Quy chế Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần V–2018
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/4/2018, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) chính thức phát động Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần V-2018.
Dưới đây, BTC xin được thông báo toàn bộ Quy chế của Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần V-2018:
I. MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA
Tiếp nối thành công của lần I (2007 - 2008), lần II (2009 - 2010), lần III (2011 - 2012), lần IV (2013 – 2014), Giải “Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre” lần V được tổ chức trong năm 2018, nhằm: Tiếp tục khích lệ phong trào sáng tác biếm họa tồn ẩn trong những “nhà báo vẽ” ở khắp mọi nơi; Tổ chức triển lãm về biếm họa, đem lại món ăn tinh thần cho đông đảo người xem; Tiếp tục đưa trở lại và phát huy hơn nữa những sức mạnh vốn có cho thể loại báo chí biếm họa; Là nơi tôn vinh xứng đáng cho các tác giả biếm họa thời kỳ mới. Tạo đà để biếm họa nâng tầm hàn lâm về chuyên môn, đại chúng và đa dạng về ngôn ngữ như vị thế của nó ở các nước phát triển.
II. ĐỀ TÀI, ĐỐI TƯỢNG THAM GIA VÀ GIẢI THƯỞNG
1. Đề tài: Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh
Sau thành công của Giải lần I, IV với chủ đề tự do, giải lần II, lần III với chủ đề “Giao thông thời hội nhập”, “Môi trường và biến đổi sinh thái”, giải Biếm họa lần V được phát động với chủ đề Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh.
Mọi người ứng xử với nhau như thế nào khi tham gia giao thông hay tham dự lễ hội? Các cán bộ, nhân viên ứng xử với nhau như thế nào trong các cơ quan, công sở; cán bộ, công chức ứng xử như thế nào với nhân dân? Mọi người đang ứng xử với nhau như thế nào trên mạng xã hội...?
Nếu như văn hóa ứng xử là việc thể hiện thái độ, hành động một cách "có văn hóa" của mình trong quan hệ với mọi người, thì thông qua tiếng cười của biếm họa, mỗi người có thể tự soi lại bản thân để có những sự điều chỉnh thích hợp. Cuộc thi được triển lãm, trao giải dịp cuối năm sẽ như màn tổng kết để "phản tỉnh" chúng ta trong văn hóa ứng xử trong năm. Qua đó, chúng ta sẽ góp phần làm cho xã hội nền nếp, văn minh hơn.
Với chủ đề Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh, cuộc thi kêu gọi các tác giả sử dụng sức mạnh của biếm họa để phê phán những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử, cổ vũ những hành động văn hóa, văn minh trong các quan hệ ứng xử trong xã hội ngày nay, bày tỏ mong muốn về một môi trường xã hội (cả thực và ảo) thực sự văn minh trong ứng xử...
Tác phẩm dự thi có thể tập trung vào văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực tiêu biểu như:
- Văn hóa ứng xử nơi công cộng (đặc biệt là giao thông, lễ hội)
- Văn hóa ứng xử nơi cơ quan, công sở (đặc biệt là ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, ứng xử trong bệnh viện, ứng xử trong học đường...)
- Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội
2. Đối tượng tham gia
Các họa sĩ biếm họa chuyên và không chuyên, cũng như mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam yêu thích biếm họa.
3. Thể thức tranh dự thi
- Các tác phẩm đã được đăng báo hoặc sáng tác để đăng báo trong thời gian 01 năm, tính từ thời điểm kết thúc thời hạn nhận tranh lần này, tức là từ 1/1/2018 – 1/12/2018.
- Số lượng: Một tác giả được gửi tối đa 10 tác phẩm.
- Kích thước: Khổ tối thiểu A4 (210 x 297 mm) - và tối đa là A2 (594 x 420 mm).
- Hình thức thể hiện: Tranh vẽ, đồ họa vi tính.
- Chất liệu: Tự do.
- Ban tổ chức sẽ lo việc đóng khung đối với các tác phẩm được chọn treo triển lãm.
- Với các tác phẩm đã từng được in trên báo, đề nghị tác giả gửi kèm thêm (bản chính, hoặc bản photo) tờ báo đó.
- Với các tác phẩm đã từng được đăng trên báo điện tử xin gửi kèm đường link.
- Tác giả sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật nếu có khiếu kiện về bản quyền tác phẩm.
- Ban tổ chức có quyền sử dụng hình ảnh tác phẩm cho các ấn phẩm, trang web và triển lãm liên quan đến cuộc thi. Tranh được Báo Thể thao và Văn hóa in trên báo sẽ được hưởng nhuận bút theo chế độ hiện hành.
- Ban tổ chức có thể sử dụng các tác phẩm vào mục đích từ thiện trên cơ sở được sự chấp thuận của các tác giả.
4. Nhận tranh – hoàn trả tranh
- Nhận tác phẩm từ ngày phát động (03/4/2018) đến hết ngày 1/12/2018 - tính tới thời điểm nhận được tranh tại Tòa soạn báo Thể thao & Văn hóa, 11 Trần Hưng Đạo – Hà Nội hoặc theo dấu bưu điện. Tác giả dự thi cũng có thể gửi thêm phiên bản điện tử của tác phẩm đến hộp thư biemhoa@thethaovanhoa.vn (yêu cầu để định dạng ảnh là “.JPG” hoặc “.PNG” với dung lượng không quá 20Mb, độ phân giải là 300dpi đến 600dpi) để thuận tiện cho việc giới thiệu trên trang web của cuộc thi.
- Các tác phẩm đáp ứng tiêu chí của cuộc thi sẽ được giới thiệu trên trang web: www.thethaovanhoa.vn/biemhoa, để công chúng thưởng thức, bình chọn làm cơ sở để Hội đồng giám khảo xét các giải bình chọn của cộng đồng. Lưu ý là ngoài phiên bản điện tử (nếu có), các tác giả dự thi cần gửi cả bản chính thức đối với tranh vẽ, bản in của đồ họa vi tính hoặc dàn dựng nhiếp ảnh cần kèm theo chữ ký tươi của tác giả nhằm tạo thuận lợi cho BGK trong việc chấm giải, nhất là các tác phẩm sẽ được giới thiệu tại triển lãm.
- Hướng dẫn gửi tranh qua bưu điện hoặc gửi tranh dự thi thông qua Email
+ Tiêu đề thư: Tác phẩm dự thi Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần IV
+ Nội dung thư:
+ Họ tên:
+ Bút danh:
+ Số tranh dự thi: Khổ: A4
+ Số tranh dự thi: Khổ: A3
+ Số tranh dự thi: Khổ: A2
+ Thông tin cá nhân:
+ Điện thoại liên lạc:
+ Địa chỉ nhận thư (qua bưu điện):
+ Địa chỉ Email:
+ Tài khoản cá nhân (*):
+ Mã số thuế cá nhân (*):
- Tác giả sẽ nhận lại tác phẩm tại Tòa soạn báo Thể thao & Văn hóa (11 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) trong thời gian 03 tháng kể từ thời điểm kết thúc triển lãm; sau thời hạn này, Ban Tổ chức có toàn quyền xử lý tác phẩm.
5. Chấm giải: Tháng 12/2018
6. Triển lãm "Táo ứng xử"
Các tác phẩm lọt vào chung khảo và đoạt giải sẽ được triển lãm vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Triển lãm trong khoảng từ 07 - 10 ngày tại Hà Nội. Thời điểm cuối năm Mậu Tuất cũng là dịp để "tổng kết" năm, nên triển lãm sẽ mang chủ đề "Táo ứng xử". Triển lãm sẽ diễn ra ở một không gian công cộng nhằm đưa biếm họa tới gần công chúng, đồng thời để công chúng nhận thức rõ hơn vai trò của văn hóa ứng xử ngay tại nơi mà mình xem triển lãm. Cụ thể như sau:
- Chủ đề triển lãm: Giải biếm họa báo chí Việt Nam – cúp Rồng tre lần 5 – 2018. Chủ đề "Táo ứng xử"
- Địa điểm triển lãm: Không gian công cộng tại Phố đi bộ Hồ Gươm
- Hoạt động phụ trợ: Tọa đàm về văn hóa ứng xử với sự tham gia của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội (đơn vị có nhiều nỗ lực xây dựng các quy tắc ứng xử trên địa bàn); nghệ sĩ Chí Trung – Táo giao thông; nghệ sĩ nước ngoài có nhiều trải nghiệm về văn hóa, lối sống Việt Nam...
7. Giải thưởng
- 01 giải Nhất (Cúp Rồng Tre) trị giá 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng) và 01 năm báo biếu báo TT&VH
- 01 giải Nhì trị giá 8.000.000 đồng/giải và 01 năm báo biếu báo TT&VH
- 02 giải Ba trị giá 5.000.000 đồng/giải
- 05 tặng thưởng (khuyến khích) 2.000.000 đồng/giải.
- 01 giải "Lựa chọn của công chúng" trị giá 3 triệu đồng: dành cho tác phẩm được công chúng yêu thích và đánh giá cao trên chuyên trang của giải thưởng (www.thethaovanhoa.vn/biemhoa), thể hiện qua lượt bấm like, số lượng và chất lượng comment...
*** Ngoài ra, còn có các giải riêng của một số cơ quan và tổ chức quan tâm trao tặng - vì những giá trị riêng biệt của từng tác phẩm.
8. Ban giám khảo:
- Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà Báo VN
- Ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam
- Họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm
- Họa sĩ biếm họa - Kiến trúc sư Lý Trực Dũng, Ủy viên BCH Chi hội Đồ họa, phụ trách mảng biếm họa (Hội Mỹ thuật Việt Nam)
- Họa sĩ Thành Chương
- Họa sĩ Trần Minh Dũng (NHOP)
- Họa sĩ Lê Phương (LEO)
III. CƠ CẤU TỔ CHỨC
1. Các cơ quan bảo trợ
- Hội Nhà báo Việt Nam
- Thông tấn xã Việt Nam
2. Cơ quan tổ chức: Báo Thể thao và Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam.
BTC