Biếm họa khơi gợi trúng vào chỗ rất bức xúc trong xã hội hiện nay
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức Lễ Tổng kết, Trao giải và Triển lãm Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần V–2018 với chủ đề Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh. Thay mặt BTC, ông Lê Xuân Thành Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng BTC Giải đã có những phát biểu tổng kết giải thưởng.
Thưa quý vị!
Qua 8 tháng phát động, hôm nay, Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V năm 2018 với chủ đề "Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh" đã về tới đích.
Phải nói rất thật lòng rằng, thời gian qua, trong khi rất nhiều các anh chị em họa sĩ ở khắp mọi miền đất nước tỏ ra rất hân hoan, phấn khởi khi Cúp Rồng tre được khởi động trở lại sau mấy năm gián đoạn, thì Ban tổ chức chúng tôi quả thực đến bây giờ mới có thể thở phào.
Lúc đầu, có 2 điều ở giải năm nay khiến chúng tôi lo lắng. Ấy là chủ đề Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh của Giải năm nay có vẻ như hơi nhẹ quá, nhất là sau đó lại có Giải biếm họa chủ đề "Phòng, chống tham nhũng" của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm được phát động rất quy mô, và cũng trao giải sớm hơn. Nỗi lo thứ hai là về kinh phí. Cũng xin chia sẻ rất thật với các quý vị là Cúp Rồng tre năm nay hoàn toàn là từ nguồn kinh phí tự túc của báo Thể thao và Văn hóa.
Vâng, có những nỗi lo như thế, nhưng thật vui rằng, cuối cùng, giải thưởng đã thành công, có thể nói là ngoài sức mong đợi của tôi. Chủ đề Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh, hóa ra lại khơi gợi trúng vào chỗ rất bức xúc trong xã hội hiện nay. Văn hóa ứng xử trong giao thông, trong y tế, trong học đường... và đặc biệt là văn hóa ứng xử trên mạng ảo trong năm 2018 này chính là những chủ đề nóng bỏng, nói như ngôn ngữ của báo mạng hiện nay, là hot trend, của cả xã hội. Chúng tôi rất vui mừng khi 400 tranh biếm họa dự thi không chỉ đề cập được đến các vụ việc mang tính thời sự đó, mà còn chỉ ra được căn nguyên của những hiện tượng ấy.
Và cũng vượt qua nỗi lo về kinh phí, với những nỗ lực trong năm 2018, báo Thể thao và Văn hóa cũng đạt được sự tăng trưởng rất mạnh mẽ. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng giám khảo, BTC đã quyết định tăng thêm 01 giải Nhì nữa so với dự kiến của chúng tôi trong Lễ phát động. Tất nhiên vì lý do khách quan mà Giải thưởng chỉ trao 4 giải Khuyến khích (thay vì 5 giải, vì một tác phẩm phạm quy về mặt thời gian) và không trao giải Lựa chọn của công chúng, vì lý do thời gian gấp gáp, không đủ để chia sẻ các tranh dự thi lên mạng để nhận sự bình chọn của mọi người.
Tổng số tiền thưởng thực tế là 49 triệu đồng, tăng 3 triệu so với dự kiến. BTC cũng quyết định in thêm vựng tập về Giải thưởng, thực tế là một cuốn sách tranh dày dặn với 60 trang, in màu, giấy đẹp để phổ biến lâu dài những tác phẩm tiêu biểu của giải tới công chúng, làm phong phú thêm cho lịch sử biếm họa báo chí Việt Nam. Ngoài ra, để công chúng trong nước và quốc tế có thể chiêm ngưỡng những sáng tạo nghệ thuật có tính báo chí cao này, chúng tôi cũng đã tuyển chọn khoảng 50 tác phẩm tiêu biểu in ra khổ lớn để đưa đi triển lãm trong 3 ngày cuối tuần này tại phố đi bộ Hồ Gươm và có thể sắp tới đây đem vào đường sách Nguyễn Văn Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chứng kiến sự phấn khởi của các họa sĩ biếm khắp cả nước; lắng nghe những lời động viên của các họa sĩ biếm họa lão thành; chứng kiến những buổi chấm giải cực kỳ căng thẳng nhưng cùng đầy tâm huyết của các vị giám khảo - là những nhà báo, họa sĩ danh tiếng - chúng tôi đã được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục cống hiến cho công chúng biếm họa những tiếng cười "bằng mười thang thuốc bổ".
Chúng tôi xin cảm ơn tới TTXVN đơn vị chủ quản của báo Thể thao và Văn hóa, Hội nhà báo Việt Nam, Hội đồng Giám khảo và đặc biệt tới đông đảo các họa sĩ biếm họa trong cả nước đã gửi các tác phẩm dự thi, cùng chung tay với chúng tôi tổ chức thành công Giải báo chí biếm họa lần thứ V này.
Trân trọng cảm ơn!