Bị truyền hình 'xâm thực', sân khấu không giữ được nghệ sĩ
(Thethaovanhoa.vn) - Khi Kịch 5B (mô hình xã hội hóa- nhà nước tư nhân cùng làm) đóng cửa chờ sửa chữa hồi tháng 4/2015, thì xem như phần còn lại của kịch TP.HCM chỉ toàn các mô hình tư nhân hoạt động thường xuyên. Vấn đề ở đây không còn là chuyện nhà nước, xã hội hóa, hay tư nhân, bởi khó khăn dường như không chừa một sân khấu nào. Làm sao để tồn tại và bước tới là câu hỏi chẳng dễ trả lời.
1. Hôm 5/8, Kịch CTM đã khai trương tại Trung tâm Văn hóa Hậu Giang (259 Hậu Giang, quận 6), với nhiều dự định tốt đẹp. Chỉ dám hi vọng họ tồn tại và thực hiện được khoảng 60% các dự định ấy thì đã thành công ngoài mong đợi.
Bởi một sân khấu muốn tồn tại thì cần nhiều yếu tố, trong đó có kịch mục phong phú, đạo diễn tài năng, diễn viên hút khách và cả may mắn nữa.
Tâm huyết, kinh nghiệm của ông bầu Lê Bảo Anh có thừa, anh từng chung tay xây dựng Kịch Hoàng Thái Thanh, rồi Kịch Thuần Việt ở quận 2. Nay mở ra ở quận 6, tuy xa trung tâm, nhưng địa bàn này lại gần như không có sân khấu để cạnh tranh, nếu làm tốt vẫn có thể có khách.
Nếu nhìn vào diện mạo hiện tại, thì ngoài sân khấu quy chuẩn, họ đang rất cần những yếu tố vừa nêu ở trên.
Trước đó, ngày 4/8, Kịch cà phê Bệt tái hoạt động sau thời gian dài đứt quãng tại một địa chỉ mới (103Bis Võ Thị Sáu, quận 3), với kịch mục là 3 vở diễn cũ. Không gian cũ có thể chứa đến 150 người, lần này chỉ 70 thôi, nên hi vọng về việc tìm đủ khách để sáng đèn sẽ giảm bớt áp lực đáng kể.
Cái hay của mô hình này - mà gần đây Trịnh Kim Chi làm theo với Kịch cà phê KC (sân thượng siêu thị Văn Lang, 1 Quang Trung, Gò Vấp) đang thành công - đó làm cảm giác “không quá đắt”, bởi thay vì ngồi uống cà phê rồi lướt facebook, thì xem kịch. Tuy nhiên, không phải ai làm theo cách này cũng thành công, có vài nơi mở ra nhưng thất bại.
Cũng vì sửa chữa mặt bằng mà Kịch Hồng Vân từng đóng cửa tụ điểm chính (70-72 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận) một thời gian, vừa mới sáng đèn trở lại. Cánh chim đầu đàn của tư nhân là Kịch IDECAF đang đóng cửa tụ điểm chính (28 Lê Thánh Tôn, quận 1), cũng với lý do sửa chữa, ít nhất là đến hết tháng 8/2015.
Rồi chuyện lùm xùm về kiện tụng với nghệ sĩ Ngọc Trinh mà Nhà hát kịch TP.HCM (30 Trần Hưng Đạo, quận 1) cũng không còn phiên khúc cho kịch nói. Các địa điểm như Kịch Sài Gòn (quận 3), Kịch Hoàng Thái Thanh (quận 10), Kịch Thế giới trẻ (quận 1), Kịch Sao Minh Béo (quận 11)… vẫn sáng đèn, nhưng thỉnh thoảng mới có suất bán vé như mong muốn.
2. Một khó khăn nhãn tiền của sân khấu kịch là chuyện bị truyền hình xâm thực. Điều này tuy diễn ra từ khoảng 10 năm trước, nhưng vài năm trở lại đây thì càng khốc liệt, kinh khủng hơn.
Rõ ràng việc đóng phim, dựng tiểu phẩm, dẫn chương trình, tham gia trò chơi, trò chuyện, hàn huyên, khách mời… trên truyền hình giúp nghệ sĩ cải thiện thu nhập đáng kể, nên nhiều diễn viên kịch cũng nhập cuộc, dần dần lơ là sân khấu.
Cứ đến xem vài buổi tập vở, rồi chuyện thường đổi diễn viên vào phút chót (khi đã bán vé)… cũng đủ thấy chuyện chạy sô ảnh hưởng thế nào.
Một bà bầu tâm sự: “Sân khấu làm nên nghề nghiệp họ, nhưng khi có chút tên tuổi thì họ bỏ sân khấu lên truyền hình, buồn cũng có, nhưng tiền đâu mà giữ chân. Họ còn khó khăn về đời sống và mọi chi phí khác phải lo”. Cát-sê truyền hình gấp 5 - 10 lần, thậm chí vài chục lần sân khấu kịch là bình thường; truyền hình lại dễ nổi tiếng hơn nữa.
Quảng cáo nói chung và việc xem gần như miễn phí đã giúp khoảng 10% của hơn 105 kênh truyền hình sống khỏe.
Tình trạng bao cấp nhiều kênh truyền hình miễn phí giúp người dân có phương tiện giải trí, điều này vẫn còn hữu hiệu ở các tỉnh, nhưng với nhiều thành phố phát triển, thì nó thành thách thức với nhiều loại hình, trong đó có sân khấu kịch. Chỉ còn biết hi vọng các sân khấu kịch TP.HCM dù khó khăn thì cũng không chùn bước.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa