng nào cho ý tưởng biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo?
- Một thành phố sáng tạo rõ ràng cần những không gian sáng tạo để những người hoạt động sáng tạo thực hiện công việc việc của mình. Nó cũng là nơi để xã hội, nền kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao lưu quốc tế diễn ra.
Tôi hy vọng, chính quyền thành phố sẽ nhanh chóng ủng hộ ý tưởng này như là một trụ cột trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Chính vì vậy, thành phố cần ra chính sách quy hoạch và đầu tư để chuyển các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo, trước khi quá muộn.
- Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021: Tình yêu lớn trong 'mùa Covid'
- Công bố đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021
- Khởi động giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14-2021
*Có ý kiến cho rằng từ ý tưởng đến hiện thực hóa các không gian sáng tạo từ nhà máy cũ là công việc khá “mông lung” và khó đánh giá hiệu quả. Vậy, tại sao ông và "Vì một Hà Nội đáng sống"vẫn miệt mài, dấn thân theo đuổi ý tưởng của mình?
- Đúng là những ý tưởng mới đều bị coi là “mộng mơ” và “khác thường”. Nhiều người gọi chúng tôi là những người mơ giữa ban ngày. Tuy nhiên, chúng tôi tin cuộc sống chính là sự đổi mới hàng ngày. Khi chúng ta có cùng một giấc mơ thì việc giấc mơ thành hiện thực sẽ dễ dàng xảy ra.
Chúng tôi gọi chúng tôi là những người có hy vọng, hy vọng vào một Hà Nội có nhiều không gian sáng tạo để thành phố trở nên đáng sống hơn.
*Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Hy vọng vào một Hà Nội đáng sống hơn Vì một Hà Nội đáng sốnglà một mạng lưới của những cá nhân và tổ chức yêu Hà Nội, đang sống và làm việc ở Hà Nội. Chúng tôi thấy Hà Nội đã cho mình cuộc sống, công việc, bạn bè, ký ức, thậm chí cả gia đình và tình yêu. Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ mình cần làm gì đó cho Hà Nội, dù nhỏ để đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội. Hiện nay Vì một Hà Nội đáng sốngmong muốn tập trung vào việc cải tạo không gian công cộng để cuộc sống đỡ ngột ngạt, con người có nơi để kết nối với thiên nhiên cây cỏ, có không gian để kết nối với nhau. Không gian công cộng cũng là nơi ta có thể dừng chân khi mỏi. Chúng tôi có làm việc với các chị phụ nữ bán hàng rong, các chị ấy rất yêu quý không gian công cộng vì khi mỏi chân, mỏi vai họ có thể dừng lại nghỉ ngơi ở ghế đá, dưới bóng cây. Đây chính là việc thứ hai mà "Vì một Hà Nội đáng sống"đang làm, đó là làm sao để Hà Nội đáng sống với tất cả mọi người, dù họ là người địa phương hay người lao động nhập cư, người lành lạnh hay người khuyết tật, trẻ em hay người lớn. Chúng tôi muốn vận động cho một Hà Nội nhân văn về văn hóa và công bằng về sự kết nối. Chúng tôi muốn Hà Nội không phân biệt đối xử ai, và trân trọng cuộc sống và sự hiện diện của tất cả mọi người. Mong muốn thì nhiều, nhưng chúng tôi tin khi mỗi cá nhân, tổ chức, hay doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội không chỉ nghĩ Hà Nội là một nơi để “khai thác” hay “kiếm lời” mà Hà Nội còn là một nơi để mình đóng góp và xây dựng như ngôi nhà của mình, thì các mong muốn này sẽ được thực hiện". (Phát biểu của ông Lê Quang Bình - điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống) |
Công Bắc (thực hiện)